Khám phá kho súng máy của bộ đội Việt Nam (kỳ 2)

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài các súng máy PK/PKM Liên Xô, Việt Nam được cho là đã mua thiết kế FN Minimi của Bỉ để trang bị hạn chế cho một số đơn vị.

Đại liên PK/PKM/PKMS
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, các quốc gia đều phải nể phục người Đức ở suy nghĩ “súng máy đa năng” của họ với những khẩu MG-34, MG-42 huyền thoại, đặc biệt ở tính kinh tế và khả năng hậu cần. Quân đội Liên Xô lúc này cần một khẩu súng máy có thể sử dụng trong tất cả các chức năng như vũ khí hỏa lựa tiểu đội bộ binh, súng lắp trên xe tăng, máy bay sử dụng đạn 7,62x54R.
Kết quả là năm 1961 thiết kế của nhà chế tạo nổi tiếng Kalashnikov đã được chấp thuận đưa vào biên chế Quân đội Liên Xô với tên gọi PK gồm 4 phiên bản chính: súng máy PK hạng nhẹ hỏa lực cấp tiểu đội bắn từ giá tích hợp sẵn (giá 2 chân); súng máy PKS hạng trung bắn từ giá 3 chân; súng máy đồng trục gắn trên xe tăng PKT và phiên bản gắn trên xe thiết giáp hoặc máy bay trực thăng PKB. Đến năm 1969 dòng súng máy này được nâng cấp đồng loạt và có tên mới là PKM, tương ứng cũng có PKMS và PKMT.
PKM với giá 3 chân biên chế trong quân đội ta.
Các phiên bản sao chép của PKM được sản xuất và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước như Bulgaria, Trung Quốc, Iran, Ba Lan, Serbia, Việt Nam... cả ở cỡ đạn 7,62x54R hay 7,62x51NATO.
Đại liên PK sử dụng cơ chế trích khí, làm mát bằng không khí, băng đạn dây và một chế độ bắn duy nhất là liên thanh. Nòng súng có thể dễ dàng thay thế, hộp đạn tiêu chuẩn của PK là 100 viên nhưng cũng có hộp 200 hoặc 250 viên (cho PKS). Dây đạn được nạp sẵn trong hộp, và hộp đạn này gắn ngay chính giữa thân dưới của súng giúp tạo thuận lợi cho di chuyển.
Xạ thủ PKMS nhắm bắn.
Báng của PK làm bằng gỗ với thiết kế giúp xạ thủ giữ chặt súng, giảm độ rung khi bắn, và tay cầm bằng gỗ hoặc nhựa tổng hợp. Giá 2 chân của PK đặt gần giữa nòng súng chứ không phải về gần phía đầu nòng như RPK, RPD. Bên cạnh đó PK/PKM khi cần có thể lắp vào giá 3 chân thiết kế bởi Samozhenkov để biến thành khẩu PKS, giá 3 chân này có cơ chế đặt biệt giúp tùy chỉnh về góc bắn và hướng bắn, và có thể đảm đương tốt chức năng phòng không.
Thước ngắm trên PK/PKM chia tầm bắn đến 1.500m và cơ chế canh lượng gió. Một số phiên bản PK còn có khay lắp thiết bị ngắm bắn như PKN, hiện nay các phiên bản PKM/PKMS được lực lượng đặc nhiệm Nga (Spetsnaz) đều có khay tích hợp thiết bị lên súng như kính nhìn đêm, kính ngắm nhanh Holographic, ACOG.
Sau này khi PKM ra đời có một chút khác biệt so với PK như nòng ngắn hơn một chút (645mm so với 658mm), nhẹ hơn, ngoài nòng súng không xẻ rãnh, giá 3 chân Stepanov mới nhẹ hơn, có chỗ đựng hộp đạn giúp di chuyển súng trên chiến trường không phải tháo hộp đạn ra và lắp lại khi đến vị trí bắn.
Tóm lại, PKM là vũ khí yểm trợ cấp tiểu đội rất tốt, hỏa lực mạnh, giá rẻ dễ bảo trì bảo dưỡng nên hiện nay nó là vũ khí ưa thích của các lực lượng vũ trang nhiều nước lẫn các tổ chức quân sự qui mô nhỏ.
