Trạm thu giá thành thu phí: Tiền khủng lãng phí thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Bộ GTVT liên tục đổi tên trạm thu hoàn vốn dịch vụ đường bộ từ trạm thu phí thành trạm thu giá, trạm thu tiền rồi quay lại trạm thu phí cho thấy một vòng luẩn quẩn gây sự lãng phí lớn không cần thiết.

Một thông tin đáng chú ý mấy ngày vừa qua, đó chính là việc Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm, Bộ GTVT đã trở lại cách gọi “trạm thu phí” cho hệ thống trạm thu hoàn vốn dịch vụ đường bộ.
Đây được cho là động thái tiếp nhận ý kiến dự thảo đã từng được xin ý kiến vào tháng 5/2019 của tổ soạn thảo khi xóa bỏ hết cách gọi “trạm thu tiền”, thay vào đó là cụm từ “trạm thu phí” quen thuộc. Theo định nghĩa tại dự thảo, "trạm thu phí" là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.
Đáng chú ý, vào đầu năm 2018, Bộ GTVT đã thay tên gọi “trạm thu phí” bằng “trạm thu giá” để phù hợp với Luật giá được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc đổi tên này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận khi nhiều người cho rằng, cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa, thậm chí “chơi chữ” với người dân.
Tram thu gia thanh thu phi: Tien khung lang phi the nao?
 Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, việc đổi tên hệ thống trạm thu hoàn vốn dịch vụ đường bộ ấy vừa gây phức tạp về giấy tờ, thủ tục, đồng thời gây lãng phí, tốn kém lớn khi hàng loạt hệ thống bảng biển tại các trạm thu phải thay đổi theo.
Tuy nhiên, khi đó, Bộ GTVT đã quyết tâm cụ thể hóa bằng việc yêu cầu các nhà đầu tư, các chủ dự án, Tổng Công ty thực hiện thay thế biển hiệu “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”. Chỉ sau một đêm, hàng loạt trạm thu phí được “làm lại giấy khai sinh” với tên gọi mới là “trạm thu giá”.
Việc đổi tên thành “trạm thu giá” nóng đến mức, ngày 2/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT không sử dụng tên “trạm thu giá”. Tại nghị trường Quốc hội sau đó 2 ngày, trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6/2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết "tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp".
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên tiếng chấn chỉnh: "Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn, “trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết".
Tiếp thu ý kiến này, ngày 10/7/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án BOT yêu cầu đổi lại tên "trạm thu giá" thành "trạm thu phí" trước ngày 20/7/2018. Tuy nhiên sau đó, điều bất ngờ, vào tháng 5/2019, Bộ GTVT lại khiến dư luận xôn xao khi đề xuất đổi tên thành “trạm thu tiền”.
Sau gần 2 năm liên tục thay đổi giữa cách gọi từ “trạm thu phí” thành "trạm thu giá" rồi lại thành "trạm thu tiền", lần đầu tiên Bộ GTVT lắng nghe dư luận khi dự thảo thông tư sửa đổi lần này quay về trạm thu phí. Tuy nhiên, việc Bộ GTVT liên tục đưa ra nhiều cách gọi tên cho các trạm thu hoàn vốn dự án đường bộ, trong khi không luật nào cấm dùng từ phí và không quy định nào bắt đổi tên thành trạm thu giá hay trạm thu tiền khiến dư luận không cảm thấy hài lòng, khi gây nên sự lãng phí, tốn kém lớn không cần thiết. Bởi “thay tên” nhưng bản chất không thay đổi, vẫn là việc người dân trả phí hay trả tiền đều là việc hoàn vốn của dự án hạ tầng khi qua trạm BOT.
Trên thực tế, việc đổi tên liên tục đã gây lên sự lãng phí lớn dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng mỗi lần đổi lại tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá và sắp tới từ trạm thu giá về lại trạm thu phí khiến hàng loạt trạm BOT phải thay hệ thống biển hiệu tại trạm cũng như hàng loạt các biển báo, bảng hiệu, giấy tờ liên quan.
