Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc tới đây Bình Dương sẽ dùng ngân sách mua lại trạm thu phí, đồng thời xây dựng cầu vượt, hầm chui nhằm giảm ùn tắc giao thông, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, quan điểm của ông là không đồng ý việc một địa phương dùng ngân sách để mua lại trạm BOT.
|
Bình Dương sẽ mua lại và xóa bỏ nhiều trạm thu phí. Ảnh: Lao Động |
“BOT hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện. Trong khi đó tiền ngân sách là tiền của Nhà nước. BOT là để người dân cùng tham gia, lấy tiền đó tu bổ đường sá. Thay vì lấy tiền ngân sách để mua trạm thu phí thì nên dùng tiền ngân sách đó để đầu tư hạ tầng khác sẽ có lợi hơn, tốt hơn. Do đó, việc Bình Dương dùng tiền ngân sách để mua lại trạm thu phí là không hợp lý, nếu Bình Dương lên phương án mua lại một số trạm thu phí để giải quyết ùn tắc giao thông cũng khó chấp nhận lý do này" - Đại biểu Hòa nói.
“Với vai trò đại biểu Quốc hội tôi sẽ ý kiến là không. Ở Bình Dương xuất tiền ngân sách ra mua lại trạm thu phí được thì địa phương khác cũng xuất tiền ngân sách ra mua trạm thu phí. Như vậy, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông, BOT đâu còn giá trị gì nữa” - đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, BOT đang vận hành tốt thì cứ để cho vận hành, không phải thực hiện việc bỏ tiền ngân sách ra để mua lại dù mục đích như thế nào.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, việc Bình Dương muốn mua lại các trạm thu phí phải xem xét cả một quá trình.
“Đây là miếng bánh bẻ đôi ra, quá trình đầu tư rất tốn kém và có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vấn đề không phải mua bán ngay được. Tôi thấy cần phải cân nhắc để đảm bảo đoàn kết giữa các đơn vị với nhau. Việc thu phí ở các trạm phía Nam xảy ra nhiều lùm xùm trong quá trình triển khai giữa các đơn vị với nhau, đây là vấn đề dân sự, hợp đồng kinh tế cần phải cân nhắc kỹ để không xảy ra những trục trặc, hậu quả về sau. Các cơ quan quản lý cần phải xem xét để dứt điểm vấn đề này”- ông Liên nêu ý kiến.
Trao đổi với Báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thông tin, địa phương đã lên kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị.
Theo đó, Bình Dương tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực với hình thức đa dạng, nhất là các dự án giao thông quan trọng. Tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, thành phố thông minh, công nghệ thông tin.
Tập trung thực hiện hiệu quả, quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cải tạo Quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (dự án O&M) trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, phối hợp nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021 – 2030, Bình Dương có phương án mua lại một số trạm thu phí, tính toán xây dựng một số cầu vượt thép, hầm chui tại các nút giao (ngã tư Chợ Đình, ngã 5 Phước Kiến, ...) để giải quyết ùn tắc giao thông.
“Tới đây, Bình Dương đặt mục tiêu, phấn đấu trên toàn tỉnh chỉ còn lại 2 trạm thu phí BOT đặt trên quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn và chỉ thu phí phương tiện đi ra chứ không thu phí vào. Việc làm này vừa giảm ùn tắc giao thông vừa thu hút đầu tư tại địa phương”, đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin.
Hiện nay, Bình Dương có khoảng 13 trạm BOT nằm bủa vây các đường chính. Việc địa phương này xóa bỏ các trạm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và lưu thông hàng hóa nhanh hơn. Trước đó, vào năm 2016, Bình Dương từng mua lại để xóa bỏ một trạm BOT trên đường ĐT 743 để giảm ùn tắc giao thông.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trốn trạm BOT, hàng nghìn ô tô lớn nhỏ cày nát đường đê: