Hải Phòng chi 269 tỷ tặng quà cho dân: Phô trương hay...?
Tại kỳ họp bất thường HĐND TP Hải Phòng khóa 15 (nhiệm kỳ 2016- 2021) sáng 28/2, Hải Phòng đã đưa ra quyết định tặng quà mỗi hộ gia đình có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng và hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Theo đó, mỗi gia đình trong diện trên sẽ nhận được quà tặng là hiện vật trị giá không quá 500.000 đồng/suất gồm 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc với tổng kinh phí dự kiến là 269 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin về việc tặng quà trên được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội và báo chí, không chỉ người dân cả nước mà ngay người dân thành phố Hải Phòng đã lên tiếng phản ứng. Có ý kiến cho rằng, việc tặng quà của thành phố là phô trương, lãng phí dẫn đến một việc làm tưởng như mang lại nhiều giá trị lại đang lùm xùm gây tranh cãi trong dư luận.
Một số ý kiến cho rằng, việc tặng quà vốn là những hành động được cho là đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị tinh thần. Món quà nào nếu tặng đúng quy định cũng đều đáng quý, đáng trân trọng.
Dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng, với người dân Hải Phòng một ngày vui trọng đại, việc nhận quà từ thành phố càng thêm sự phấn khởi khi chính quyền thành phố nghĩ đến người dân.
|
Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP Hải Phòng thống nhất chủ trương về việc tặng quà cho tất cả người dân. |
Xét ở vai trò người tặng, có thể hiểu tâm lý của chính quyền thành phố Hải Phòng khi cân nhắc tặng quà cho người dân. Họ mong muốn thể hiện một chính quyền do dân và vì dân. Khi thu ngân sách tốt, họ nghĩ đến người dân. Ở góc độ này, việc tặng bộ ấm chén, lá cờ dù các hộ dân đã có nhưng vẫn mang ý nghĩa, giá trị tinh thần. Bởi “của cho không bằng cách cho”, phần quà nào cũng đều đáng quý.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, người dân là những người nhận quà, món quà của thành phố với họ không thật sự thiết thực khi đa số những hộ dân đều đã sở hữu những đồ vật tương tự như món quà mà thành phố dự định trao tặng họ.
Thực tế bộ ấm chén vốn là vật dụng trong cuộc sống hàng ngày mà bất kỳ hộ dân nào cũng đều đã sở hữu và hiện đang sử dụng. Còn với lá cờ tổ quốc, một năm có rất nhiều ngày lễ và để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, hộ dân nào cũng đã mua để treo những ngày lễ tết.
Do vậy, nhiều người cho rằng, đó là sự lãng phí dưới góc độ nhìn nhận này cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, món quà thật sự có ý nghĩa khi chính quyền thành phố không lấy nguồn từ ngân sách địa phương để mua quà tặng người dân. Bởi tiền ngân sách cũng từ tiền thuế của dân, là tiền đóng góp của các doanh nghiệp. Lấy tiền của dân, mua quà tặng dân thì dù mục đích hướng đến có ý nghĩa thế nào cũng sẽ làm giảm đi giá trị của món quà rất nhiều.
Trong khi đó, số tiền 269 tỷ đồng mua quà tặng dân là một con số không nhỏ. Để có được số tiền trên có thể phải đánh đổi nhiều ha đất để đấu giá thu về ngân sách hoặc đó có thể là số tiền đóng thuế từ rất nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Năm 2019, Hải Phòng tạo dấu ấn đậm nét khi thu ngân sách đạt gần 90.000 tỷ nhưng chỉ có 27.000 tỷ từ thu nội địa. Trong khi đó, Hà Nội thu ngân sách năm 2019 là 249.127 tỷ, TP HCM thu ngân sách là 409.923 tỷ đồng, Quảng Ninh thu ngân sách nội địa năm 2019 đạt 34.625 tỷ đồng…
Dẫn một số liệu trên để thấy rằng, Hải Phòng chưa phải là thành phố dẫn đầu trong việc thu ngân sách trong khi các thành phố hiện đang dẫn đầu cả nước về thu ngân sách cũng không có việc chi hàng trăm tỷ đồng để tặng quà tất cả các hộ dân.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đức Hiệp Long, trú tại quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) cho rằng sẽ làm đơn xin được trả lại món quà mà thành phố sẽ tặng.
"Chi số tiền lớn từ ngân sách để tặng món quà mà gia đình nào lâu nay cũng đang có là lãng phí, không phù hợp. Tôi muốn giành số tiền đó mua khẩu trang, nước sát trùng tặng dân để chống dịch. Riêng cá nhân tôi xin được trả lại số tiền mua quà để thành nộp lại ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo hay người khuyết tật tại địa phương", ông Long nói.
Trao quà cho dân, sao là lãng phí?
Tỏ ra không hài lòng trước sự phản ứng của dư luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khi trao đổi với PV Kiến Thức đã nói rằng, nếu cho rằng tặng quà cho dân là lãng phí, phô trương thì hoàn toàn không có ý nghĩ xây dựng. Bởi theo ông Nam, cho người dân Hải Phòng, người dân được hưởng sao gọi là phô trương, lãng phí.
Ông Lê Khắc Nam khi nói về món quà tặng dân cho rằng, hai sản phẩm tặng cho dân hết sức ý nghĩa, gắn liền với cuộc sống người dân. Lá cờ chỉ 20 đến 30 nghìn đồng nhưng đi trên đường phố Hải Phòng, có những nhà cờ bạc phếch vẫn treo, cờ tua dua vẫn treo, nhất là vùng quê, có những nhà lại quên mua. Còn bộ ấm chén có rồi dùng thì vẫn có cái để dành, để trong tủ, ấm chén có in chữ để suốt đời được.
