Băn khoăn các trường hợp lực lượng cảnh vệ được nổ súng

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ĐBQH đã đề nghị quy định rõ các trường hợp nổ súng, nhất là nổ súng vô hiệu hóa đối tượng của lực lượng cảnh vệ khi thảo luận về Luật Cảnh vệ.

Lực lượng cảnh vệ nổ súng trong trường hợp nào?
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ (Điều 21), một số ĐBQH đề nghị sửa lại tên điều chỉ quy định về nổ súng; một số ý kiến lại cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người nên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp nổ súng, nhất là nổ súng vô hiệu hóa đối tượng…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay: “UBTVQH đã sửa lại tên điều là “Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ”. Đồng thời, việc nổ súng trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Việc quy định 3 trường hợp nổ súng của lực lượng Cảnh vệ là cần thiết, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cảnh vệ. Đối với việc sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, do đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật này.
Ban khoan cac truong hop luc luong canh ve duoc no sung
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn về các trường hợp nổ súng cụ thể của cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ khi cho biết: "Khi nghiên cứu các trường hợp nổ súng cụ thể của dự thảo, tôi thấy còn một số nội dung chưa phù hợp với Luật quản lý, sử dụng vũ khí".
“Về quy định gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ sau khi đưa ra lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả. Theo quan điểm của tôi quy định này chưa phù hợp, bởi lẽ đây là trường hợp đối tượng đang thực hiện hành vi đột nhập vào khu vực mục tiêu, mặc dù đã được cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ cảnh báo nhưng đối tượng vẫn thực hiện. Điều này thể hiện ý thức của đối tượng là cố tình thực hiện việc xâm phạm, đột nhập của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này hành vi của đối tượng mới chỉ dừng lại ở mức độ đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện hành vi tấn công đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ hoặc đối tượng cảnh vệ. Nếu nổ súng gây thương tích trong trường hợp này là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, ĐB Chính nói thêm.
ĐB Nguyễn Hữu Chính cũng bày tỏ băn khoăn: “Theo quy định cứng của điều luật này thì chỉ được nổ súng gây thương tích cho đối tượng, nếu nổ súng dẫn đến hậu quả chết người, có nghĩa là chiến sĩ cảnh vệ đó đã vi phạm pháp luật, theo tôi chưa phù hợp. Súng là loại vũ khí quân dụng có khả năng sát thương gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe cho con người rất lớn, vì vậy không thể đảm bảo được việc nổ súng như quy định ở điều luật này là trong mọi trường hợp đều chỉ gây thương tích, nhất là trong trường hợp đối tượng đột nhập vào khu vực cảnh vệ vào buổi tối, tầm quan sát kém, vị trí nhắm bắn không rõ, hậu quả chết người xảy ra là điều tất yếu. Quy định như vậy vô tình tạo nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi thực hiện nổ súng trong trường hợp pháp luật cho phép nổ súng”.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích, Khoản 1, Điều 21 quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi của đối tượng mới chỉ là đột nhập, chưa đe dọa tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và khu vực bảo vệ nên cho cảnh vệ nổ súng là chưa phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt giải thích: “Khi thảo luận Luật vũ khí, vật liệu nổ chúng ta đã xác định luật đó là luật gốc, trước đây chưa ban hàn Luật vũ khí, vật liệu nổ, anh em cảnh vệ thực thi nhiệm vụ này rất lúng túng. Hai là lực lượng quân đội, công an sử dụng vũ khí cũng rất lúng túng, giới hạn nào được phép sử dụng, giới hạn nào không được sử dụng, nếu quá giới hạn là phạm tội. Ở đây xác định rõ nổ súng có cảnh báo và nổ súng không cảnh báo. Ví dụ có đại biểu nêu là đột nhập vào khu vực cấm là bị nổ súng cảnh báo, cao hơn nữa anh có hành động chống đối xác định có tính chất nguy hiểm, người ta vô hiệu hóa, dùng từ "tiêu diệt" thì cứng quá. Ngược lại, nổ súng không cảnh báo, hôm kia ta thảo luận Luật vũ khí, vật liệu nổ, trường hợp nào được nổ súng không cảnh báo, quy định rất rõ rồi, chỉ có điều lực lượng quân đội, công an huấn luyện để đảm bảo trở thành người lính tinh nhuệ để xử lý và sử dụng cho tốt”.
Nhiều tỉnh muốn bí thư, chủ tịch có cảnh vệ
Trong dự thảo đã quy định các đối tượng cảnh vệ, tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề nghị đưa Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ và cho rằng, việc này là hợp lý, vì toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và Chánh án là người đứng đầu cơ quan này nên có một vị trí rất quan trọng.
ĐB Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng) còn đề nghị Ban soạn thảo ngoài các đối tượng cảnh vệ đã được ghi trong dự thảo, cần nghiên cứu trong một số trường hợp đặc biệt, cần thiết có thể bổ sung một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng một số biện pháp cảnh vệ như bảo vệ, tiếp cận trong một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí này.
“Gần đây ở một số tỉnh và thành phố, tại một số thời điểm, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng tại một tỉnh và một tỉnh khác đã phải báo cáo Chính phủ về việc đảm bảo an toàn, an ninh của lãnh đạo tỉnh. Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn cho các đồng chí này, sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tại địa phương mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự chung của cả nước”, ĐB Đỗ Văn Bình nêu ý kiến.
Giải trình làm rõ thêm quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt nói: “Tăng thêm không chỉ tăng thêm các Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đâu, mà muốn tăng thêm cả Tổng kiểm toán nhà nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Sau một số sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng cần nằm trong diện đối tượng cảnh vệ. Báo cáo với đại biểu Quốc hội chúng ta phải xác định cho rõ”.
Kiểm nghiệm thức ăn trước khi bốn lãnh đạo cấp cao sử dụng
Dự thảo Luật Cảnh vệ cũng nêu rõ về biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với 4 chức danh chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là bảo vệ tiếp cận (biện pháp cảnh vệ do sĩ quan cảnh vệ đảm nhiệm, được tiến hành thường xuyên, trực tiếp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống cho đối tượng cảnh vệ; Bố trí lực lượng cảnh vệ tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi ở, nơi làm việc; Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học và chất phóng xạ; Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, với 4 chức danh chủ chốt này, khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; Đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; Đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; Đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.
Hải Ninh

Bình luận(0)