Bão Rai vào Biển Đông đêm 17/12: “Rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng phức tạp“

Google News

Sau khi đi qua Philippines, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông vào đêm 17, ngày 18/12, trở thành cơn bão số 9 năm 2021.

Tại cuộc họp trực tuyến với 30 đầu cầu ngày 15/12 về ứng phó bão Rai có thể ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền nước ta trong những ngày tới, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thời điểm hiện tại bão RAI cách Philippines khoảng 800-900 km. Bão đang mạnh cấp 11 và có khả năng mạnh thêm.
Sau khi đi qua Philippines, bão sẽ đi vào Biển Đông vào đêm 17, ngày 18/12, trở thành cơn bão số 9 năm 2021. Dự kiến khi đi qua Philippines bão suy yếu nhẹ, vào Biển Đông mạnh trở lại.
Theo ông Lâm, gió mạnh nhất của bão RAI ở trên biển nhiều khả năng duy trì cấp 12-13, giật cấp 14-15. Do tác động của không khí lạnh đang tăng cường, vùng ven bờ mặt biển lạnh nên khi vào gần bờ nước ta, bão RAI có khả năng suy yếu. Tuy nhiên các dự báo hiện nay cho thấy mức độ suy yếu không nhiều. Ngoài ra, dù có không khí lạnh và được tăng cường tiếp theo vào ngày 18, 19-12 nhưng lượng bổ sung yếu nên bão vẫn có khả năng dịch chuyển lên phía bắc, thời gian dịch chuyển muộn.
Bao Rai vao Bien Dong dem 17/12: “Rat manh, pham vi anh huong phuc tap“
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai. 
Về bán kính gió mạnh cấp 6-7 sẽ trải rộng khoảng 300 km. Khi bão vào kinh tuyến 114 thì vùng gió mạnh đã vào kinh tuyến 110, tức vùng ven bờ nước ta đã bị ảnh hưởng gió mạnh.
Với dự báo như trên, từ ngày 19/12 đã có ảnh hưởng về gió trên biển nên tàu thuyền hoạt động trên biển cần phải đề phòng nguy hiểm.
"Lưu ý dự báo hiện tại đến khi bão vào là 20/12, tức là năm ngày tới nên sai số đến 350-450 km. Tuy nhiên thực tế đây là cơn bão mạnh, có thể đạt cấp 12, trên cấp 12 trên Biển Đông nên khả năng tiếp cận đất liền với khoảng cách nhỏ, gây mưa to trên đất liền. Với tình hình như vậy thì công tác phòng chống cần triển khai khẩn trương, đặc biệt với tàu thuyền hoạt động trên biển" - ông Lâm nói.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, tương tác với nhiều yếu tố thời tiết nên đường đi, phạm vi ảnh hưởng có thể liên tục thay đổi phức tạp.
Ông Hoài đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến cơn bão, kịp thời thông tin về Ban chỉ đạo, các bộ ngành, và địa phương để sớm có biện pháp ứng phó. Bởi bão số 9 đổ bộ vào thời điểm người dân ở các tỉnh miền Trung xuống giống vụ Đông Xuân, trường hợp dự báo không kịp, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Theo ông Hoài, hiện trên biển vẫn còn số lượng tàu thuyền rất lớn. Đã có nhiều bài học về thiệt hại do các cơn bão có đường đi tương tự như bão Linda (1997) khiến 3.000 người chết và mất tích, bão Durian (2006) khiến 85 người chết. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
“Chúng tôi đề nghị Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, Tổng cục thủy sản, các địa phương khẩn trương thông tin đến từng tàu thuyền trên biển nhanh chóng tìm nơi trú tránh an toàn. Bộ Ngoại giao sớm có công hàm gửi tới các quốc gia cho phép tàu thuyền của Việt Nam được trú tránh, cương quyết không để tàu thuyền vãng lai ở trên biển”, ông Hoài chỉ đạo.
Lực lượng Công an chủ động ứng phó với cơn bão RAI chuẩn bị tiến vào Biển Đông
Ngày 15/12/2021, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 16/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo dõi sát diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực nguy hiểm và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân.
Rà soát các phương án ứng phó với thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo ứng phó tại các địa bàn cơ sở trong trường hợp bão có những diễn biến phức tạp, dự báo gây hậu quả khó lường cần phải chỉ đạo tập trung, tại chỗ để an dân, bảo vệ nhân dân, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng như doanh trại, tài sản, trang thiết bị của lực lượng Công an nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khả năng xuất hiện 2 cơn bão lớn sau bão số 7:

Nguồn: Sức khỏe và Đời sống.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)