Khám phá “lá chắn” chống đạn, tên lửa trên xe tăng

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài lớp giáp, xe tăng hiện đại ngày nay còn trang bị hệ thống phòng vệ chủ động cho phép nó đánh chặn được mọi vũ khí diệt tăng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các súng chống tăng cá nhân, tên lửa chống tăng có điều khiển,… vị trí bá chủ chiến trường của xe tăng đang bị lung lay khi lớp giáp thép khó có thể chịu được sức công phá khủng khiếp từ vũ khí diệt tăng.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp tăng cường khả năng bảo vệ của giáp như giáp phức hợp, giáp phản ứng nổ ERA … đã được đưa ra, nhưng chỉ giải quyết được phần nào vấn đề. Giáp phản ứng nổ khiến cho bộ binh khó có thể bám theo hộ tống xe tăng, nhưng lại dễ bị đạn đầu nổ kép hạ gục.
Điều đó khiến các nhà kĩ thuật quân sự phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục. Yêu cầu đặt ra là cần có một hệ thống vô hiệu hóa đạn diệt tăng trước khi chúng chạm vào xe tăng. Giáp xe tăng chỉ là “phòng tuyến cuối cùng”, chứ không phải là lá chắn duy nhất bảo vệ kíp xe. Cùng với đó, với một số loại xe bọc thép hạng nhẹ, không thể tăng được độ dày giáp, nhưng vẫn phải tăng cường khả năng bảo đảm an toàn cho một số lượng lính bộ binh đông đảo. Cần thiết phải có những phương án bảo vệ hiệu quả, nhưng không quá nặng nề như tăng độ dày giáp.
 Những lớp giáp thép (kể cả bọc giáp ERA) đã trở nên quá mỏng manh trước vũ khí diệt tăng.
Trên cơ sở đó, đã ra đời những hệ thống phòng ngự chủ động (APS-Active Protection System). Dựa theo nguyên lí đánh chặn, có thể chia ra chế áp “cứng” và chế áp “mềm”:
Hệ thống chế áp cứng: “ERA tầm xa”
Hệ thống chế áp cứng là đánh chặn đạn diệt tăng bằng xung lực của lượng nổ và bi kim loại cứng. Đạn đánh chặn sẽ phát nổ, tung ra vô số bi kim loại tạo ra “tấm màn thép” bảo vệ xe tăng. Bất kì đầu đạn diệt tăng nào lao qua tấm màn thép đó đều bị phá hủy, hoặc chí ít là làm chệch hướng, giảm xung lực xuyên.
Nguyên lí này cũng gần giống giáp phản ứng nổ ERA, nhưng chỉ khác là đánh chặn tầm xa, không đợi đến khi đạn diệt tăng chạm vào thân xe.
Tiêu biểu cho các hệ thống chế áp “cứng” là Drozd của Liên Xô/Nga – cường quốc đứng đầu thế giới về tăng – thiết giáp. Hệ thống này được thiết kế thành công vào giai đoạn 1977-1978 trong bí mật tuyệt đối.
Năm 1983, nhóm thiết kế đứng đầu là A.Shipunov tổ chức lắp đặt hệ thống Drozd lên xe tăng T-55AD tại nhà máy ở Lviv, Ukraine. Đây là biến thể xe tăng dành cho Hải quân đánh bộ Liên Xô, nên cần gia tăng khả năng phòng vệ mà vẫn đảm bảo khả năng việt dã tốt. Ngay sau đó, các xe tăng T-55 hiện đại hóa này được đưa vào kho dự trữ chiến lược, để đảm bảo bí mật và ưu thế trước vũ khí phương Tây.
 Các hệ thống phóng đạn của Drozd được bố trí quanh tháp pháo xe tăng T-55AD.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, nhận thấy hạn chế của cố hữu của giáp ERA cũng như các hệ thống chế áp “cứng” – đó là gây nguy hiểm cho bộ binh hộ tống xe, nên hệ thống Drozd-2 ra đời, bỏ qua góc 120 độ phía sau xe để bộ binh bám theo. Góc phía sau này sẽ được bảo vệ bởi các giáp phụ. Drozd-2 cũng tăng cường khả năng bảo vệ góc cao, trọng lượng của hệ thống cũng nhẹ hơn (800kg so với 1.000kg của Drozd).
