Ngày 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể. Trò chuyện với phóng viên, các đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Các đại biểu bày tỏ kỳ vọng kỳ họp sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri quan tâm tới công tác lập pháp
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho hay, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu đặc biệt quan tâm đến một số nội dung được cho ý kiến và thông qua, cụ thể là dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Nội dung sửa đổi tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành, nhiều nội dung mới, phức tạp liên quan đến việc thể chế các Nghị quyết của Đảng về năng lượng… cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, thận trọng để đảm bảo chất lượng.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Mai Loan. |
Dự án Luật này có tác động rất rộng đến toàn bộ người dân, lại có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thủy lợi… Vì vậy, cần phải tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các chuyên gia để đảm bảo việc góp ý phù hợp thực tế, đặc biệt là để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan. Luật được Chính phủ để xuất thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nên nội dung này càng phải được quan tâm sát sao.
Bên cạnh đó, đại biểu rất quan tâm những hoạt động giám sát tối cao, vì điều đó thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri. Một số nội dung giám sát tối cao tại Kỳ họp lần này cũng đã được gửi tới đại biểu. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, một số báo cáo còn rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật không còn phù hợp như chuyên đề giám sát về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập giai đoạn 2018-2023…
“Có thể nói, đây sẽ là Kỳ họp với khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, trong đó có 30 nội dung về công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho hay.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho hay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, rất nhiều ý kiến cử tri quan tâm tới Luật Nhà giáo, Luật Điện lực, Luật Việc làm… Điều này phần nào thể hiện công tác lập pháp đã được người dân rất quan tâm, cử tri đã tiếp cận các Luật, Nghị quyết dưới góc độ gắn với thực tế chứ không xem đây là những quy định xa vời.
Điều này rất đáng mừng, nó thể hiện “sức nóng” của hoạt động Nghị trường đã phản ánh được “hơi thở” cuộc sống.
Đặc biệt, cử tri Quảng Bình gửi gắm mong muốn Luật Nhà giáo sẽ gắn những quy định để cụ thể hóa chính sách “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Cử tri quan tâm đến chính sách cho nhà giáo như: Vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp; các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau… Đối với việc miễn, giảm học phí cho con em nhà giáo, cử tri mong muốn quy định này phải đảm bảo tính khả thi của việc thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục nhưng cũng tránh dư luận trái chiều về đặc quyền mang tính chất cục bộ. Ngoài ra, bên cạnh những chính sách, lợi ích mà dự án Luật đem lại cho nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo cũng cần đồng thời yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới.
Đối với Luật Việc làm, cử tri cũng mong muốn sẽ cụ thể hóa các quy định để đảm bảo phù hợp với bối cảnh “già hóa” dân số, mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức ưu đãi, chính sách tín dụng tạo việc làm phải đến tay người lao động thực sự có nhu cầu, hỗ trợ đúng người, đúng việc; xem xét hỗ trợ quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động; bổ sung thời gian 06 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHTN và nghiên cứu, xây dựng quy định về BHTN tự nguyện, đảm bảo đồng bộ với các chế độ tự nguyện khác của BHXH…
“Trước thềm một kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra đúng tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội và Chính phủ kỳ vọng: Thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ.
Nhiều dự án luật tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân
ĐBQH Thái Thị An Chung, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng. Chỉ riêng công tác lập pháp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 15 luật, 02 Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 13 dự án luật khác.
Có thể nói, đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có nhiều dự án luật tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đa số người dân như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).
|
ĐBQH Thái Thị An Chung, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: QH. |
Nhiều dự án luật sửa đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hóa chất, Luật Địa chất và khoáng sản… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đặc biệt việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho hay, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 đã nhấn mạnh nhiệm vụ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn nhưng thực tế là thực tiễn luôn thay đổi, do đó cần phải kịp thời có hành lang pháp lý để điều chỉnh. “Tại Kỳ họp thứ 7, tôi cũng đã có đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay đổi cách thức xây dựng pháp luật để chúng ta có thể phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới phát sinh mà pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, không nhất thiết phải chờ sơ kết, tổng kết để sửa đổi một cách toàn diện”, bà Tâm nói.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật thì cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và toàn diện từ cơ quan soạn thảo, không chỉ dự thảo Luật mà còn Kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách sau khi được ban hành. Đồng thời, phải tạo điều kiện hơn nữa để cơ quan thẩm tra được thông tin sớm về chính sách và các ý kiến góp ý; phản biện của người dân, cơ quan, tổ chức phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.