Israel chế tạo “sát thủ diệt chim sắt” đầu tiên thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Đó là quá trình phát triển kéo dài 10 năm, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Israel mới đạt được thành công trong phát triển tên lửa không đối không.

Khi cuộc khủng hoảng kênh đào Suez những năm 1950 lan rộng, Israel khi đó xúc tiến việc tìm kiếm biện pháp nâng cao khả năng quốc phòng của mình bằng cách mua vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, Mỹ đã viện trợ kinh tế, nhưng tránh cung cấp vũ khí. Trong những năm đó, Pháp là nước chủ yếu cung cấp vũ khí hiện đại cho Israel.
Tên lửa không đối không Nord 5103 (hay còn gọi là AA.20).
Trong lĩnh vực tên lửa có điều khiển dùng cho không chiến, năm 1959, Israel đã mua 40 tên lửa không đối không Nord 5103 (Pháp sản xuất, tầm bắn 4km) trang bị cho tiêm kích Super Mystere do Dassault Aviation sản xuất. Tuy nhiên, Nord 5103 dù là có điều khiển nhưng lại là kiểu lái bằng tay. Các tên lửa mà Israel gọi là Tahmas này được thừa nhận là không có triển vọng ở nước này do điều khiển phức tạp. Tên lửa Matra R.530 tốt hơn của Pháp cuối những năm 1950 mới bắt đầu được nghiên cứu, mà Israel không thể có được tên lửa AIM-9B Sidewinder mới của Mỹ điều khiển bằng đầu tìm nhiệt GSN thụ động.
“Thùng dầu phụ bị vứt đi”
Năm 1959, Không quân Israel đưa ra yêu cầu nghiên cứu chế tạo tên lửa không đối không có GSN tìm nhiệt. Hợp đồng nghiên cứu chế tạo tên lửa có điều khiển Shafrir (Chuồn chuồn) đã được ký kết với hãng Rafael Armament Development Authority vào tháng 3/1959. Đây không chỉ là chế tạo tên lửa, mà là xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm. Hillel Bar-Lev trở thành người lãnh đạo dự án này.
Phương án đầu tiên của Rafael và Hillel Bar-Lev là nỗ lực chế tạo tên lửa mới tầm bắn ngắn có kết cấu hoàn toàn của mình để đánh gần. Tuy nhiên, thử nghiệm các nguyên mẫu đã thất bại hoàn toàn. Hai năm sau khi triển khai dự án, các nhà nghiên cứu hoàn toàn thấy rõ rằng tên lửa hóa ra là không đạt, kích thước bao hình quá nhỏ của tên lửa (dài 2 m, đường kính thân 110 mm, khối lượng 30 kg) không cho phép thay đổi tình hình và thực hiện các công việc hoàn thiện kết cấu gì đáng kể.
 5 đời tên lửa không đối không của Israel, quả dưới cùng là Shafrir 1.
Các nhà thiết kế đã đề nghị tăng đường kính thân lên 140 mm, chiều dài tên lửa đến 2,5 m, khối lượng đầu đạn từ 11-30 Kg và trang bị cho nó các tấm ổn định trên cánh lái (như của AIM-9B Sidewinder) như là những biện pháp có thể cải thiện tình hình. Khi đó, khối lượng tên lửa khi phóng tăng lên hơn hai lần - từ 30 lên 65 Kg, cự ly bắn ở độ cao thấp tăng từ 1,5-3 Km, còn ở độ cao khoảng 10.000m tăng từ 3-9 Km.
Dù tính năng của tên lửa không đáp ứng được các yêu cầu được đặt ra cho nó, Không quân Israel do quá cần đến tên lửa, ngày 27/12/1962 đã quyết định mua 200 quả để trang bị cho tiêm kích Mirage IIIC. Các cải tiến tên lửa mà hãng Rafael đề xuất đã không được áp dụng do lo ngại là việc nâng cấp sẽ làm chậm triển khai tên lửa cho không quân.