Drozd sử dụng radar sóng cực ngắn 24,5GHz để trinh sát phát hiện đạn diệt tăng của địch phóng tới. Hai anten cùng với 18 ống phóng đạn đánh chặn 107mm chứa các bi kim loại 3g, được chia đều ra đặt hai bên thành xe, đảm bảo khả năng phát hiện và phản ứng từ mọi hướng. Giới hạn về tốc độ có thể đánh chặn được của đạn diệt tăng lần lượt là 70-700m/s với Drozd và 50-500m/s với Drozd-2. Các viên đạn có tốc độ dưới 50-70m/s được coi là không nguy hiểm với xe tăng, nên hệ thống không đánh chặn. Hệ thống Drozd đã trải qua thực chiến ở Afghanistan, với hiệu quả rất cao, đảm bảo hiệu suất đánh chặn từ 70%-80%. Đạn bị đánh chặn ở cách xe tăng 7m.
Sau những biến cố về chính trị ở Liên Xô và Đông Âu những năm 1990, nhiều công nghệ phòng ngự chủ động của xe tăng bị thất thoát ra bên ngoài. Để không bị tụt hậu, Nga tiếp tục phát triển hệ thống phòng ngự chủ động Arena nổi tiếng, trang bị trên các xe tăng T-80 và xe chiến đấu bộ binh BMP-3.
 Thành phần hệ thống phòng vệ chủ động Arena biến thể mới được lắp đặt trên xe tăng nâng cấp T-72.
Hệ thống này tiếp tục thừa hưởng những ưu việt của Drozd, các đạn đánh chặn nổ chúc thấp hướng xuống dưới để bảo vệ bộ binh hộ tống xe tăng. Các radar đa năng sóng mm của Arena được bố trí bao phủ đều xung quanh thân xe, ưu tiên hướng phía trước và trên cao, để đối phó với những tổ săn tăng mai phục trên nhà cao tầng trong tác chiến đô thị.
Arena phát hiện được đạn diệt tăng từ cự li 50m, có thể đánh chặn mục tiêu chỉ sau 0,07 giây, khoảng cách giữa các lần đánh chặn từ 0,2-0,4 giây, cơ số đạn đánh chặn từ 22-28 quả. Hệ thống Arena đã được thử nghiệm trong chiến tranh Chechnya, và đã tỏ ra rất hiệu quả. Ngay cả một quốc gia thuộc thế giới tư bản như Hàn Quốc cũng đã mua và trang bị biến thể xuất khẩu Arena-E cho xe tăng K2 Black Panther.
Hệ thống khác cũng được Liên Xô phát triển, đó chính là Zaslon, với tham vọng có thể đánh chặn cả đạn lõm và đạn xuyên. Tuy nhiên, Zaslon tỏ ra không triển vọng như Arena. Sau khi Liên Xô tan rã, Viện nghiên cứu Kharkiv Morozov ở Kharkov và nhà máy sản xuất xe tăng trên đất Ukraine tiếp tục phát triển Zaslon, được quảng cáo là có thể đánh chặn đạn diệt tăng với tốc độ 1.200m/s, trọng lượng 130kg.
Ngoài Nga, một quốc gia cũng rất mạnh về lực lượng tăng – thiết giáp là Isarel cũng có các hệ thống chế áp “cứng” rất tiên tiến. Trên cơ sở kinh nghiệm tác chiến xe tăng qui mô lớn trong suốt chiều dài lịch sử, Isarel đã nghiên cứu trang bị hệ thống phòng ngự chủ động Rafale Trophy ASPRO-A.
Anten (hình oval) của radar EL/M 2133 thuộc hệ thống phòng vệ chủ động Trophy trên xe tăng Merkava.
Hệ thống sử dụng radar EL/M 2133 băng tần F/G với 4 anten bao quát 360 độ, chỉ thị mục tiêu đánh chặn cho các đạn đánh chặn đặt xung quanh tháp pháo. Trophy ASPRO-A có giá 200.000 USD mỗi hệ thống, có trọng lượng rất nhẹ (454kg so với Arena nặng đến 1.300kg).
Tại Lebanon năm 2009, Trophy ASPRO-A đã bảo vệ rất tốt các xe tăng Merkeva kiểu cũ, với hơn 1.000 quả đạn chống tăng được các chiến binh Hezbollah bắn ra, nhưng chỉ có 52 xe bị hư hại.
Sau đó, Isarel tiếp tục cho ra đời hệ thống Iron Fist, được dẫn bắn bằng radar và cả hồng ngoại. Thông số về hệ thống này hiện chưa rõ ràng, nhưng được quảng cáo là có chi phí rẻ, xác suất đánh chặn cao, kể cả trong môi trường tác chiến đô thị. Đặc biệt, Iron Fist có thể đánh chặn ngay cả các đạn xuyên động năng, không chỉ các đầu đạn lõm.
