34 trạm thu phí vào trung tâm TP.HCM: Thông xe hay lại tắc đường?

Google News

(Kiến Thức) - TP HCM lập 34 trạm thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để giảm tải phương tiện trong nội thành, dư luận vẫn băn khoăn liệu giải pháp này có giảm ùn tắc hay lại thêm tắc đường?

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2021-2025, TP HCM ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đưa ra một số giải pháp để kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông đối với xe máy ở khu vực trung tâm... Cùng với đó, một số giải pháp đưa ra gồm thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021-2025; phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030...
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc đặt 34 trạm thu phí vào trung tâm TP HCM để giảm ùn tắc, liệu có hiệu quả?
34 tram thu phi vao trung tam TP.HCM: Thong xe hay lai tac duong?
Ảnh minh họa. 
Ông Nguyễn Thanh Hùng, người dân quận 12, TP HCM cho biết, nếu việc thu phí ô tô vào trung tâm mà giảm được ùn tắc giao thông, có lợi cho người dân thì bản thân ông cũng đồng tình.
Tuy nhiên, ông Hùng bày tỏ lo lắng, dù không tắc tại trung tâm nhưng lại tắc ở ngoại thành và ở các trạm thu phí khi giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện vào thành phố khá lớn.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải ở TP HCM cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang phải chịu rất nhiều loại phí như phí BOT từ Bắc vào Nam, phí bảo trì đường bộ và nhiều chi phí khác. Do vậy việc phải cõng thêm chi phí khi vào nội thành thành phố sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc ùn tắc, lưu lượng xe lớn chỉ là một phần của nguyên nhân còn cái chính vẫn là do quy hoạch đô thị do vậy việc thu phí để hạn chế phương tiện vào thành phố cũng chỉ là giải pháp ngọn mà không phải là giải pháp gốc.
Nếu các phương tiện có nhu cầu vẫn chấp nhận mất phí để vào trung tâm, vừa ùn tắc ở các điểm thu phí mà cảnh ùn tắc trong trung tâm thành phố vẫn không thuyên giảm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân giảm ùn tắc giao thông là điều cần thiết, tuy nhiên, TP HCM phải hết sức cân nhắc.
“HĐND TP HCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố là họ đã xem xét các phương án.
Tuy nhiên, theo tôi vẫn cần phải xem xét một cách cẩn thận. Bởi TP HCM là trung tâm kinh tế văn hóa lớn, lưu lượng phương tiện vào thành phố đông để làm việc nên cần phải cân nhắc, xem xét. Hơn nữa, việc dựng lên 34 trạm thu phí chiều ngoại thành vào nội thành sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người dân của thành phố và người dân các địa phương khác. Tại sao với người dân ở ngoại thành vào trung tâm thành phố lại phải bị thu phí, trong khi người dân nội thành không bị thu.” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, việc đặt các trạm thu phí sẽ dẫn đến ùn tắc khi người dân ngoại thành vào thành phố HCM làm việc , nhất trong giờ cao điểm. Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, dù HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết nhưng khi triển khai vẫn nên làm thí điểm trước khi triển khai hàng loạt. Đồng thời lấy ý kiến của người dân TP HCM, người dân cả nước, đặc biệt là người dân các tỉnh miền nam đến làm việc tại TP HCM.
Đại biểu Hòa cũng cho rằng, cần xem xét thẩm quyền của HĐND TP HCM xem có được quyết định việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố hay phải ở cấp Trung ương xem xét.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng các phương án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông từ tháng 7/2019.
Theo đó, các cổng thu phí (trạm thu phí) sẽ được xây bao quanh khu vực Quận 1, 3 và giáp ranh Quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài thường xuyên kẹt xe.
Dự kiến sẽ có 34 cổng thu phí được xây dựng, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra, không thu phí xe máy. Tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt buộc bật đèn xe khi tham gia giao thông: Người dân nói gì?

Nguồn: VTC Now

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)