Điều “khó hiểu” trong kết luận thanh tra sai phạm ở Thủ Thiêm

Google News

(Kiến Thức) - Trong kết luận thanh tra sai phạm ở Thủ Thiêm nêu, nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12, thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tại sao không đề nghị khởi tố vụ án hình sự luôn?

Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về những sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) đã có những băn khoăn gửi đến báo điện tử Kiến Thức xung quanh kết luận này. 
Dieu “kho hieu” trong ket luan thanh tra sai pham o Thu Thiem
Vụ việc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã và đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước. 
Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình cho biết trách nhiệm trong những sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ở lãnh đạo UBND TP HCM cùng các sở, ban ngành trực thuộc thành phố.
"Lãnh đạo UBND TP.HCM đã không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định. Việc giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định đều là trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm…" - luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Video: Công bố nhiều cơ quan vi phạm trong đại án Thủ Thiêm

Nguồn VTC

Luật sư Bình nói thêm, về việc này, đáng lẽ UBND thành phố phải thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm. Số tiền này đến 30/9/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng cần phải có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là trên 4.286 tỷ đồng.
Phân tích về kết luận thanh tra, luật sư Bình đặt câu hỏi: "Trong kết luận thanh tra, tôi không hiểu một điều: tại sao kết luận trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12, thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật?
Tại sao không đề nghị các cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án hình sự luôn?"
"Những vị này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Việc khắc phục hậu quả, theo tôi đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Bởi lẽ, số tiền thất thoát và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là rất lớn, cho dù đến 31/12, thì cũng sẽ không bao giờ truy thu được" - luật sư Bình nói.
Dieu “kho hieu” trong ket luan thanh tra sai pham o Thu Thiem-Hinh-2
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng trách nhiệm trực tiếp trong sai phạm ở KĐT Thủ Thiêm nằm ở UBND TP Hồ Chí Minh. 
Luật sư phân tích, hành vi Lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự và Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 360 là điều rõ ràng, không thể chối cãi trong vụ việc này. Tôi có thể lấy ví dụ: bằng cách nào đó, đến thời điểm 31/12/2019, mà mọi chuyện đều được khắc phục êm đẹp thì liệu có ai sẽ bị truy tố không?
Với nguyên nhân và hậu quả như đã nêu trên, rõ ràng đã đủ cơ sở để đề nghị khởi tố vụ án hình sự vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm và có biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh hoặc cần thiết phải bắt tạm giam để đảm bảo thi hành án đối với các đối tượng gây ra hậu quả nêu trên mà không cần phải đến ngày 31/12.
"Chúng ta cần biết chắc chắn các cá nhân gây ra sai phạm liệu có khả năng khắc phục được hay không. Mặt khác, tránh để các cá nhân sai phạm có cơ hội "đào tẩu" như Vũ Đình Duy (PVTex), Bùi Quang Huy (Nhật Cường Mobile)... " - luật sư Diệp Năng Bình nhận định.
Quý An

>> xem thêm

Bình luận(0)