Cái kết đau đớn của người đàn ông trúng 13 tờ độc đắc
Cách đây hơn chục năm, Huỳnh Văn Thức (32 tuổi, Vĩnh Long) bất ngờ trúng được 13 tờ vé số giải đặc biệt. Cậu mừng rỡ chạy về nhà thông báo với bố mẹ và nghĩ rằng từ đây gia đình sẽ bước sang một trang mới nhưng ngờ đâu cuộc sống bi thảm hơn.
Cầm số tiền lớn trong tay, Thức tậu một ngôi nhà mới với ruộng vườn đầy đủ. Tiếp đó cậu sắm liên tục 3-4 chiếc xe để luân phiên chạy. Còn gia đình, cậu chỉ chi tiền sửa sang căn nhà dột nát, còn đâu không phụ giúp gì thêm.
Vài tháng sau, Thức cưới được một người vợ nhờ mai mối. Cậu đẩy hết cho vợ chăm lo nhà cửa để mình có thời gian ăn nhậu cùng đám bạn.
Mùa màng thất bát, tiền bạc cũng từ đó vơi đi phần nhiều. Những tưởng Thức sẽ tỉnh ngộ tu chí làm ăn như xưa. Nào ngờ, cậu nhậu nhẹt nhiều hơn rồi trở nên nóng nảy, sinh tật chửi bới, đánh đập vợ.
Chịu không nổi người chồng vũ phu, vợ Thức quyết định bỏ đi khi đứa con gái nhỏ mới vài tháng tuổi. Mẹ Thức nghẹn lời: "Mất vợ mà thằng Thức vẫn không biết sợ, chứng nào tật nấy. Nhậu riết mà của cải để dành bao nhiêu cũng bán sạch, không còn cục đất chọi chim".
Người cha già tuổi đã gần 70 chua xót: "Mở mắt ra là nó bắt đầu kiếm chuyện chửi. Từ già đến trẻ, nó không nể một ai. Nó từng nói xem vợ chồng tôi còn… thua con chó vì nghèo mà đẻ nó ra làm gì. Nghe đau lắm nhưng tụi tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong".
Chứng kiến sự tàn độc của anh trai, Huỳnh Nhật Trường (29 tuổi, em của Thức) vô cùng bất mãn. Trong một lần đi nhậu trở về thấy anh trai chửi bới bố mẹ, không kiếm chế được Trường xông vào đâm Thức đến tử vong. Sau khi anh mình được gia đình đưa đi cấp cứu, Trường cũng lẳng lặng đến công an xã trình báo sự việc.
Anh em kết nghĩa… dứt tình
Nguyễn Hoàng Tuấn và Lâm Văn Vui ở Bạc Liêu là anh em kết nghĩa. Hôm đó, họ tổ chức ăn nhạu và mua vé số. Thế rồi, tình chí thân của họ tan vỡ sau khi 2 trong 5 tờ vé số trúng giải đặc biệt.
Theo đó, trưa 6/10/2015, trong lúc nhậu, Tuấn mua 5 tờ vé số loại 10.000 đồng, do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu phát hành (mở thưởng cùng ngày). Sau đó, Tuấn đưa cho Vui giữ giùm để "lấy hên".
Hôm sau, Vui bất ngờ mang 200 triệu đồng đến đưa cho Tuấn và nói 2 tờ đã trúng giải đặc biệt. Tuấn yêu cầu Vui chia đôi số tiền trúng thưởng nhưng Vui kiên quyết không chia nên Tuấn gửi đơn khởi kiện.
|
Người bán vé số kể về việc tranh chấp giữa Tuấn và Vui (Ảnh: Duy Nhân) |
Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu xác định đúng diễn biến câu chuyện như trên và đề nghị người tố giác nên yêu cầu tòa án giải quyết vì đây là vụ tranh chấp dân sự.
Tòa sơ thẩm cho rằng Tuấn đưa bạn 5 tờ vé số là trường hợp tặng cho nên số tiền trúng thưởng thuộc về Vui. Song, tòa phúc thẩm lại cho rằng có đầy đủ bằng chứng chứng minh Vui chỉ giữ hộ vé số cho Tuấn nên chấp nhận kháng cáo của Tuấn.
Dù được tuyên thắng kiện nhưng Tuấn vẫn chia cho Vui 1 tờ vé số trúng thưởng và được HĐXX chấp nhận. Nghĩa cử đẹp của Tuấn được hàng xóm khen ngợi nhưng họ cũng tiếc cho tình anh em giữa 2 người.
Cha con ra tòa chỉ vì… trúng 4,5 tỷ đồng
Tháng 5/2016, ông Đồng (53 tuổi, Long An) trúng 4 tờ vé số, trong đó có 3 tờ trúng giải độc đắc (1,5 tỷ/tờ) và một tờ trúng giải khuyến kích 100 triệu. Ông tặng cho chị gái ruột chiếc vé trúng giải khuyến khích, 3 tờ còn lại giữ trong người.
Hay tin bố vợ trúng số, anh Nam – con rể ông Đồng đã chạy đến nhà bảo bố đưa 3 tờ trúng độc đắc để đi lĩnh thưởng. Ông Đồng đã gật đầu đồng ý. Sau đó, anh Nam đưa 3 tờ vé số cho vợ giữ.
Vợ anh và một người con gái khác của ông Đồng là chị Mai cùng đi lĩnh tiền trúng thưởng. Ông cho hay, nhận được tiền, các con đã chia nhau tiêu xài. Còn một tỷ đồng, chị Mai đem gửi tiết kiệm tại một chi nhánh ngân hàng ở huyện Tân Thạnh, Long An.
|
Ông Đồng, người đã kiện con gái để đòi lại 1 tỉ đồng tiền trúng vé số độc đắc. (Ảnh: T.VÂN) |
Ông Đồng nhiều lần yêu cầu con gái chuyển số tiền này cho ông tự quản lý nhưng chị Mai không chịu. Do đó ông đã khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Tân Thạnh tuyên buộc chị Mai phải trả lại một tỷ đồng cho ông.
Theo ông Đồng, nhận thưởng xong, chị Mai chỉ mua cho ông một căn nhà để ở. Hàng ngày, ông vẫn phải làm vườn và tự kiếm tiền sinh sống. “Thi thoảng hết tiền, tôi chạy qua nhà xin thì nó cho được vài chục hoặc trăm nghìn. Tôi bệnh kêu con lấy xe chở cha đi khám bệnh, nó biểu đi xe ôm đi. Nói thiệt, nó lấy hết tiền tôi cũng không buồn bằng cái nó hỗn. Tôi là cha mà nó chửi tôi như…”, ông Đồng từng chia sẻ.