Ngày 4/10/2024, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam".
Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội. Đây là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học tại Việt Nam.
|
Hội thảo "Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam". Ảnh: Mai Loan. |
Ông Nguyễn Gia Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng, khó khăn và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống tạp chí khoa học.
Tình trạng “bài báo chất lượng xấu loại bỏ bài có chất lượng tốt”
PGS. TS Phạm Bích San, Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam khẳng định, tạp chí khoa học hiện đại đóng một vai trò then chốt, hết sức quan trọng trong việc phát triển khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, tình trạng nghiên cứu ít, không đủ đầu tư và tốn phí bên ngoài phi khoa học quá lớn, thủ tục rườm rà nên các nhà khoa học giỏi ít tham gia đề tài cũng góp phần làm cho các đề tài không có chất lượng và hậu quả là các bài đăng cũng kém chất lượng.
Chỉ có các nghiên cứu sinh quan tâm đến công bố cho đủ số điểm làm luận án mà ít có hy vọng ở nhóm nghiên cứu sinh này có thể làm gì cho để nâng cao chất lượng công trình công bố. Đặc biệt, do thường mỗi tạp chí thuộc một cơ quan nào đó nên tính phân mảng theo hành chính nặng nề nên rất khó để công bố bài nếu đứng ngoài hệ thống.
Cùng với đó, việc đề cao công bố quốc tế hiện nay nên các công trình tốt thường được đăng các tạp chí nước ngoài và sự hình thành thị trường trao đổi bài có chất lượng để công bố quốc tế phục vụ cho việc đánh giá đại học nên nạn mua bán bài tốt đã thành vấn nạn càng làm cho các tạp chí trong nước thiếu bài tốt.
Nhưng các tạp chí đang tồn tại vẫn phải có bài đăng, nên có tình trạng “bài báo chất lượng xấu loại bỏ bài có chất lượng tốt”.
“Các bài báo chất lượng thấp ít tốn kém khi viết nên sẵn sàng chịu chi cao để đăng, còn bài báo tốt thì tốn kém lớn nên có ít tiền để chạy đăng và những người làm khoa học thật cũng không muốn làm thế. Nhìn chung hiện nay không có, hoặc rất ít cơ sở xã hội cho một tờ tạp chí khoa học nghiêm túc ở nước ta”, ông San nói.
TS Phạm Bích San cho hay, việc phát triển tạp chí khoa học theo đúng nghĩa ở Việt Nam tạm thời là công việc của tương lai tùy thuộc vào việc chúng ta có một thể chế hiện đại phù hợp cho nghiên cứu khoa học hay không. Phải có thể chế mới mới có thể đảm bảo tính liêm chính khoa học. Trong đó, kinh phí chỉ là một trong các vấn đề và không phải là vấn đề quan trọng nhất. Quan trọng hơn ở đây là quyền tiếp cận và trình bày những vấn đề mới từ góc độ khoa học.
Cần đưa ra khỏi “làng báo” vĩnh viễn nhà báo vi phạm pháp luật
TS Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập tạp chí Sức khỏe và Môi trường cho hay, thời gian qua, đã có những báo, tạp chí và những nhà báo đã có hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và thậm chí vướng vào vòng lao lý.
"Cần có cơ chế tài chính phạt thật nặng và đưa ra khỏi “làng báo” vĩnh viễn những nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà báo. Cũng không vì một vài cơ quan tạp chí vi phạm, yếu kém mà “dẹp” tất cả các tạp chí ngoài công lập (không phải của Bộ, ngành)", bà Mỵ nêu ý kiến.
Cũng theo bà Mỵ, mặc dù trong Luật Báo chí và trong các văn bản của Đảng đã quy định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng theo bà, người đứng đầu cơ quan báo, tạp chí phải thực sự là người có đạo đức, có năng lực, gương mẫu trong lối sống, có tự trọng trong nghề nghiệp, định hướng đúng cho hoạt động của tạp chí và phải dám chịu trách nhiệm trước những vi phạm của phóng viên.
Bà Mỵ cũng đề nghị cần cấp thẻ nhà báo cho những nhà khoa học, bởi khi họ đã hoạt động trong lĩnh vực báo chí họ cũng là nhà báo, là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, họ cũng cần phải có “thẻ hành nghề” như những nghề nghiệp khác.
Đồng quan điểm, ông Đặng Đình Chấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập cho biết, cần tạo điều kiện cho nhân tố tốt phát triển và triệt tiêu những tiêu cực không đáng có, cần tăng cường chế tài xử lý sai phạm đủ nghiêm minh nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thay bằng xóa bỏ các tạp chí khoa học ngoài công lập như hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao các yêu cầu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.