Tiếng khóc dai dẳng của bé sơ sinh “tố” tội ác tày trời

Google News

Nghe tiếng khóc nhỏ, ngỡ là tiếng mèo kêu, nữ sinh V. đã đi ngủ tiếp. Đến 17h cùng ngày, V. một lần nữa nghe tiếng khóc thì mới cầm đèn pin đi tìm và bàng hoàng phát hiện

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Sáng 19/8, có mặt tại con ngõ nằm trên phố Đào Nguyên A (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội), PV tạp chí ĐS&PL thấy người dân nơi đây vẫn không thôi bàn tán xôn xao vụ việc bé trai nặng 2,2kg bị bỏ rơi trong khe tường chật hẹp giữa 2 ngôi nhà xảy ra vào chiều 18/8. Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, trong phòng trọ tại dãy nhà trọ sinh viên, nơi cứu cháu bé, có một mảng tường bị đục thủng vẫn còn nguyên. Khe tường rất chật hẹp, xung quanh có rác cùng mảnh vỡ bê tông vương vãi lởm chởm.

Tiếng khóc dai dẳng của bé sơ sinh “tố” tội ác tày trời. Ảnh minh họa/VTV

Nữ sinh V. (người phát hiện ra cháu bé đầu tiên) kể lại, khoảng 3h sáng 18/8, khi đang nằm trong phòng, V. nghe thấy tiếng trẻ con khóc, nhưng lại nghĩ là tiếng mèo kêu nên nữ sinh này đã đi ngủ tiếp. Suốt buổi sáng nữ sinh chỉ ngủ trong phòng. Đến khoảng 17h chiều cùng ngày, nữ sinh lại thấy tiếng trẻ con khóc nhưng giọng yếu ớt hơn.

"Tôi cùng bạn nghe rõ tiếng trẻ con khóc nên nhìn qua khe tường thì phát hiện chân của cháu bé đang động đậy. Ngay sau đó, chúng tôi chạy xuống tầng 1 soi đèn pin vào khe thì phát hiện cháu bé nên vội vã báo người dân xung quanh", nữ sinh V. nhớ lại.

Anh Phạm Thành Công (27 tuổi, trú tại đường Đào Nguyên A) người trực tiếp mang khoan sang đục tường cứu cháu bé kể lại, khi đang sửa xe trong nhà, thì có người hàng xóm chạy sang hốt hoảng hỏi mượn máy khoan tường. Nghe mọi người hô hào có cháu bé bị mắc kẹt ở khe tường, anh vội vàng cùng vợ lấy khoan chạy sang hiện trường. Mọi người lúc này đã không nghe thấy tiếng cháu bé, chỉ thấy cái chân. Nhanh chóng tiến hành khoan đục thủng mảng tường, mọi người nhìn qua khe thấy cánh tay cháu bé đang vẫy vùng.

"Lúc khoan tường xong, chúng tôi thấy tay cháu bé vẫy kèm theo tiếng khóc to. Mọi người mới biết cháu vẫn còn sống. Chúng tôi vội vã đục rỗng tường rồi từ từ kéo cháu bé ra ngoài", anh Công kể lại. Theo anh Công, lúc đưa ra ngoài cháu bé không mặc quần áo, đặc biệt còn nguyên dây rốn nên mọi người phán đoán cháu mới sinh.

"Cháu bị xước trên trán, một số bộ phận trên cơ thể, có thể do bị vứt bỏ từ trên cao xuống khe tường lại nhỏ nên mới như vậy", anh Công chia sẻ. Còn chị Nguyễn Kim Oanh (26 tuổi, vợ anh Công) cho hay, khi đưa bé ra ngoài, chị cùng mọi người lấy khăn quấn để giữ ấm cho cháu. Sau đó, bé được đưa tới trạm y tế thị trấn Trâu Quỳ.

"Nhìn cháu bé xây xát trông thương lắm. May có người phát hiện cháu bé sớm, không thì không biết sẽ như thế nào", chị Oanh kể. Bà T., người dân gần hiện trường bức xúc: "Cũng may là phát hiện sớm, cháu vẫn còn sống. Nếu người mẹ sinh con ra không nuôi được có thể đưa lên chùa hoặc cho ai đó nuôi dưỡng. Sinh con ra mà lại vứt bỏ như vậy thật tội nghiệp cháu bé".

Sức sống phi thường của bé trai

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, có thể nói rằng đây tiếp tục là một vụ việc vứt bỏ con mới đẻ táng tận lương tâm của những người mẹ vô trách nhiệm. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tung tích của người mẹ vô trách nhiệm này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu trong trường hợp cháu bé chỉ bị thương tích mà không thiệt mạng thì người mẹ đã vứt cháu bé xuống dưới khe tường đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn trường hợp cháu bé không may tử vong giống như vụ việc vừa xảy ra tại Sơn Tây (Hà Nội), thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mẹ đã vứt bỏ cháu bé này về tội Giết người hoặc tội vứt bỏ con mới đẻ tùy thuộc vào hoàn cảnh của người mẹ, có được xác định là “trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt hoặc do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” hay không?

Nếu cơ quan chức năng xác định người mẹ đó “do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.” Nếu không thuộc trường hợp này mà vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến việc đứa trẻ tử vong thì người vứt bỏ sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình về tội Giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (trung tâm Tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc) nhận định, đây không phải trường hợp hiếm gặp trong thời gian gần đây. Cần phải lên án hành động vô đạo đức của những người mẹ trẻ, vô trách nhiệm với tính mạng của một con người, đặc biệt lại là máu mủ mình dứt ruột đẻ ra.

Bà Túy phân tích, việc dẫn đến hành động ném bỏ con ngay sau khi đẻ ra có thể có chủ đích từ trước, và như thế có lẽ cô gái này mang thai ngoài ý muốn nên luôn có tâm trạng lo sợ, tâm lý không ổn định. Tuy nhiên, hành động vô đạo đức này không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà cho chúng ta thấy mặt tiêu cực ngày càng trầm trọng trong việc giáo dục con người trong xã hội. “CON NGƯỜI” rất quý trọng, đặc biệt là con mình sinh ra, ấy vậy một người mẹ sẵn sàng bỏ con một cách tàn nhẫn thì quả là một chuyện không chấp nhận được. Đồng thời, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh, vụ việc này tiếp tục là tiếng chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận giới trẻ sống thiếu trách nhiệm, thiếu kỹ năng và thiếu hiểu biết pháp luật.

Theo Lê Liên/Đời sống pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)