Làm một phép tính đơn giản, trừ những trạm thu phí dùng màn hình điện tử, một trạm thu phí thông thường luôn có hệ thống biển tên chính được sơn kẻ tên trên trạm chính và những biển báo phụ cùng hàng loạt biển chỉ dẫn trên các tuyến đường đều theo phương thức thủ công.
Do vậy, mỗi lần đổi tên trạm kinh phí sơn lại tên, thay biển báo cũng hết tổng chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng. Với hai lần đổi tên, từ “phí” sang “giá”, và nay từ “giá” sang “phí”, chi phí cho mỗi trạm thu phí BOT dùng biển báo truyền thống đã lên tới 30 triệu đồng.
Cả nước hiện có hơn 80 trạm thu phí, số tiền lãng phí cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể hệ thống thẻ và vé đã được làm sẵn cũng phải thay đổi dẫn đến tốn thêm chi phí.
Đồng thời, khiến dư luận đặt câu hỏi nếu số tiền ấy lấy từ ngân sách thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Trường hợp các doanh nghiệp đầu tư BOT phải trả tiền thì chi phí này được tính vào chi phí hoạt động trích từ nguồn thu phí phương tiện và tất nhiên số tiền ấy cũng từ người dân mà ra.
Chưa kể việc liên tục đổi tên trạm thu hoàn vốn dự án đường bộ còn gây lãng phí nguồn nhân lực khi lẽ ra thời gian đó họ làm được nhiều việc khác có ích hơn. Đồng thời khiến dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài, gây mất niềm tin của người dân vào ngành GTVT.
Nêu ý kiến về việc Bộ GTVT liên tục đổi tên trạm thu hoàn vốn dự án đường bộ, lái xe container Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc làm này thật khó hiểu bởi thực tế đối với người tham gia giao thông họ chỉ quan tâm đến việc thu phí có minh bạch hay không? Mức phí thu và thời gian thu có hợp lý đúng quy định hay không? Thu phí có nâng cao chất lượng đường hay không? chứ họ không quan tâm đến tên gọi. Bởi thực chất, các phương tiện khi lưu thông trên dự án BOT đều phải đóng phí.
“Việc chính của Bộ GTVT là phải có giải pháp chấn chỉnh những bất cập còn tồn tại tại các dự án BOT, đồng thời có phương án yêu cầu chủ đầu tư khi thu phí phải song hành với nâng cao chất lượng đường. Như Quốc lộ 5 xuống cấp trong thời gian dài, mặt đường lồi lõm, biển báo hiệu không đúng quy định, vạch kẻ đường mờ… dẫn đến nhiều vụ TNGT đã xảy ra. Tuy nhiên đến nay chưa được cải tạo nâng cấp toàn tuyến một cách tổng thể. Chủ đầu tư vẫn thu tiền trong khi xảy ra tai nạn thì làm cho có. Đấy mới là việc Bộ nên làm, dư luận đồng tình ngay”, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Trong khi lái xe Trần Mạnh Hà cho biết, Bộ GTVT liên tục đổi tên trạm thu phí gây nên lãng phí, tốn kém và tiền bạc, nhân lực một cách không cần thiết. Nếu như Bộ tiếp thu ngay từ đầu thì đã giảm được sự tốn kém, lãng phí ấy. Bản thân các lái xe cần Bộ quan tâm không phải nay nghĩ tên này, mai tên khác mà chính là những giải pháp hiệu quả để các tuyến đường giao thông đường tốt hơn, giảm tai nạn giao thông, tăng hiệu quả kinh tế. Đối với các trạm BOT, Bộ cần có những giải pháp giải quyết được câu chuyện bức xúc về BOT như vị trí đặt trạm, cách lựa chọn nhà đầu tư, việc thu chi của nguồn thu từ các trạm BOT, chứ không phải chỉ đeo đuổi việc thay tên trạm. Hi vọng, sau lần này, Bộ GTVT sẽ không tiếp tục thay tên gọi của trạm thu phí nữa.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)