Xe tăng hạng nặng IS-4: “Anh hùng không gặp thời“

Google News

(Kiến Thức) - Thiết kế vượt trội so với IS-2 hay IS-3, nhưng xe tăng hạng nặng IS-4 ra đời không đúng thời điểm khiến nó nhanh chóng bị loại biên chế.

Khởi điểm muộn màng của IS-4
IS-4 là mẫu xe tăng hạng nặng được Liên Xô phát triển sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 dựa trên những thành công của dòng tăng IS (viết tắt tên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin hay Iosif Stalin). Đây được xem là một trong những thiết kế xe tăng thành công nhất của Quân đội Liên Xô những năm cuối của Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho đến giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Đa phần những chiếc xe tăng hạng nặng Iosif Stalin như IS-2 và IS-3 được phát triển dựa trên yêu cầu của các lãnh đạo cấp cao Liên Xô lúc đó để đối đầu với những chiếc siêu tăng của Hitler khi mà những chiếc T-34 lúc đó có phần hơi lép vế. Trong khi đó, xe tăng hạng nặng IS-4 lại được phát triển trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã gần như kết thúc và chưa bao giờ được tham chiến giống như số phận của IS-3.
Xe tang hang nang IS-4:
 Xe tăng chiến đấu hạng nặng IS-4.
Hầu như mọi thiết kế của dòng IS (trừ phiên bản IS-1) đều sở hữu hệ thống hỏa lực mạnh mẽ với pháo chính tiêu chuẩn trên 120mm cùng lớp giáp bảo vệ dày, cho nên IS-4 cũng không phải là một ngoại lệ. Nó được phát triển dựa trên người tiền nhiệm của mình là xe tăng hạng nặng IS-3 và cả hai đều được thiết kế bởi cùng một cục thiết kế.
Sự xuất hiện của IS-4 được cho là không đúng thời điểm và dư thừa khi mà Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã kết thúc. Bên cạnh đó nó cũng không được đánh giá cao, vì thế việc đưa IS-4 vào sản xuất liên tục bị trì hoãn mãi đến tận năm 1947 mới được đưa vào sản xuất với số lượng hạn chế. IS-4 phục vụ trong biên chế Quân đội Liên Xô trong suốt giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh nhưng tên tuổi của nó hoàn toàn bị sự nổi tiếng IS-3 che khuất cho đến tận ngày nay.
Những nguyên mẫu đầu tiên
Liên Xô giới thiệu nguyên mẫu xe tăng IS-4 đầu tiên vào năm 1945 với tên mã Object 701-1, tiếp theo sau đó là nguyên mẫu Object 701-2. Cả hai nguyên mẫu IS-4 này đều được trang bị pháo tiêu chuẩn S-34 100mm và có thể mang theo 30 viên đạn pháo. Trọng lượng của các nguyên mẫu IS-4 ban đầu khoảng gần 56 tấn nó được trang bị một động cơ 750 mã lực.
Ba nguyên mẫu tiếp theo của IS-4 cũng được giới thiệu không lâu sau đó, trong đó Object 701-5 được trang bị pháo tiêu chuẩn D-25T 122mm có trọng lượng lên tới 58.5 tấn. Sau một thời gian dài phát triển, Quân đội Liên Xô đã quyết định chọn nguyên mẫu Object 701-6 của IS-4 để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nó được trang bị một pháo tiêu chuẩn D-25T 125mm với hệ thống động cơ và giáp bảo vệ không thay đổi.
Xe tang hang nang IS-4:
 Hoàn cảnh ra đời của IS-4 khiến nó không thành công như các phiên bản xe tăng hạng nặng IS trước đó.
Quá trình thử nghiệm Object 701-6 diễn ra khá thành công, đến tháng 4/1946 nó được chính thức phê duyệt để đưa vào sản xuất với tên gọi chính thức là IS-4. 
Trong suốt giai đoạn từ năm 1947-1949 đã có khoảng 250 chiếc IS-4 được Liên Xô chế tạo. Một số nguồn tin cho rằng con số này chỉ có khoảng 219 chiếc với chi phí khoảng 1 triệu rúp cho mỗi chiếc tính theo giá trị đồng rúp của Liên Xô vào năm 1947.
Thiết kế đặc biệt
Có điều thú vị, dù được phát triển dựa trên IS-3, nhưng IS-4 lại có hình dáng tương tự như IS-2 nếu không muốn nói nó là một biến thể nâng cấp của IS-2 được đặt trên một mẫu khung gầm hạng nặng khác. Thiết kế khung gầm của IS-4 cơ bản giống IS-2 nhưng nó có lớp giáp bảo vệ dày hơn cùng thân xe được kéo dài, điều này khiến trọng lượng của IS-4 nặng hơn so với các phiên bản xe tăng IS trước đó.
