|
Xe cứu thương kẹt cứng giữa dòng người và taxi trước cổng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức |
Những chiếc taxi ngông nghênh
Có mặt tại đây trong nhiều ngày, chúng tôi chứng kiến những xe cứu thương hú còi cùng báo đèn khẩn cấp liên tục, nhưng không thể nào khiến những chủ nhân các xe taxi đang đỗ nghênh ngang trước cổng bệnh viện xúc động. Khoảng 9h30 phút ngày 6/7, 2 chiếc xe cứu thương từ Thanh Hóa gấp gáp chở bệnh nhân tiến vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Vừa đến cổng, 2 xe này bị chiếc xe taxi biển số 33A -707.xx mào thương hiệu “Thủ đô” đang bắt khách chặn lại. Phía bên trái, một chiếc xe taxi mang biển số 30F-556.xx vừa trả khách mắc kẹt, tiến không được phải nhúc nhích lùi trước những tiếng còi khẩn cấp. Còn bên phải, 2 chiếc taxi 5 chỗ (29A-379.xx) và 7 chỗ (30F-556.xx) án ngữ giữa cổng, khiến một xe cứu thương cùng lúc đó đang chạy từ trong bệnh viện không thể lưu thông.
Chưa đầy 1 phút, một xe cứu thương khác tiếp tục chạy về. Tài xế xe cứu thương biển số 35A-212.85 tỏ ra sốt ruột, ngó đầu ra cửa sổ khoát khoát tay để chiếc taxi tiến lên, lấy chỗ vào.
Các tài xế cho biết, trong hành trình cấp cứu bệnh nhân hàng trăm cây số, quãng đường chỉ hơn 100m vào cổng Bệnh viện Việt Đức mới đầy sợ hãi và khiến người bệnh gần cửa tử thần nhất (do đường xa mỏi mệt, vết thương đã lâu). Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra cho người bệnh chỉ vì chậm trễ cấp cứu do tắc đường.
Theo ghi nhận của nhóm PV, từ 10h-12h hằng ngày luôn diễn ra ùn tắc cục bộ tại cổng Bệnh viện Việt Đức. Các taxi đủ loại từ công nghệ đến truyền thống với khoảng 30 chiếc đỗ la liệt 2 bên đường vào bệnh viện, thậm chí chắn giữa trước cổng để bắt khách.
PV Tiền Phong ngồi cùng một xe cứu thương biển số Nghệ An di chuyển từ đầu phố Tràng Thi hướng về Bệnh viện Việt Đức, cảm nhận rõ sự sốt ruột, bức xúc của người nhà bệnh nhân. Anh Trần Văn Đức (35 tuổi, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) đi cùng xe này cho biết, chiều hôm trước, bố anh đi làm thợ xây, không may trượt ngã từ trên mái nhà xuống, va đập vào bờ rào bê tông, đau đớn, khó thở, khả năng bị gãy xương sườn.
5h sáng hôm sau, anh thuê xe cứu thương chở ông ra Hà Nội. 11h, xe tới đầu phố Tràng Thi. Đến ngã ba giáp Phủ Doãn, hàng loạt taxi và xe ôm đặc cứng. Tài xế liên tục phải bóp còi xin đường nhưng mất hơn 30 phút, chiếc xe chở bố anh Đức mới vượt qua được đoạn đường chỉ 100m vào cổng viện ở 16-18 Phủ Doãn.
Trên vỉa hè phố Phủ Doãn (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), nhất là khu vực trước cổng viện, hàng rong, quán cóc chiếm hết phần đường của người đi bộ. Xe cứu thương ì ạch, bất lực trước những hàng rào taxi dừng, đỗ sai quy định.
Mỗi khi xe trật tự của công an phường đi tuần tra từ đầu phố, các hàng quán báo hiệu cho nhau, thu xếp bàn ghế gọn gàng. Công an đi xong, những quán này lại ùa ra. “Trường hợp lái không tốt, về đến đây còn rất dễ xảy ra tai nạn”, một tài xế xe cứu thương nói.