Hệ thống chế áp mềm
Các hệ thống chế áp “cứng” có hiệu quả rất cao, nhưng vẫn có nhiều hạn chế: tầm phản ứng ngắn (chỉ khoảng 50m trở xuống), gây nguy hiểm cho bộ binh … Đồng thời, trước những đòn đánh đồng loạt của nhiều súng chống tăng ở tầm gần, các hệ thống chế áp “cứng” rất khó phản ứng kịp. Đặc biệt, Nga đã phát triển súng chống tăng RPG-30, có hai nòng, một nòng bắn ra đạn “nhử mồi” lừa hệ thống phòng ngự chủ động, sau đó mới bắn ra đầu đạn chính PG-29V tiêu diệt xe tăng, khiến hệ thống phòng ngự không phản ứng kịp.
Do đó, những hệ thống chế áp “cứng” chủ yếu được trang bị cho xe tăng trong những tình huống hành tiến cơ giới tốc độ cao, đột phá mạnh. Việc hạn chế sự yểm hộ của bộ binh là một vấn đề rất lớn với các hệ thống chế áp “cứng”.
Trước những hạn chế của các hệ thống chế áp “cứng”, cần thiết phải có những phương án chế áp khác hiệu quả hơn. Đối thủ nguy hiểm nhất của xe tăng là các tên lửa chống tăng có điều khiển tầm xa, lái bám đường lade bán tự động (SACLOS). Các tên lửa này có tốc độ cao và được dẫn bắn rất chính xác, bám đuổi xe tăng rất tốt. Để đối phó với chúng, cần một hệ thống đối kháng quang – điện tử, làm nhiệm vụ theo dõi, phát hiện và phá hoại quá trình dẫn bắn laser của các tên lửa chống tăng này.
 Hai đèn hồng ngoại đặt cạnh pháo chính 125mm thuộc thành phần hệ thống phòng vệ Shtora-1 trên xe tăng T-90.
Nga tiếp tục đi đầu với hệ thống Shtora-1, sử dụng 2 cảm biến tổng quát TShU-1 và 2 cảm biến chính xác TshU-1-11 để phát hiện và cảnh báo cho xe tăng khi bị tia lade chiếu vào. Hệ thống có thể bao quát 360 độ, lập tức chiếu đèn lade gây nhiễu, phóng lựu đạn khói che phủ đội hình, bắn đạn pháo sáng “làm mù” hoàn toàn tên lửa chống tăng. Hệ thống an toàn với bộ binh, có tầm bảo vệ xa, không bị hạn chế bởi cơ số đạn như các hệ thống chế áp “cứng”. Đây là hướng phát triển rất triển vọng của hệ thống phòng ngự chủ động APS.
Với người Mỹ thì có thiết bị phản ứng chống tên lửa AN/VLQ-8A của hãng Sander (thuộc Tập đoàn Lockheed Martin) có thể chống lại một lượng lớn tên lửa chống tăng có điều khiển. Hơn 1.000 hệ thống đã được giao cho Quân đội Mỹ, được đánh giá là dễ sử dụng, có độ bền cao lên đến 400 giờ.
Tuy nhiên, hệ thống này tỏa ra một lượng lớn tia hồng ngoại có thể đốt cháy mắt và da người đứng trước nó. Vì vậy, binh sĩ được khuyến cáo không nên nhìn vào thiết bị này trong tầm 4m.
Ngoài ra, còn có một mảng của hệ thống phòng ngự chủ động, tuy hẹp hơn, nhưng cũng rất quan trọng - chống các xạ thủ súng bắn tỉa hạng nặng. Đó chính là hệ thống Antisnaypera của Nga, được trang bị trên các xe tăng PT-76 nâng cấp. Loại xe tăng này có giáp mỏng, nên rất dễ dàng bị xuyên thủng bởi súng bắn tỉa hạng nặng.
Do đó, hệ thống Antisnaypera giúp phát hiện các thiết bị quang học của súng bắn tỉa, cũng như kính ngắm quang học của súng chống tăng, để kíp xe kịp phản ứng. Khi có Antisnaypera, các xạ thủ bộ binh chỉ có thể sử dụng thước ngắm cơ khí, khiến khả năng chiến đấu bị hạn chế. Nếu họ liều lĩnh sử dụng kính ngắm quang học, xe tăng có thể lập tức khai hỏa các loại đại liên, súng phóng lựu liên thanh tiêu diệt xạ thủ ngay lập tức.
Với hệ thống phòng ngự chủ động APS, xe tăng được bảo vệ bởi những phòng tuyến dày đặc: đối kháng quang điện tử, gây nhiễu tầm xa, đạn đánh chặn tầm gần, giáp phản ứng nổ ERA… Điều đó sẽ giúp duy trì vị thế bá chủ của xe tăng trên chiến trường.
Lương Minh

Bình luận(0)