TAND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội vừa mở phiên xử kiện hành chính yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người khởi kiện trong vụ án này là Nghiêm Nhật Anh (27 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và người bị kiện là ông Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Anh Nghiêm Nhật Anh cho biết, mình là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (gọi tắt là TDS), chủ sở hữu lô đất TH1, khu đô thị mới Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm.
Anh Nhật Anh cho rằng, quyết định hành chính mà Công an quận Bắc Từ Liêm áp dụng đối với mình là trái pháp luật và yêu cầu TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên hủy biên bản bắt người phạm tội quả tang; hủy quyết định trả tự do; và hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, yêu cầu trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức họp báo xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất về danh dự, tinh thần 14 triệu đồng. Mức bồi thường này dựa vào 10 tháng lương cơ bản.
Tại phiên tòa, trung tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, đại diện cho người bị kiện, cho biết căn cứ theo hồ sơ xác định trong vụ việc ngày 2/8/2019, người khởi kiện Nghiêm Nhật Anh vào khu vực lực lượng công an đang làm nhiệm vụ, dùng điện thoại quay video.
|
Tại tòa, người khởi kiện Nhật Anh công bố các hình ảnh mà mình bị bắt giữ. (Ảnh: Thanh Niên). |
Khi lực lượng công an quận giữ lại và mời ra khỏi khu vực đang làm nhiệm vụ thì Nhật Anh chửi bới, xô đẩy, cản trở lực lượng công an đang thi hành công vụ, nên lực lượng công an đã bắt giữ người này và đưa về trụ sở Công an quận để lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Theo ông Ngọc, quyết định xử phạt hành chính và các văn bản liên quan của Công an quận Bắc Từ Liêm là đúng với quy định pháp luật.
Nói về quan điểm của mình về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Công an quận Bắc Từ Liêm đã áp dụng luật với người khởi kiện trái quy trình, quy định.
Cụ thể, người khởi kiện Nghiêm Nhật Anh bị bắt giữ trong trường hợp phạm tội quả tang nhưng chưa được xử lý theo quy định luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, người khởi kiện Nhật Anh bị xử lý vi phạm hành chính nhưng không có biên bản xử phạt hành chính, là trái với luật Xử lý vi phạm hành chính, khi các trường hợp xử phạt từ 500.000 đồng trở lên phải có biên bản xử phạt hành chính.
Cũng theo luật sư Hùng, Viện dẫn điều 63 luật Xử lý vi phạm hành chính hợp nhất năm 2017 cho biết, đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng không đến mức xử lý hình sự mà xử lý hành chính, thì cơ quan tố tụng phải chuyển hồ sơ vụ việc và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Nhật Anh khởi kiện là có căn cứ.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối.
|
Cũng trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ, phía người khởi kiện và người bị kiện trình bày nội dung rất khác nhau. Bên nào cũng đưa ra những lý do để bảo vệ quan điểm của mình, nếu chứng cứ bên nào có chứng cứ để chứng minh nội dung trình bày của mình thì bên đó sẽ thắng kiện.
Tòa án sẽ đánh giá chứng cứ trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình về các tài liệu chứng cứ mà tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án.
Tòa án sẽ làm rõ những cảnh sát có mặt tại hiện trường là để thực hiện công vụ, nhiệm vụ gì, do ai phân công? Khi nào người khởi kiện có mặt tại hiện trường, người khởi kiện đã thực hiện những hành vi gì trước khi bị bắt giữ?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người khởi kiện chỉ có hành vi duy nhất là ghi hình những người có mặt trên hiện trường, không có hành vi xô đẩy, không tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì hành vi của người khởi kiện không vi phạm pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm bị khởi kiện trong vụ án này chỉ được giữ nguyên khi người ban hành văn bản này có căn cứ cho thấy người khởi kiện đã có hành vi chống người thi hành công vụ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi chống người thi hành công vụ thỏa mãn các dấu hiệu, điều kiện có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên phía người bị kiện cho rằng “Khi lực lượng công an quận giữ lại và mời ra khỏi khu vực đang làm nhiệm vụ thì bà Nhật Anh chửi bới, xô đẩy, cản trở lực lượng công an đang thi hành công vụ, nên lực lượng công an đã bắt giữ người này và đưa về trụ sở Công an quận để lập biên bản bắt người phạm tội quả tang”. Người bị kiện cần xuất trình các tài liệu chứng minh rằng bà Nhật Anh đã chửi bới, xô đẩy, cản trở lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bằng các tài liệu chứng cứ hợp pháp, khách quan.
Thông thường trong những vụ việc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ thì lực lượng thi hành công vụ sẽ có clip hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm pháp luật làm căn cứ để xử lý. Trong trường hợp này nếu phía cơ quan công an và người bị kiện không xuất trình được hình ảnh nào về hành vi chống người thi hành công vụ, cũng không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh việc việc này thì tòa án có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có căn cứ đồng thời yêu cầu người ban hành văn bản phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và xin lỗi công khai.
>>> Xem thêm video: Bỗng dưng mất 4 tỷ: Khách hàng khởi kiện SCB