Bác sĩ BV Mắt gác chân lên ghế khi khám: Bộ Y tế vào cuộc

Google News

(Kiến Thức) - Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa ra công văn đề nghị thành lập Hội đồng xem xét hình thức xử lý đối với bác sĩ gác chân lên ghế khi thăm khám.

Sẽ xử lý nghiêm việc bác sĩ gác chân lên ghế khi thăm khám
Liên quan đến vụ bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương gác chân lên ghế khi thăm khám và trao đổi với gia đình người bệnh, ngày 11/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã nhận báo cáo giải trình của Bệnh viện Mắt Trung ương phản ánh tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên y tế. Sau khi nghiên cứu, xem xét, ngày 12/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục xử lý vụ việc trên.
Tiếp theo chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh qua đường dây nóng ngày 11/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Bệnh viện thành lập Hội đồng xem xét hình thức xử lý theo quy định hiện hành.
Đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh thái độ, phong cách làm việc của nhân viên y tế trong Bệnh viện, thực hiện đúng quy định về việc triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Kết quả giải quyết vụ việc, đề nghị báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế trước ngày 25/9 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trước đó, các trang mạng xã hội đang lan truyền một đoạn clip dài gần 7 phút, ghi lại hình ảnh ông bố đưa con đi khám mắt tại phòng khám nhi của Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) đang vô cùng bức xúc trước việc “bác sĩ khám mắt nhưng không dùng thiết bị máy móc và gác chân lên ghế khi nói chuyện với bệnh nhân”.
Ngay trong sáng ngày 11/9, Bệnh viện đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác bao gồm: Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng khoa Mắt trẻ em, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ kiêm Phó ban “Đổi mới phong cách và tinh thần thái độ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Bệnh viện để làm rõ sự việc, nghiêm túc kiểm điểm và xử lý kịp thời (nếu có sai phạm).
Sau khi xem lại video clip, Tổ công tác đã xác định người được phản ánh trong clip là Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Minh, hiện công tác tại khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 21/7/2017. Tổ công tác đã yêu cầu bác sỹ Minh viết bản tường trình và ngay trong đầu giờ chiều thứ 2 (ngày 11/9), Tổ công tác đã cùng khoa Mắt Trẻ em, BS Nguyễn Thị Minh kiểm điểm sự việc.
Bác sĩ gác chân lên ghế nói gì?
Sau khi xảy ra vụ việc, bác sỹ Nguyễn Thị Minh đã lên tiếng với báo chí giải thích về hành động gác chân lên ghế khi thăm khám cho bệnh nhi. 
Theo lời của Nguyễn Thị Minh, sự việc nói trên xảy ra ngày 21/7/2017. Bác sĩ Minh sau khi khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhi Đ.H.V.A (8 tuổi, ở Quảng Ninh) có giải thích với mẹ bệnh nhi và dặn dò 5 ngày sau tái khám. Hai mẹ con bệnh nhi đồng ý và đi ra ngoài. “Tuy nhiên khi đến lượt bệnh nhân tiếp theo thì có hai người đàn ông xông vào phòng khám, đòi tôi khám lại cho bệnh nhi bằng máy móc, vì họ nghe ai nói “bác sĩ chỉ vạch mắt và soi soi" rồi kết luận. Lúc này điều dưỡng yêu cầu hai người ra ngoài để đợi tôi khám xong cho bệnh nhân nhưng họ không đồng ý, và còn rất lớn tiếng", bác sỹ Nguyễn Thị Minh kể lại sự việc
Bac si BV Mat gac chan len ghe khi kham: Bo Y te vao cuoc
 Bác sĩ Minh là người xuất hiện trong clip gác chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhi.
Theo bác sĩ Minh, mặc dù đã cố gắng giải thích cho người nhà bệnh nhân bà đã trực tiếp khám cho bệnh nhi đầy đủ, theo đúng quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện và có kết luận chính xác. Tuy nhiên bố bệnh nhi vẫn không nghe giải thích.
Clip: Bác sỹ gác chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Minh cho hay: Trước khi vào bàn bác sĩ khám, bệnh nhi V.H. đã được hai điều dưỡng thực hiện 3 thao tác trên 3 loại máy khác nhau là: Đo khúc xạ máy, thử thị lực không kính bằng máy và chỉnh kính trên máy. Sau đó cháu bé mới chuyển sang bàn bác sĩ khám. Hai mắt của bệnh nhi là 20/400, chỉ đạt 0,5/10 khi không có kính. Khi khám, cháu chỉ nhìn được một chữ E to bằng gang tay ở khoảng cách 5 m. Sau khi chỉnh kính, thị lực tối đa chỉ 3/10. Với một bệnh nhi 8 tuổi đi khám lần đầu tiên, chưa từng đeo kính mà đã cận 6 - 7 đi-ốp. Tôi hướng dẫn nhỏ thuốc trong 5 ngày, sau đó mới khám lại để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về thị lực của bệnh nhân..."- bác sĩ Minh phân trần.
Bác sĩ Minh khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với chẩn đoán của mình, trong quá trình khám bằng chuyên môn đã khám cho bé với đầy đủ quy trình, máy móc cần thiết. Tuy nhiên bác sĩ Minh tự thấy bản thân ngồi co chân trên ghế trong đoạn clip là không đẹp mắt và thừa nhận tư thế ngồi sai. “Có lẽ do tôi bị ảnh hưởng về tâm lý, căng thẳng, mỏi mệt nên chân tay có lúc không tự chủ được..."- bác sĩ Minh nói.
Bảo Ngân (Tổng Hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)