Ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về Tội hành hạ người khác. Qua điều tra, Công an quận Bình Thạnh xác định trong thời gian sinh sống, bé N.T.V.A. (8 tuổi) bị Võ Nguyễn Quỳnh Trang đánh đập trong thời gian dài dẫn đến tử vong.
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi Công an quận Bình Thạnh khởi tố "mẹ kế" hành hạ bé gái 8 tuổi tử vong về Tội hành hạ người khác liệu đã hợp lý?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 với trường hợp này có lẽ chỉ là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
|
Trên Facebook cá nhân, Trang thường đăng tải cuộc sống sang chảnh với hình ảnh sexy, quyến rũ. |
Luật sư Cường cho biết thêm, trong quá trình điều tra rất có thể cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh sang Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người. Với Tội hành hạ người khác theo Điều 140 mức hình phạt chỉ đến 3 năm tù bởi hành vi hành hạ người khác chỉ có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tổn thương cơ thể chứ không phải là đánh đập gây thương tích hoặc gây thiệt mạng nạn nhân.
Theo luật sư Cường, trường hợp hành vi hành hạ dẫn đến gây thương tích hoặc nạn nhân thiệt mạng phải xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hậu quả của hành vi hành hạ là ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe chứ không phải là hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi hành hạ người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong sẽ không xử lý theo Điều 140 mà phải xử lý về Tội giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật. Điều 140 quy định hậu quả của hành vi hành hạ là làm nạn nhân rối loạn tâm thần và hành vi có thể gây tổn thương cơ thể chứ không phải là hậu quả tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Trong khi đó, vụ việc này hậu quả tước đoạt tính mạng của nạn nhân đã xảy ra nên về mặt tội danh cơ quan điều tra sẽ xem xét làm rõ trong quá trình điều tra vụ án. Tiến sĩ Cường phân tích, trường hợp đối tượng đánh vào những vùng hiểm yếu hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm gây ra thương tích nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân tử vong phải xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người thì mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người bố của cháu bé biết bị can thực hiện hành vi đánh đập cháu bé nhưng vẫn thể hiện thái độ đồng tình bằng cách xúi giục hoặc giúp sức, bỏ mặc sự việc diễn ra, người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói: "Trong vụ án này cháu bé đã bị thiệt mạng, bởi vậy làm rõ nguyên nhân cháu bé thiệt mạng là do vết thương nào, người gây ra vết thương đó đã thực hiện hành vi gây thương tích như thế nào là yêu tố rất quan trọng để xác định tội danh".
Hiện vụ "dì ghẻ" hành hạ bé gái 8 tuổi tử vong ở TP HCM đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Chủ quán bánh xèo bị tố hành hạ nhân viên tại Bắc Ninh
Nguồn: Báo Pháp Luật TP HCM.