Tháng 3/1963, ở Pháp đã tiến hành các thử nghiệm đầu tiên dùng tên lửa có điều khiển Shafrir bắn vào bia cơ động. Kết quả thật thất vọng, Shafrir tỏ ra hoàn toàn không thể tiêu diệt những mục tiêu như vậy. Nhưng dẫu sao cũng đã có quyết định là năm 1963 tên lửa sẽ được trang bị cho tiêm kích Mirage IIIC. Dự kiến, đồng thời với việc Không quân Israel chấp nhận đưa vào trang bị, Rafael sẽ hoàn tất chương trình nâng cấp tên lửa và sẽ có những cải tiến về kết cấu tên lửa (thay đổi chủ yếu là lắp ngòi nổ kích hoạt từ xa). Ngày 4/11/1963 Shafrir chính thức được đưa vào trang bị cho Không quân Israel. Ngày 6/12/1965 số tên lửa được đặt sản xuất bị hạn chế là 120 quả cùng 50 giá phóng.
Tuy nhiên, các phi công Israel đã chọn pháo thay cho tên lửa do độ tin cậy của thế hệ tên lửa có điều khiển không đối không đầu tiên kém, còn Shafrir do kém hiệu quả nên thậm chí được gọi là “thùng dầu phụ bị vứt đi”. Shafrir bị phê phán vì tầm bắn gần, tính năng kém, nhất thiết phải phóng về hướng loa phụt của động cơ máy bay địch.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu của Shafrir được đánh giá là 21% nếu không dùng ngòi nổ từ xa và 47% nếu dùng ngòi nổ này. Việc Mirage IIIC sử dụng Shafrir trong tác chiến thực cũng xác nhận hiệu quả thấp của loại tên lửa này. Trong mười lần được phóng đi trước, trong và sau cuộc Chiến tranh 6 ngày chỉ có 3 máy bay bị bắn rơi: ngày 5/6/1967– MiG-21 của Không quân Ai Cập, ngày 2/2 và 29/5/1969 - MiG-21 của Không quân Syria.
Do hiệu suất kém cỏi trong tác chiến, tháng 12/1970, Shafrir-1 chính thức bị loại khỏi trang bị của Không quân Israel.
 Tiêm kích đánh chặn Mirage IIIC.
Chuồn chuồn sát thủ
Thừa nhận Shafrir-1 không đáp ứng yêu cầu của không quân về tính năng, song song với việc cung cấp nó cho Không quân Israel, Rafael đã bắt đầu việc nghiên cứu chế tạo phiên bản mới, Shafrir-2. Dự án tên lửa mới bắt đầu được triển khai đầy đủ từ ngày 25/3/1964.
Thoạt đầu, việc nghiên cứu do Hilel Bar-Lev lãnh đạo, nhưng đến tháng 5/1964 tiến sĩ Zeev Bonen đã thay ông. Để giảm thiểu mạo hiểm công nghệ khi nghiên cứu, Shafrir-2 được chế tạo như phương án tăng kích thước của Shafrir-1. Một số nguồn tin nói, điều mới về nguyên tắc trong tên lửa là ngòi nổ điện từ từ xa, trong khi một số khác quả quyết là khi thiết kế tên lửa mới cả đầu tự dẫn, cả ngòi nổ quang điện tử từ xa đều là lấy từ Shafrir-1.
Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày, quân đội Israel đã thu được ở sân bay Bir-Gafgafa của Ai Cập trên bán đảo Sinai gần 80 tên lửa không đối không K-13 do Liên Xô sản xuất (khoảng 40 quả còn tốt và chừng đó đã bị tháo rời) và 9 cơ cấu phóng. Mà thực chất K-13 là kết quả sao chép tên lửa AIM-9B Sidewinder của Mỹ. Tháng 12/1967, sau khi thử sự tương thích với trang thiết bị của tiêm kích Mirage IIIC, các tên lửa của Liên Xô đã được đưa vào trang bị cho phi đội số 119 của Không quân Israel.