PKMS ở Việt Nam thường lắp giá 3 chân. Ảnh: diễn đàn quansuvn
Trong Quân đội Việt Nam, PK/PKM/PKMS mặc dù đã tự sản xuất nhưng được trang bị không nhiều bằng RPD, chúng chủ yếu trang bị ở các đơn vị “thiện chiến” như bộ binh cơ giới, các sư đoàn bộ binh chủ lực của các quân khu, quân đoàn và trong lực lượng Hải quân đánh bộ.
Thông số kỹ thuật PK/PKM/PKMS
Cỡ nòng: 7,62x54R
Khối lượng: 7,5 kg không đạn
Dài: 1160 mm
Chiều dài nòng: 645 mm
Cơ chế tiếp đạn: Hộp đạn dây 100, 200 hoặc 250 viên
Tốc độ bắn: 650 viên/phút
Sơ tốc đầu nòng: 825 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 1.500 m
Trung liên FN Minimi Para (Bỉ)
Súng máy Minimi được công ty FN Herstal của Bỉ bắt đầu nghiên cứu phát triển cuối những năm 1970 đầu 1980. Bắt đầu sản xuất hàng loạt năm 1982 và cũng được Quân đội Mỹ đưa vào biên chế với định danh M249 SAW. Kể từ khi được ra mắt Minimi đã có rất nhiều biến thể và được sử dụng rất rộng rãi trong quân đội nhiều quốc gia.
Đầu tiên là phiên bản Para (lính dù) với nòng ngắn và báng rút, khẩu súng chấp nhận giảm sức mạnh và tầm bắn để tăng khả năng gọn nhẹ và dễ dàng sử dụng, tiếp đó là phiên bản SPW dành cho lực lượng đặc nhiệm, với báng rút giống với Para, chiều dài nòng dài hơn bản Para nhưng ngắn hơn bản tiêu chuẩn, giá Picatinny để gắn kính ngắm hay thiết bị phụ trợ. Để giảm khối lượng, tuy chọn nạp đạn từ dây lẫn băng đạn cong giống Para bị loại bỏ, thay vào đó là chỉ nạp được bằng dây đạn và được lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng với tên gọi Mk.46 Model 0.
Minimi Para có thể dễ dàng thay nòng với tay cầm phụ.
Súng máy FN Minimi thực sự là một thiết kế thành công với những ưu điểm về độ tin cậy và sức mạnh hỏa lực, thậm chí những báo cáo về hỏng hóc của M249 SAW ở Iraq chỉ đơn giản có nguyên nhân là tuổi thọ của chúng đã hơn 10 năm và hỏng vì sử dụng quá nhiều.
FN Minimi có cơ chế thay nòng nhanh giống PKM hay Negev, thậm chí có tay nắm giúp đơn giản hóa công việc này. Và cũng giống như Negev, Minimi có 2 cơ chế tiếp đạn: sử dụng dây đạn lẫn sử dụng băng đạn cong dạng M16. Tốc độ bắn khi sử dụng dây đạn đạt 750 viên/phút trong khi sử dụng băng cong là 1.000 viên/phút.
Các phiên bản SPW và Mk46 mới nhất chỉ sử dụng cơ chế nạp đạn bằng dây để giảm khối lượng, dây đạn 200 viên được đặt trong hộp nhựa tổng hợp gắn dưới súng. Giá 2 chân có thể chỉnh độ cao với 3 nấc chỉnh đi kèm với súng nhưng khi cần nó có thể dễ dàng gắn vào giá 3 chân hoặc gắn lên xe cơ giới.
Cơ chế lắp băng đạn con 30 viên trên Minimi Para.
Theo một số nguồn tin, Việt Nam cũng mua FN Minimi nhưng là phiên bản Para với báng rút, tuy vậy thì số lượng chưa được nhiều như Negev.
Thông số kỹ thuật FN Minimi Para
Cỡ nòng: 5,56x45mm
Khối lượng: 6,56kg không đạn - 9,55kg với hộp đạn 150 viên
Dài: 914/766mm (Báng mở/báng rút)
Chiều dài nòng: 349 mm
Cơ chế tiếp đạn: Hộp đạn dây 200 viên hoặc băng đạn 30 viên
Tốc độ bắn: 850-1150 viên/phút
Sơ tốc đầu nòng: 866 m/s
Tầm bắn hiệu quả: 1.000 m

Quang Minh

Bình luận(0)