Bộ Nội vụ đề xuất giải pháp ngăn chặn 'bổ nhiệm thần tốc'

Google News

Để tránh “bổ nhiệm thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất điều kiện thời gian công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo được bổ nhiệm lần đầu.

Lượng hóa tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm
Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Theo tờ trình của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trước khi có Quy định của Bộ Chính trị, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (giám đốc, phó giám đốc sở) thuộc thẩm quyền của bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực.
Thực hiện quy định này, các bộ đã ban hành thông tư, tuy nhiên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong điều động, bổ nhiệm cán bộ. Cùng tiêu chuẩn phó vụ trưởng, phó giám đốc sở nhưng có bộ, ngành yêu cầu phải là chuyên viên chính, có nơi chỉ yêu cầu chuyên viên, hoặc yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng đối với chức danh lãnh đạo, quản lý… Để khắc phục bất cập này, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Nội vụ xây dựng dự thảo, quy định thống nhất về khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý.
Bo Noi vu de xuat giai phap ngan chan 'bo nhiem than toc'
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PV
Liên quan đến vấn đề lượng hóa tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự thảo quy định kinh nghiệm công tác phải đáp ứng yêu cầu: đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp; đồng thời phải có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể tại vị trí đang đảm nhiệm phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý dự kiến bổ nhiệm.
Yêu cầu khác cũng được đưa ra là cán bộ đó phải có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và kinh nghiệm thực tiễn trong ngành, lĩnh vực được bổ nhiệm, trừ trường hợp được bổ nhiệm lần đầu; được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên…
“Quy định nêu trên nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, tránh tình trạng bổ nhiệm vượt cấp, đồng thời lượng hóa được về tiêu chuẩn. Theo đó, ở mỗi vị trí lãnh đạo đều phải thể hiện bằng sản phẩm cụ thể khi xem xét bổ nhiệm vào vị trí chức vụ cao hơn”, Bộ trưởng Trà nêu.
Công chức được bổ nhiệm lần đầu khi nào?
Riêng về bổ nhiệm chức danh thứ trưởng và tương đương, sau khi lấy ý kiến, Ban Tổ chức Trung ương đã thống nhất dự thảo quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh này là đang giữ chức vụ trưởng và tương đương thuộc bộ, phó tổng cục trưởng và tương đương, tổng cục trưởng và tương tương; phó chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh và chức danh tương đương trở lên.
Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, quy định như vậy phù hợp với Quy định số 80 và Kết luận số 35 của Bộ Chính trị, đảm bảo chủ trương phải kinh qua vị trí lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp.
Theo Quy định số 80 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn là phải “có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, trong thực tế có các trường hợp được bổ nhiệm khi chưa giữ chức vụ. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn và căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy hiện nay, đồng thời tránh “bổ nhiệm thần tốc”, dự thảo nghị định được Bộ Nội vụ đề xuất cụ thể về điều kiện thời gian công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo được bổ nhiệm lần đầu.
Qua đó, đối với chức phó vụ trưởng và tương đương thuộc bộ phải công tác từ đủ 7 năm trở lên, trưởng phòng thuộc cấp cục, vụ phải từ đủ 5 năm trở lên, cấp phó trưởng phòng từ đủ 3 năm trở lên…
Đối với chức phó vụ trưởng thuộc tổng cục phải có thời gian công tác từ đủ 6 năm, với chức trưởng phòng thuộc tổng cục, chi cục từ đủ 4 năm trở lên; còn đối với vị trí phó giám đốc sở phải từ đủ 7 năm trở lên, cấp trưởng phòng thuộc sở từ đủ 5 năm trở lên; thời gian quy định ngắn nhất là cấp phó trưởng phòng thuộc chi cục và thuộc huyện phải có thời gian công tác từ 2 năm trở lên.
Lý giải thêm về việc này, lãnh đạo Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, nếu công chức trước khi giữ chức vụ đang đảm nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ cao hơn, bằng hoặc liền kề với chức vụ dự kiến bổ nhiệm thì được tính là thời gian giữ chức vụ tương đương để cộng dồn (trừ trường hợp bị cách chức, giáng chức). Đối với trường hợp đặc biệt về kinh nghiệm công tác (hoặc bổ nhiệm vượt cấp) sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Dự thảo Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, công chức lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, bản thân không tham nhũng, háo danh, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Không tham vọng quyền lực; cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, trách nhiệm cao với công việc…

Theo Thành Nam / Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)