Tại buổi họp báo họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra tại Hà Nội chiều 3/3, PV đề cập đến việc HĐND TP Hải Phòng thông qua chủ trương trích 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng người dân nhân dịp kỷ niệm thành lập thành phố và hỏi quan điểm của Chính phủ như thế nào?
Trước câu hỏi trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết, về kế hoạch trích 269 tỷ đồng tặng quà ấm chén và cờ cho người dân nhân dịp 65 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, có các luồng ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng cần tính toán hiệu quả.
Về thẩm quyền, theo Luật Ngân sách nhà nước thì UBND, HĐND thành phố Hải Phòng có thẩm quyền quyết định chi khoản tiền đó.
“Đúng là trong điều kiện hiện tại, TP. Hải Phòng cũng nên rà soát lại các khoản chi. Vì đây là tiền thuế tiền của dân, do đó cần chi tiêu trên tinh thần đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả, nhất là thực tế vẫn có nhiều việc cần phải làm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho rằng, đây mới là đề án đưa ra nhưng chưa chi, chúng tôi trao đổi thêm với TP Hải phòng rà soát cân nhắc lại ý kiến đóng góp.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường), HĐND TP Hải Phòng đã thống nhất chủ trương về việc tặng quà cho người dân thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2020). Theo đó, các hộ gia đình có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng và đang sinh sống trên địa bàn thành phố (tính đến ngày 31/3) sẽ được tặng quà bằng hiện vật. Mỗi suất quà có trị giá 500.000 đồng, gồm 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc với tổng kinh phí dự kiến là 269 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp xã hội.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin về việc tặng quà trên được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội và báo chí, không chỉ người dân cả nước mà ngay người dân thành phố Hải Phòng đã lên tiếng phản ứng.
Theo một số người dân, món quà của thành phố với họ không thật sự thiết thực khi đa số những hộ dân đều đã sở hữu những đồ vật tương tự như món quà mà thành phố dự định trao tặng họ.
Thực tế bộ ấm chén vốn là vật dụng trong cuộc sống hàng ngày mà bất kỳ hộ dân nào cũng đều đã sở hữu và hiện đang sử dụng. Còn với lá cờ tổ quốc, một năm có rất nhiều ngày lễ và để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, hộ dân nào cũng đã mua để treo những ngày lễ tết.
Hơn nữa, món quà thật sự có ý nghĩa khi chính quyền thành phố không lấy nguồn từ ngân sách địa phương để mua quà tặng người dân. Bởi tiền ngân sách cũng từ tiền thuế của dân, là tiền đóng góp của các doanh nghiệp. Lấy tiền của dân, mua quà tặng dân thì dù mục đích hướng đến có ý nghĩa thế nào cũng sẽ làm giảm đi giá trị của món quà rất nhiều.
Do vậy, việc tặng quà của thành phố là phô trương, lãng phí dẫn đến một việc làm tưởng như mang lại nhiều giá trị lại đang lùm xùm gây tranh cãi trong dư luận.
Tại phiên họp Thường kỳ của UBND thành phố Hải Phòng sáng 3/3, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng đã thông tin để giải đáp thắc mắc của dư luận về việc, tại sao thành phố lại tặng quà dịp này, thành phố đã chuẩn bị những gì cho công tác này và có phải thành phố vì chú tâm vào tặng quà mà quên đi những việc khác không?
Ông Bình cho biết, sắp tới đây, thành phố kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng. Thành phố có được thành tựu như hiện nay là sự đóng góp, nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, Đảng viên và nhân dân thành phố trong suốt 65 năm qua.
“Bên cạnh việc tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, các bậc lão thành, những người có công với cách mạng, vốn là những việc làm thường xuyên, dịp này, thành phố đã quyết định có một phần quà tặng tới mỗi hộ gia đình trên địa bàn thành phố, để tiếp nối truyền thống uống nước, nhớ nguồn, tiếp nối những chính sách ghi nhận, tri ân sự đóng góp, cống hiến, gắn bó của Nhân dân thành phố đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố suốt 65 năm qua”, ông Bình nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng cho rằng, việc tặng quà tới mỗi hộ dân không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà giá trị mà thành phố muốn hướng tới, đó là thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền đối với nhân dân thành phố, thể hiện sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của chính quyền với người dân. Qua đây, cũng góp phần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu thành phố để hướng tới sự đồng thuận ở một chặng đường sắp tới mà thành phố sẽ đi tiếp và tin tưởng sẽ phát triển tốt đẹp.
Nói về ý kiến cho rằng, thành phố làm như vậy là lãng phí, sẽ có sự lợi dụng để trục lợi cá nhân, ông Nguyễn Xuân Bình nói rằng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức tiến hành thận trọng, nghiêm túc để triển khai.
