Triều Tiên sẽ phóng loại tên lửa nào?

Google News

(Kiến Thức) - Phía Hàn Quốc đưa ra dự đoán rằng Triều Tiên có thể phóng nhiều tên lửa cùng lúc trong trường hợp cuộc phóng Musudan thất bại.

Theo giới chức Hàn Quốc, có khoảng 4-5 bệ phóng tên lửa di động được triển khai ở tỉnh Nam Hamkyung. Điều này làm dấy lên suy đoán Triều Tiên có thể phóng tên lửa từ nhiều địa điểm trong trường hợp cuộc phóng tên lửa Musudan thất bại.

Căn cứ vào bệ phóng di động có thể suy đoán là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Hwasong-5/6 (truyền thông Hàn Quốc thường gọi chung là Scud) và tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1.

Vậy những tên lửa này có sức mạnh như thế nào và chúng có thể đe dọa những khu vực nào?

Hwasong-5/6: mối đe dọa đối với Hàn Quốc

Hwasong-5/6 là biến thể cải tiến của Triều Tiên dựa trên loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Liên Xô. Vì lẽ đó, truyền thông Mỹ, Hàn thường gọi Hwasong-5/6 với cái tên chung là Scud.

Trong đó, Hwasong-5 có tính năng kỹ thuật tương đương với Scud, được lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 1 tấn. Đầu đạn này có khả năng tạo ra một chiếc hố sâu từ 1,5-4m với đường kính 12m. Tuy nhiên, tên lửa Hwasong-5 có độ chính xác không cao, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa khoảng 450m.
Tên lửa Hwasong-5 trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-5 có tầm bắn dao động từ 280-320km. Với tầm bắn này, nó thực sự là mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc. Mặc dù tên lửa có độ chính xác kém nhưng nó có thể tạo ra mối hiểm họa lớn đối với các khu vực đông dân cư.

Còn Hwasong-6 là biến thể nâng cấp của Hwasong-5, về cơ bản nó không có nhiều khác biệt so với Hwasong-5 ngoại trừ tầm bắn.

So với Hwasong-5, tên lửa mới có nhiều cải tiến về công nghệ dẫn đường. Theo như “quảng cáo” của Triều Tiên, Hwasong-6 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính hiện đại với bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ 50m. Đây thực sự là một con số rất ấn tượng đối với một tên lửa được sản xuất tại một quốc gia được cho là lạc hậu nhiều về công nghệ như Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-6 đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.

Tên lửa có chiều dài 12m, đường kính 0,88m, lắp  đầu đạn nặng 700kg với tầm bắn lên đến 700km. Phạm vi này đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và một phần của Nhật Bản.

Khả năng tấn công chính xác của Hwasong-6 thực sự là thách thức lớn đối với Hàn Quốc. Trong khi đó, hệ thống đánh chặn tên lửa của Hàn Quốc vừa mỏng về lực lượng, vừa yếu về trang bị.

Theo các nguồn tin, Triều Tiên đã sản xuất được khoảng 600-1.000 tên lửa Hwasong-6. Và một nửa trong số này dành cho xuất khẩu, trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng.

Nodong-1: mối đe dọa với Nhật Bản

Đối với Hwasong-5/6 có thể chưa phải là mối đe dọa đối với Nhật Bản, nhưng với Nodong-1 thì mọi chuyện trở nên hoàn toàn khác. Nodong được phát triển từ những năm 1990 và trở thành loại tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của nước này.

Nodong-1 là một sự phát triển mở rộng của Hwasong-6, tên lửa có đường kính 1,25m gần gấp đôi so với Hwasong-5/6, chiều dài 15,6m. Tên lửa có tầm bắn từ 900-1.300km với đầu đạn nặng 900kg. Phạm vi này đủ sức vươn tới gần hết lãnh thổ Nhật Bản.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1.

Mặc dù có tầm bắn xa hơn nhưng tên lửa đạn đạo Nodong-1 lại khá thất vọng về mặt kỹ thuật. Tên lửa vẫn sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính như được trang bị trên tên lửa Hwasong-5/6.

Đối với kiểu dẫn đường quán tính khi tầm bắn càng xa thì bán kính lệch mục tiêu càng lớn. Con số này của tên lửa Nodong được xác định vào khoảng 2km. Dù có độ chính xác không cao nhưng Nodong-1 vẫn có thể gây nguy hiểm lớn nếu nó đánh trúng thành phố đông dân cư.

Dù vậy, Nhật Bản có hệ thống đánh chặn tối tân nhiều tầng, nhiều lớp với sự kết hợp các hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp PAC-3 và tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3. Vì thế, Nodong-1 có thể không phải là mối đe dọa quá lớn.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bình Đức

Bình luận(0)