Dọa giết cả bảo vệ
Bên ngoài đường ùn tắc hằng ngày, hằng giờ là thế nhưng bên trong Bệnh viện Việt Đức, một vấn đề nhức nhối hơn, kéo dài suốt nhiều năm nay mà chưa được xử lý dứt điểm: Vấn nạn “cò” xe.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, khu nhà B3 (phẫu thuật chỉnh hình; nhà nghỉ trọ cho bệnh nhân) và khu vực thanh toán viện phí (điểm thanh toán số 3) của Bệnh viện Việt Đức là nơi tập trung “cò” xe nhiều nhất. Hằng ngày, tại khu vực này luôn có từ 10-15 “cò” xe hoạt động. Mỗi khi thấy người thăm nuôi hoặc bệnh nhân đi từ các phòng bệnh bước xuống sảnh cầu thang tầng 1, các đối tượng lao tới chèo kéo.
Trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi nhanh chóng được các “cò” xe này tiếp cận. D, một cò xe taxi với bề ngoài bụi bặm nhanh nhảu, giới thiệu: “Đi xe nào cũng thế, đi xe anh tính giá rẻ nhất cho. Nếu có khó khăn gì về thủ tục như làm giấy ra viện, thanh toán viện phí, bên anh có đội xử lý cho luôn”.
Sau khi bắt khách xong, các “cò” xe này sẽ “bán” khách cho xe cứu thương hoặc taxi đỗ phía ngoài đường để ăn hoa hồng. Mỗi cuốc như vậy, “cò” sẽ được hưởng 15% số tiền. Điều này khiến các “cò” xe không ngần ngại “chặt chém” khi đã bắt được “kèo”. Nhiều “cò” xe còn len lỏi lên tận các phòng, khoa để bắt khách.
Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi nhận thấy những gương mặt thường xuyên xuất hiện ở đây, gồm: Dũng “Quảng”, Hà “sáu ngón”, Cường “bưởi”, Thái “hấp”, Minh “xi-líp”, Ninh “ma”, Đông “y tá”…
Theo thông tin từ phía lực lượng bảo vệ Bệnh viện Việt Đức và PV ghi nhận được, trong số “cò” xe, người có nhiều ôtô đang hoạt động nhất ở đây là Dũng “Quảng” với khoảng 5 chiếc, Minh “xi-líp” 2 chiếc, Đông “y tá” 2 chiếc, còn các đối tượng khác chủ yếu 1 xe. Các xe này thường xuyên đỗ ở phố Phủ Doãn và các tuyến phố lân cận, hễ có khách liền phi tới gạ chở.
Trong số các “cò” trên, Dũng “Quảng” được xem có “số má” nhất. Dũng có “quả” đầu 2 mái bổ đôi, thường vận áo phông, quần lửng, đi dép lê. Trong khi đó, các “cò” khác thường mặc quần kaki, Jean, cùng với áo phông hoặc sơ mi, đi giày da hoặc thể thao, trông tươm tất hơn.
Hà “sáu ngón”, Cường “bưởi” là 2 “cò” thường xuyên xuất hiện ở khu vực nhà B3 và khu vực thanh toán viện phí để bám theo khách mời chào. Ngón tay cái của Hà tách làm đôi nên mới có biệt danh “sáu ngón”. Còn Cường “bưởi” thường đầu tóc vuốt keo chải chuốt, bóng mượt. Các đối tượng này luôn dắt sẵn thẻ ghi số điện thoại cá nhân để gửi cho khách sau khi đã hỏi han, chèo kéo.
Ông Hoàng Trung Đông, Đội trưởng Đội bảo vệ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, vấn nạn “cò” xe diễn ra nhiều năm nay. Bệnh viện đã nhiều lần phối hợp với Công an phường Hàng Bông, Công an quận Hoàn Kiếm nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. “Khi nào phía bệnh viện báo công an phường và quận, họ cho người vào kiểm tra và gọi các đối tượng “cò” lên làm việc thì tình hình tạm vãn bớt. Tuy nhiên, lúc nào không có công an, tình trạng trên lại tái diễn”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, việc các “cò” xe lộng hành trong bệnh viện khiến không ít vụ bệnh nhân đi xe bị “chặt chém”, uất ức nhưng không dám phản ánh. Nhiều bảo vệ còn bị các “cò” xe đe dọa chém giết khi họ đuổi các đối tượng này ra ngoài.
Ông Hoàng Anh Toàn, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Việt Đức cho biết, vài năm trước, tuyến phố Phủ Doãn cấm nhiều loại xe lưu thông 2 chiều (taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe taxi công nghệ) theo chiều Tràng Thi - Hàng Bông. Tuy nhiên, hiện nay, các loại xe này đều có thể lưu thông 2 chiều bình thường, nên lưu lượng các loại xe đổ về rất lớn.