“Thành phố đã đánh giá, xem xét nguyện vọng, tình cảm của người dân, trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn, Thường vụ Thành ủy thảo luận rất nghiêm túc, trách nhiệm về vấn đề này. Việc thực hiện tặng quà là xuất phát từ cái tâm của lãnh đạo thành phố đối với người dân. Và để làm được việc đó, rất cần sự thận trọng, khách quan, không cho phép bất cứ ai được làm thất thoát một đồng xu, cắc bạc của ngân sách, của người dân thành phố vào việc khác. Thành phố sẽ nhất quyết không để xảy ra việc thất thoát đó”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Bình, chưa bao giờ thành phố Hải Phòng quan tâm đầy đủ tới những vấn đề an sinh xã hội như bây giờ.
“Chưa bao giờ người dân thành phố được hưởng những thành quả từ sự phát triển như bây giờ: sau một buổi sáng ngủ dậy, có 4, 5 tuyến phố được thảm nhựa. Chưa bao giờ người dân từng ở những căn nhà chung cư cũ nguy hiểm, xập xệ có thể đón nhận căn hộ mới, đẹp và an toàn như bây giờ. Chưa bao giờ học sinh giỏi của thành phố được chăm lo, tặng thưởng như bây giờ.
Thành phố cũng quan tâm miễn giảm học phí cho học sinh tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố. Chưa bao giờ người nghèo của thành phố lại được quan tâm như hiện nay: Tết Nguyên đán năm 2020 mỗi người nghèo được thành phố hỗ trợ 1,2 triệu, người cận nghèo 1 triệu đồng.
Đối với đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ được thành phố hỗ trợ 4 triệu đồng tiền mặt dịp này. Thành phố quan niệm, giá trị vật chất không bao giờ đo đếm được, không bao giờ sánh được với những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ.
Hỗ trợ bao nhiêu cho người yếu thế cũng là không đủ. Nhưng những việc hỗ trợ ấy thể hiện rõ một điều: thành phố phát triển thì người dân phải được hưởng lợi. Đó là triết lý phát triển của thành phố Hải Phòng”, ông Bình nói.
>>> Mời độc giả xem video Thu chi ngân sách và đầu tư công còn đang lãng phí:
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc chi đến 269 tỷ để mua quà tặng người dân, dù nói không lãng phí nhưng thực tế rất là lãng phí.
“Không thể nói rằng, cho dân thì không phải lãng phí. Nói thế là không phù hợp. Việc trao tặng quà như thế này khiến người ta phải suy nghĩ bên trong có gì đó như tạo một dấu ấn của người dân Hải Phòng đối với lãnh đạo TP Hải Phòng. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, một năm không biết bao nhiêu tiền ngân sách. Họ sẵn sàng làm chuyện đó nhưng tại sao họ không làm”, đại biểu Hòa nói.
Đồng thời ông Hòa cho rằng, tiền thực tế tiền là tiền của người dân Hải Phòng tham gia đóng góp trong đó. Hơn nữa, Hải Phòng cho rằng mình có điều kiện thu ngân sách thì làm được, thế các tỉnh, thành không có, người ta lấy gì người ta làm.
“Tất cả các tỉnh đều có ngày giải phóng, ngày thành lập, người ta cũng kỷ niệm 100 năm, 200 năm, 300 năm, người ta cũng nghĩ như Hải Phòng được nhưng hiện nay ngân sách nhà nước chi như thế có cần thiết hay không hay lấy số tiền đó làm việc khác có ý nghĩa lâu dài, bền vững hơn. Việc tặng quà trị giá 500.000 đồng cho tất cả các hộ dân có hộ khẩu hoặc đang sinh sống ở địa phương thì chỉ có Hải Phòng là làm thôi”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Hòa đề nghị kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra xem việc chi như vậy có đúng theo quy định hay không? Nếu không đúng thì phải xuất toán.
“Không thể nói chi cho dân là hợp lý, mang ý nghĩa. Tại sao không tập trung chi cho những gia đình chính sách trong dịp này? Tại sao không tập trung cho bệnh viện, trường học, nông thôn mới mà chính sách nhà nước cho phép, hơn nữa thiết thực với người dân. Do vậy, cần xem xét lại các quy định về chi ngân sách, không phải có tiền là muốn chi gì thì chi.
Bởi như thế Luật ngân sách nhà nước và các quy định sẽ lộn xộn, không đi vào nề nếp, mỗi nơi tùy tiện thích làm thế nào thì làm. Hơn nữa, việc chi này sẽ không tránh khỏi có ý kiến cho rằng anh đang mua phiếu bởi sắp đến Đại hội Đảng các cấp?”, ông Hòa nêu ý kiến.