Để khắc phục vấn đề đó, các kỹ sư Liên Xô đã trang bị cho IS-4 hệ thống bánh xích truyền động có kết cấu 7 bánh chịu lực thay vì 6 cùng động cơ diesel mạnh mẽ hơn. IS-4 cũng được trang bị hệ thống làm máy và có thiết kế khoang động cơ chịu khá nhiều ảnh hưởng từ dòng xe tăng Panther của Đức.
Xe tang hang nang IS-4:
 Thiết kế của IS-2 và IS-4 được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng, trong ảnh là xe tăng hạng nặng IS-2.
Lớp giáp bảo vệ phía trước của IS-4 có độ dày từ 140mm tới 160mm được thiết kế nghiêng một góc từ 40 ° đến 61 °, trong khi đó giáp bảo vệ nóc tháp pháo và gầm xe đều là 30mm. Phần giáp thân và phía sau của IS-4 cũng có độ dày từ 100-160mm. 
Vị trí lái xe của IS-4 được bố trí ở trung tâm phía trước xe tăng nằm ngay bên dưới tháp pháo và được trang bị hai kình tiềm vọng để có thể nhìn ra bên ngoài cùng với đó một đèn pha quan sát được lắp bên trái của thân xe. Phía sau khoang động cơ IS-4 được trang bị 4 thùng nhiên liệu phụ bên ngoài. Tuy sử dụng hệ thống động cơ diesel V-12 có công suất 750 mã lực mạnh hơn nhiều só với động cơ V-2 600 mã lực được trang bị trên IS-2 và IS-3, nhưng do có trọng lượng lên tới 58 tấn nên IS-4 chỉ có thể di chuyển với tốc độ tối đa là 43km/h
Tháp pháo của IS-4 có thiết kế tương đương của IS-2, nhưng lớp giáp bảo vệ được gia tăng tối đa với phần phía trước dày 250mm, hai bên hông tháp pháo là 200mm và phía sau là 170mm. Trong khi đó phần giáp của nóc tháp pháo chỉ dày 30mm và được bố trí một cửa ra vào.
Kíp chiến đấu của IS-4 gồm 4 người gồm một pháo thủ, một lái xe, một pháo thủ nạp đạn và chỉ huy kíp chiến đấu. Tất cả hoạt động bên ngoài chiến trường được kíp chiến đấu của IS-4 quan sát qua hệ thống kính tiềm vọng.
Xe tang hang nang IS-4:
 Dù bị đánh giá là chậm chạp và tốc độ bắn không cao nhưng các biến thể xe tăng hạng nặng IS-3 và IS-4 vẫn là những mẫu tăng bất khả chiến bại trong những năm 1950.
Trong quá trình phát triển IS-4, các kỹ sư Liên Xô cũng tiến hành phát triển một mẫu pháo tiêu chuẩn mới dành cho mẫu tăng hạng nặng này. Nhưng cuối cùng để giảm bớt chi phí nguyên mẫu IS-4 thử nghiệm lại được trang bị lại pháo tiêu chuẩn 122mm vốn được trang bị trên IS-2 và IS-3. Và đến tận nguyên mẫu IS-4 cuối cùng nó mới được trang bị một mẫu pháo tiêu chuẩn 125mm mới cùng hệ thống vũ khí phụ gồm một súng máy đồng trục và súng máy phòng không DShK 12,7mm.
Tốc độ bắn của pháo tiêu chuẩn trên IS-3 và IS-4 khá chậm so với các mẫu xe tăng hạng nặng được Mỹ và Phương Tây thiết kế trong những năm 1950, nhưng bù lại nó có thể dễ dàng xuyên qua lớp giáp nghiêng dày 120mm ở khoảng cách 1km. Trong khi đó các pháo tiêu chuẩn 90mm của các dòng xe tăng hạng nặng M26 Pershing và M46 Patton của Mỹ lại hoàn toàn vô dụng trước lớp giáp bảo vệ của IS-3 và IS-4.
Thời gian hoạt động ngắn ngủi
IS-4 được Quân đội Liên Xô đưa vào trang bị trong năm 1947 và đây cũng là giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh. Các bài kiểm tra bắt buộc đối với IS-4 sau khi được đưa vào trang bị đã cho thấy nó hoạt động thiếu linh hoạt và không cơ động trong tác chiến thua xa so với các phiên bản trước đó như IS-2 và IS-3.
Xe tang hang nang IS-4:
 Xe tăng hạng nặng IS-4 trong một triển lãm quân sự của Nga.
Chính vì lý do này mà chỉ có 250 chiếc IS-4 được Liên Xô chế tạo sau hai năm đưa vào sản xuất và dây chuyền sản xuất IS-4 ngưng hoạt động hoàn toàn vào năm 1949. 
Các xe tăng hạng nặng IS-4 được biên chế cho các đơn vị tăng thiết giáp nằm ở phía Đông xa xôi của Liên Xô tiếp giáp với khu vực biên giới các nước Mông Cổ, Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Trong đầu những năm 1950 các đơn vị IS-4 của Liên Xô thậm chí còn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nếu như nước này chính thức can thiệp quân sự vào Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. 
Sau hơn 10 năm hoạt động, cuối cùng IS-4 bị Quân đội Liên Xô loại biên vào đầu những năm 1960 và chỉ một số ít được giữ lại để trưng bày trong các viện bảo tàng quân sự trong đó bảo tàng xe tăng Kubinka, gần Moskow ở Nga.
Tuấn Đặng

Bình luận(0)