Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 2/10, thông tin về vụ án Công ty BĐS Nhật Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan CSĐT đã phong tỏa 88 tài khoản có liên quan đến vụ án, trong đó xác định 20 tài khoản đã hết hoặc còn rất ít số dư (dưới 10 triệu đồng).
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thông tin, từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền hơn 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 bị hại, thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.291 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động công ty qua tài khoản ngân hàng hơn 520 tỷ đồng. Chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng.
|
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội
|
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt khoảng 138 tỷ đồng. Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác định đồng phạm; đồng thời kê biên triệt để tài sản phạm tội để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, bị hại có liên quan.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin từ Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho thấy, trong số 88 tài khoản liên quan vụ án đang được cơ quan CSĐT phong tỏa có 20 tài khoản đã hết hoặc còn rất ít số dư. Do đó, với 20 tài khoản của bị can không còn tiền, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ số tiền đó ở đâu, có hành vi rửa tiền hay không, có đồng phạm khác hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, cơ quan điều tra bước đầu đã thu thập được các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nữ Chủ tịch công ty Nhật Nam. Đồng thời bước đầu xác định số tiền mà bị can đã chiếm đoạt và những người bị hại trong vụ án này.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số tiền mà bị can chiếm đoạt có dấu hiệu bị tẩu tán, che giấu, sử dụng chi tiêu cá nhân nên cơ quan điều tra chưa xác định được số tiền chiếm đoạt đang ở đâu, ngoài số tiền đã chi trả lãi suất cho những người tham gia dự án. Cơ quan điều tra xác định đối tượng sử dụng 20 tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên trong các tài khoản này hầu như là không có tiền hoặc còn rất ít tiền trong tài khoản...
Theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Cụ thể, theo điều Điều 15 và điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ những thiệt hại mà hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị can gây ra đối với các nạn nhân như thế nào, cụ thể là làm rõ số tiền mà bị can đã chiếm đoạt hiện đang cất giấu ở đâu, ai là người quản lý để phong tỏa, kê biên đảm bảo thi hành án.
Đối với những vụ án có gây thiệt hại đến tài sản của người bị hại, việc bồi thường khắc phục hậu quả, thu giữ tài sản để trả lại cho người bị hại là vấn đề rất quan trọng. Nếu bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
|
Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam. |
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn mà bị can đã sử dụng để chiếm đoạt tài sản, sẽ làm rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt và "dòng tiền", "đường đi" của tài sản được di chuyển như thế nào, hiện nay tài sản đó đang ở đâu? Trong vụ án này cơ quan điều tra đã chứng minh một phần tài sản chiếm đoạt dùng để trả lãi suất cho các bị hại, vậy phần còn lại là bao nhiêu và đang ở đâu? chuyển hóa thành dạng tài sản nào? có hành vi rửa đồng phạm khác che giấu, chiếm đoạt tài sản này hay không? Những vấn đề cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án này.
Việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu, hiện đang ở đâu là một trong những nội dung quan trọng trong chứng minh tội phạm. Ngoài ra, tài sản do phạm tội mà có, tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, tài sản của nạn nhân mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt là "vật chứng" trong vụ án hình sự.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã thực hiện các giao dịch dân sự, thực hiện các hoạt động đầu tư để che giấu nguồn gốc tài sản bất hợp pháp, cơ quan tố tụng có thể xử lý thêm đối tượng này về tội rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ngoài bị can đã bị bắt giữ còn có người khác phạm tội với vai trò đồng phạm hay không để tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý đối với các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng lần nhận tiền của những người bị hại, sẽ làm rõ việc chuyển tiền, rút tiền, sử dụng tiền đã chiếm đoạt được của người bị hại như thế nào, chứng minh theo đường đi của dòng tiền để truy tìm tài sản do phạm tội mà có nhằm giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm cơ sở để khắc phục hậu quả đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, những người bị hại cũng cần tích cực hợp tác, phối hợp với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội và truy tìm tài sản do phạm tội mà có để thu hồi, xử lý vật chứng phải trả lại người bị hại theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự.
Trước đó, cuối tháng 8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với Vũ Thị Thúy (SN 1983, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, bước đầu xác định,Vũ Thị Thúy (từng có 1 tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các Dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 8/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Thị Thúy và đồng phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video CEO BĐS Nhật Nam và những phát ngôn khiến giới đầu tư “dậy sóng”