Đồng thời, bắt đầu từ cuối năm 1962, sau khi Tổng thống Mỹ Kennedy tuyên bố về “quan hệ đặc biệt” với Israel và cung cấp cho nước này thiết bị quân sự, Mỹ bắt đầu đẩy người Pháp ra khỏi thị trường vũ khí Israel.
Và sau cuộc Chiến tranh 6 ngày, khi Pháp cấm vận vũ khí của mình đối với Israel, cuối cùng Mỹ đã bán (năm 1968) cho Israel tên lửa Sidewinder đầu tiên là loại AIM-9B Barkan, sau đó là cả АIМ-9D Deker. Những việc này, dù tiến trình chế tạo Shafrir-2 đang rất thành công, thiếu chút nữa đã làm dự án phải dừng lại. Bởi vì tuy về tính năng tên lửa của Israel vượt trội hơn AIM-9B, nó vẫn thua kém АIM-9D được trang bị đầu tự dẫn GSN hồng ngoại IK được làm mát và ngòi nổ điện từ từ xa. Ngoài ra, Shafrir-2 lại đắt gần gấp đôi tên lửa AIM-9D và đắt hơn AIM-9B cả chục lần.
 Mirage IIICJ mang 2 đạn Shafrir-2.
Dù sao ban lãnh đạo hãng Rafael đã tìm được những đòn bẩy cần thiết để thuyết phục chính phủ Israel cần tiếp tục chương trình nghiên cứu Shafrir-2. Ngày 9/3/1969 đã có đặt hàng đầu tiên sản xuất hàng loạt Shafrir-2. Sau đó, mọi chuyện tiến triển nhanh chóng, ngày 14/4, Không quân Israel bắt đầu tiếp nhận tên lửa. Ngày 1/7/1969 Israel đã công bố chính thức về sự sẵn sàng chiến đấu của tên lửa, và ngay ngày hôm sau (2/7), tên lửa có điều khiển Shafrir-2 đã bắn rơi chiếc MiG-21 đầu tiên của Không quân Ai Cập.
Bề ngoài Shafrir-2 trông như AIM-9B, nhưng đường kính thân tên lửa của Israel lớn hơn. Đầu tìm nhiệt tự dẫn của tên lửa chỉ có thể bắt được mục tiêu khi phóng tên lửa ở bán cầu sau. Khi đầu tự dẫn GSN của tên lửa bắt được mục tiêu thì trong tai nghe của phi công sẽ vang lên tín hiệu thông báo. Shafrir-2 có độ tin cậy cao hơn K-13 của Liên Xô.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày định mệnh, Shafrir-2 đã “đẩy vào bóng tối” tên lửa AIM-7 và AIM-9, phần đầu đạn của nó đủ để tiêu diệt MiG-21, trong khi đó một quả AIM-9 có khi chỉ gây hư hỏng nặng cho máy bay này. Cự ly bắn của Shafrir-2 ở độ cao thấp tới 5km, độ cao có thể sử dụng đến 18.000 m, tốc độ 2,5 Mach, khối lượng phóng 93kg. Shafrir-2 có khả năng cơ động với quá tải đến 6G.
Năm 1973, trong cuộc chiến tranh Ngày định mệnh, tên lửa này đã tỏ ra là hiệu quả nhất trong Không quân Israel. Trong số 176 lần phóng, nó đã tiêu diệt 89 máy bay của Ai Cập và Sirya, hay là 32,1% tổng số máy bay của hai nước này.
Tên lửa Shafrir-2 được sản xuất cho đến tháng 6/1978, trong thời gian này 925 tên lửa chiến đấu và 65 biến thể huấn luyện đã ra lò (kể cả số đã xuất khẩu). Năm 1980, Shafrir-2 đã được đưa ra khỏi trang bị (dù vậy nó tiếp tục được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác). Trong 11 năm có mặt trong trang bị, Shafrir-2 đã bắn rơi 106 máy bay.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)