Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình ban hành các văn bản cảnh báo dấu hiệu bất thường của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (BĐS Nhật Nam) do có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Những văn bản này có lẽ chỉ là phát súng đầu tiên "đánh" vào hoạt động huy động vốn của BĐS Nhật Nam. Bởi, văn bản này của Hòa Bình được căn cứ vào thông báo của Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an tại Công văn số 518/ĐK ngày 04/8/2022, do đó, khả năng cao là tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều đã nhận được thông báo này, và sẽ sớm có động thái tương tự với tỉnh Hòa Bình.
Với việc BĐS Nhật Nam có khả năng cao bị cảnh báo trên cả nước, thì số lượng nhà đầu tư mới sẵn sàng tham gia vào các gói đầu tư của doanh nghiệp này có nguy cơ sụt giảm mạnh. Đồng nghĩa với việc dòng tiền đổ vào doanh nghiệp này bị đứt gãy, BĐS Nhật Nam sẽ không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư cũ, khiến thời gian phân chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư cũ càng bị kéo dài, và cuối cùng là chiêu bài tuyên bố phá sản để “phủi” trách nhiệm đối với các nhà đầu tư.
Chị T.T.H, một nhà đầu tư vào BĐS Nhật Nam từ giữa năm 2020 đến nay cho hay, tài khoản zalo của một nhân viên thuộc BĐS Nhật Nam, trước đây vẫn dùng để liên lạc với các nhà đầu tư (trong đó có chị H.) đột nhiên rơi vào trạng thái “không còn tồn tại” và không thể liên lạc được.
Việc tài khoản của nhân viên BĐS Nhật Nam bị xóa khiến không ít nhà đầu tư nháo nhác, lo lắng không biết số tiền họ đã bỏ ra sẽ như thế nào. Nhiều nhà đầu tư còn đặt nghi vấn, phải chăng đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhân viên của BĐS Nhật Nam đang tìm cách thoái thác, để không còn liên quan gì đến hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp này?
|
Tài khoản được nhân viên của BĐS Nhật Nam dùng để liên hệ nhiều nhà đầu tư bỗng nhiên "không còn tồn tại" |
Viễn cảnh BĐS Nhật Nam tuyên bố phá sản liệu có xảy ra? Thực tế, một vụ việc đã diễn ra là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Bất động sản Blue Diamond - doanh nghiệp có hình thức huy động vốn “đầu tư nhỏ, lợi tức cao” tương tự như BĐS Nhật Nam. Sau khi nhận được hàng trăm tỷ đồng, Giám đốc của Blue Diamond đã “bốc hơi” khi không còn thu hút thêm được nhà đầu tư mới.
Một số nhà đầu tư không chỉ bỏ tiền vào BĐS Nhật Nam, mà còn cả các doanh nghiệp khác có cùng hình thức hoạt động, dù nhận thấy nguy cơ cao, thay vì cảnh báo cho những người khác, thì lại chọn im lặng, lo sợ công ty này sẽ dừng hoạt động. Thậm chí, những người này còn muốn BĐS Nhật Nam tiếp tục chiêu trò huy động vốn để trả tiền, giúp họ lấy lại vốn rồi mới... tính tiếp.
Có thể thấy, sự thành công của mô hình “đầu tư nhỏ, lợi tức lớn” phần lớn là bởi lòng tham của các nhà đầu tư. Người thì cho rằng mình có thể trục lợi từ đó, người thì tin tưởng hoàn toàn để rồi nhận trái đắng, người thì biến chất vì lo mất vốn liếng mà dụ dỗ thêm người khác tham gia. Liệu vụ việc BĐS Nhật Nam và các mô hình kinh doanh tương tự có phải là bài học đắt giá cho những nhà đầu tư này? Tương lai sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp tương tự mọc lên, với chiêu trò tinh vi hơn nữa?
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.