Interpol truy nã đỏ, liệu có sớm bắt được bà Hồ Thị Kim Thoa?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12, thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc với bà Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương từ ngày 4/9, sau đó Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol cũng đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, hiện chưa có thông tin bà Hồ Thị Kim Thoa trốn ở đâu và khẳng định, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa có thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về việc bắt giữ bà Thoa ở nước ngoài.
Dư luận đặt câu hỏi, Interpol vào cuộc, truy nã đỏ bà Hồ Thị Kim Thoa, liệu có sớm bắt được bị can này để dẫn độ về nước?
|
Bà Hồ Thị Kim Thoa. |
Interpol là tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế lớn nhất thế giới với 194 nước thành viên, có vai trò kết nối lực lượng Cảnh sát trên toàn thế giới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế - Interpol. Do đó, Văn phòng Interpol Việt Nam là một thành phần của Interpol quốc tế đã có văn bản thông báo về việc truy nã quốc tế này để truy tìm bị can Hồ Thị Kim Thoa ở các nước.
Truy nã đỏ (red notice) không phải là lệnh bắt giữ quốc tế của Interpol mà là một yêu cầu thực thi pháp luật có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí và bắt giữ một người phạm tội để dẫn độ. Interpol cũng nêu rõ, lệnh truy nã đỏ không có giá trị như lệnh bắt.
Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Tổng thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ. Lệnh truy nã đỏ sẽ được thông báo tới cảnh sát trên toàn thế giới. Tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm bị truy nã đỏ đều được gửi tới lực lượng biên phòng, cửa khẩu, hải quan để kiểm soát việc di chuyển. Các quốc gia có thể yêu cầu và chia sẻ thông tin quan trọng liên quan đến một cuộc điều tra.
Đáng chú ý, Interpol không có quyền buộc các cơ quan thực thi pháp luật ở bất kỳ quốc gia nào bắt giữ đối tượng của truy nã đỏ. Mỗi quốc gia thành viên tự quyết định giá trị pháp lý của truy nã đỏ trên lãnh thổ của mình. Chỉ có các nhân viên thực thi pháp luật nước sở tại mới có quyền bắt giữ.
Thời hạn có hiệu lực thi hành đối với một lệnh truy nã đỏ là 5 năm, nếu hết hạn thi hành mà vẫn chưa bắt được đối tượng truy nã thì Interpol lại quyết định gia hạn hiệu lực thêm 5 năm nữa cho tới khi nào bắt được đối tượng mới thôi.
Bộ Công an từng cho biết, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có Trịnh Xuân Thanh từng bị Interpol truy nã đỏ vào tháng 9/2016 và đã phải ra Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú sau 1 năm bị truy nã. Hay như trường hợp của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cũng từng bị Interpol truy nã đỏ, sau đó Singapore đã phát đi thông báo cho biết nước này đã trục xuất công dân Việt Nam tên Phan Văn Anh Vũ. Sau đó, Vũ Nhôm đã bị bắt theo lệnh truy nã.
Do đó dư luận cho rằng, với việc Interpol truy nã đỏ, sẽ sớm bắt được bị can Hồ Thị Kim Thoa, dẫn độ về nước chịu tội.
Dẫn độ đối tượng bị truy nã thế nào?
Theo quy định tại Luật tương trợ tư pháp, cụ thể tại điều 32, chương 4 nêu rõ, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Việc dẫn độ phải căn cứ vào pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Theo quy định, để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.
Cùng với đó, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể. Bởi, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc "có đi, có lại" giữa hai quốc gia.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay quy định về dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.
Luật tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong luật này, nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
Ngoài ra, một số tội danh trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, do vậy việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.
Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam.
Tháng 7/2020, Cơ quan điều tra của Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí do có những vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Do bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan điều tra quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với bà Thoa. Khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc hành vi của các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa cùng một số bị can khác đã dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân trái pháp luật. Hành vi của các bị can gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sai phạm Bị can Hồ Thị Kim Thoa đồng lõa với ông Vũ Huy Hoàng trước khi bỏ trốn như nào?