“Chúng tôi mua loại chất lượng cao, đồng đều như nhau và qua đấu thầu nên không thể nói là không cần thiết hay lãng phí”, ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng, việc tặng quà người dân đã được đưa ra cấp ủy ban, ra hội đồng nhân dân biểu quyết là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong khi đó, 100% đại biểu hội đồng nhân dân nhất trí. “Những ý kiến phản ứng việc này là 1/1000, 1/1 triệu hay 1/2 triệu dân”, ông Nam nói và cho rằng cần phải nhìn nhận những ý kiến phản ứng chỉ là con số nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cũng nói rằng, bản thân ông thấy rất vô lý khi có ý kiến cho rằng, Hải Phòng nên dùng số tiền ấy để đầu tư những công trình phúc lợi, dân sinh.
“Có ý kiến cho rằng bỏ số tiền ấy xây dựng trường, trong khi Hải Phòng không có trường nào xấu phải đến mức phải thêm số tiền ấy xây dựng trường. Chúng tôi còn miễn hoàn toàn học phí cho các học sinh từ mầm non đến THPT. Chống dịch có nơi nào cách ly được ăn chế độ 150 nghìn như Hải Phòng.
Đến thời điểm này, Hải Phòng cũng không có trường hợp nào dương tính dịch COVID-19 trong khi các tỉnh như Vĩnh Phúc, TP HCM, Đà Nẵng có trường hợp dương tính.
Trong khi Hải Phòng có sân bay quốc tế. Chúng ta đã cách ly bài bản, chế độ chăm sóc cho trường hợp cách ly. Đồng thời, Hải Phòng có phải thiếu tiền chống dịch đâu. Các học sinh đi học được phát khẩu trang miễn phí”, ông Nam nói.
Đồng thời khẳng định rằng, các chủ trương khác của Hải Phòng đến thời điểm này cũng không thiếu gì. “Học sinh giỏi thi quốc tế được thưởng đến 500 triệu đồng. Về kết cấu hạ tầng trong những năm qua có nơi nào xây dựng nhiều như Hải Phòng hay không như năm vừa qua đầu tư 120 tuyến đường trị giá 500 tỷ, cầu xây mới cũng phục dân chứ phục vụ ai”, ông Nam cho hay.
Từ đó, ông Nam đặt vấn đề: “Nêu ý kiến mà chỉ theo suy nghĩ phiến diện của một người nào đó thì tôi cho rằng đó là không xây dựng. Nếu chúng tôi trao quà cho khách thì mới nên ý kiến chứ cho dân sao lại là lãng phí. Mình thu ngân sách tốt, cho dân cũng là bình thường, sao lại lãng phí”.
Nói không lãng phí nhưng thực tế rất là… lãng phí
Nói về ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, người ta nói ý nghĩa như tôi cho rằng, không chừng bên trong đó lại là một ý đồ để lấy niềm tin của người dân. Bởi nhiều người sẽ cho rằng, lãnh đạo thành phố quan tâm đến người dân nên tặng quà người dân như thế.
Đại biểu Hòa cho rằng, việc chi đến 269 tỷ để mua quà tặng người dân, dù nói không lãng phí nhưng thực tế rất là lãng phí.
“Không thể nói rằng, cho dân thì không phải lãng phí. Nói thế là không phù hợp. Việc trao tặng quà như thế này khiến người ta phải suy nghĩ bên trong có gì đó như tạo một dấu ấn của người dân Hải Phòng đối với lãnh đạo TP Hải Phòng”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phân tích, các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, một năm không biết bao nhiêu tiền ngân sách. Họ sẵn sàng làm chuyện đó nhưng tại sao họ không làm.
“Tiền thực tế tiền là tiền của người dân Hải Phòng tham gia đóng góp trong đó. Hơn nữa, Hải Phòng cho rằng mình có điều kiện thu ngân sách thì làm được, thế các tỉnh, thành không có, người ta lấy gì người ta làm. Tất cả các tỉnh đều có ngày giải phóng, ngày thành lập, người ta cũng kỷ niệm 100 năm, 200 năm, 300 năm, người ta cũng nghĩ như Hải Phòng được nhưng hiện nay ngân sách nhà nước chi như thế có cần thiết hay không hay lấy số tiền đó làm việc khác có ý nghĩa lâu dài, bền vững hơn. Việc tặng quà trị giá 500.000 đồng cho tất cả các hộ dân có hộ khẩu hoặc đang sinh sống ở địa phương thì chỉ có Hải Phòng là làm thôi”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đồng thời cho rằng, đây là vấn đề cần kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra xem việc chi như vậy có đúng theo quy định hay không? Nếu không đúng thì phải xuất toán.
“Không thể nói chi cho dân là hợp lý, mang ý nghĩa. Tại sao không tập trung chi cho những gia đình chính sách trong dịp này? Tại sao không tập trung cho bệnh viện, trường học, nông thôn mới mà chính sách nhà nước cho phép, hơn nữa thiết thực với người dân. Do vậy, cần xem xét lại các quy định về chi ngân sách, không phải có tiền là muốn chi gì thì chi.
Bởi như thế Luật ngân sách nhà nước và các quy định sẽ lộn xộn, không đi vào nề nếp, mỗi nơi tùy tiện thích làm thế nào thì làm. Hơn nữa, việc chi này sẽ không tránh khỏi có ý kiến cho rằng anh đang mua phiếu bởi sắp đến Đại hội Đảng các cấp?”, ông Hòa nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Thu chi ngân sách và đầu tư công còn đang lãng phí: