Sáng 25/2, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác đã đến tặng hoa, chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tham dự cùng đoàn còn có ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ Đảng ủy, Ban giám đốc và gần 4.500 nhân viên y tế bệnh viện rất vinh dự khi đón tiếp đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và chúc mừng.
Bên cạnh báo cáo tình hình hoạt động, bác sĩ Thức đã chia sẻ hàng loạt khó khăn, vướng mắc mà bệnh viện tuyến cuối ở phía Nam đang đối mặt. Trong đó, khó khăn nhất là xây dựng giá gói thầu.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa và chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, việc xây dựng giá gói thầu hiện dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá.
Trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được. Dù là Bệnh viện Bạch Mai hay Chợ Rẫy, khi mở gói thầu lớn, những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ dao động 30-40%.
Với sản phẩm không có đủ 3 báo giá, Thông tư 68 cũng đưa ra nhiều giải pháp như thẩm định giá, giá kê khai… Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định các biện pháp đó rất khó triển khai trong thực tế.
Ông Thức ví dụ trên cổng thông tin có một đơn vị kê khai giá mua máy CT. Thế nhưng, có hàng trăm loại máy CT, từng loại sẽ có nhiều độ phân giải, nhiều chức năng khác nhau. Mỗi bệnh viện, mỗi tuyến lại mua máy có chức năng khác nhau. Ví dụ, bệnh viện tỉnh mua máy CT 64 lát cắt nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy hay Việt Đức phải mua loại 258 hay 512 lát cắt. Giá các loại máy này hoàn toàn khác nhau.
Máy siêu âm cũng rất nhiều loại với chức năng khác nhau như siêu âm bụng, siêu âm doppler… Do đó, không thể áp cái chung chung mà xây dựng giá.
“Sau này có thể các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao chỗ này mua máy siêu âm 10 đồng mà Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng giá máy 15 đồng”, bác sĩ Thức nói.
Bên cạnh đó, hiện nay, không có cơ quan nào kiểm định giá kê khai có đúng không. Giá này do các đơn vị tự kê khai công khai theo ý của mình, nhưng đã xảy ra tình trạng giá cao hơn rất nhiều so với thực tế.
“Khi xây dựng giá gói thầu, bệnh viện gặp rất nhiều rủi ro trong công tác mua sắm đấu thầu. Đây là khó khăn của cả ngành chứ không phải riêng Bệnh viện Chợ Rẫy”, bác sĩ Thức thẳng thắn.
Thời điểm này, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn vướng không đủ 3 báo giá với gói thầu stent mạch vành nên chưa triển khai. Do đó, bệnh viện có thể gặp nguy cơ chỉ tiến hành đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, trường hợp khác sẽ phải chờ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: GL.
Trước tình hình trên, ông Thức kiến nghị Bộ Y tế có thể tham mưu, xem xét cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu để mua sắm. Đặc thù bệnh nhân của tuyến cuối là tình trạng bệnh nhân rất nặng, cần có máy móc trang thiết bị hiện đại trong quá trình điều trị.
Trong khi đó, gần như 100% trang thiết bị y tế hiện đại sẽ độc quyền. Giá bán các thiết bị này thống nhất trên thế giới hoặc từng khu vực.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể tự định giá để bệnh viện tự mua, bệnh viện không quyết định giá nhưng được lựa chọn thương hiệu.
Cuối cùng, bác sĩ Thức đề nghị cho phép các bệnh viện nói chung được sử dụng hình thức máy đặt máy mượn, máy xét nghiệm do liên quan đến hóa chất đóng (đi theo máy). Ông đề xuất giá hóa chất có thể giao cho trung tâm đấu thầu quốc gia và bệnh viện sử dụng giá đó.