Ra đời từ cuối những năm 1950, tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-17 Elbrus là sản phẩm của cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh Lạnh. Từ nguyên mẫu ban đầu được phát triển và sử dụng bởi Liên Xô, R-17 đã dần dần có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, được sao chép, cải tiến và nâng cấp, thậm trí là khác xa với phiên bản gốc. Chúng thường được phương Tây gọi chung là Scud hay Scud B, dòng tên lửa đạn đạo thành công nhất trong lịch sử.
Dễ dàng bảo quản, sử dụng, độ tin cậy cao và giá cả phải chăng chính là những điểm cộng giúp R-17 có mặt trong kho vũ khí của hơn 30 quốc gia cũng như được sao chép một cách rộng rãi, trong cả trường hợp có phép hay không có giấy phép.
R-17 (Scud) được phát triển thế nào?
Chương trình R-17 được nhen nhóm từ đầu năm 1956, mục đích hướng tới sự thay thế cho những tên lửa hạt nhân chiến thuật thế hệ đầu R-11 (Mỹ, NATO hay gọi là Scub A). Chúng có nguồn gốc sâu xa từ mẫu thiết kế V2 của Đức Quốc xã, tên lửa đạn đạo hiện đại đầu tiên của loài người.
|
Các hệ thống R-17 Elbrus trong biên chế quân đội Liên Xô.
|
Nhờ những cải tiến về mặt kỹ thuật thiết kế, sử dụng nhiên liệu, R-17 vẫn là tên lửa một tầng đẩy nhưng sở hữu tính năng tác chiến tốt, độ ổn định cao hơn hẳn so với thế hệ đầu R-11.
Tên lửa có kích thước tổng thể dài 11,2 m, đường kính 0,88 m, nặng 5,8 tấn, mang một đầu đạn duy nhất, tầm bắn 300km. Scub B có thể duy trì được tình trạng tốt trong khoảng hơn 20 năm mà không cần có sự can thiệp lớn về mặt kỹ thuật. Chúng có thể được đặt trên các xe phóng di dộng bánh lốp hoặc trên một khung gầm xe bánh xích. Đầu đạn cho tên lửa là loại thông thường (nặng 1 tấn), hóa học hoặc hạt nhân.
Trong những năm 1960, tên lửa được sản xuất hàng loạt tại nhà máy Votkinsk ở Udmurt vùng Ural. Sau khi vượt qua một loạt các bài kiểm tra cấp nhà nước tại bãi thử Kapustin, R-17 chính thức có mặt trong biên chế của quân đội Liên Xô từ tháng 3/1962. Vào thời của mình, các tên lửa R-17 phiên bản hạt nhân đóng vai trò nòng cốt ở tầm chiến thuật trong lực lượng bộ đội tên lửa Liên Xô. Đầu đạn hạt nhân được phát triển bởi Trung tâm kỹ thuật hạt nhân Chelyabinsk 70. Phiên bản thông thường sau đó đa số là để xuất khẩu.
Giai đoạn 1960-1980, Liên Xô đã viện trợ cho các đồng minh cũng như cung cấp cho các khác hàng trên khắp thế giới của mình một số lượng khổng lồ Scud. Khoảng 1.000 tên lửa được bán (và viện trợ) cho các nước như Ai Cập, Iraq, Triều Tiên,Cuba, Lybia, Syria và cả Việt Nam.
Nguồn gốc phát triển tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Iran
Loại tên lửa này bắt đầu được sao chép, vài nước có giấy phép để làm việc này, một số thì không. Triều Tiên năm 1984 đã bắt đầu phát triển được phiên bản R-17 nội địa mang tên Hwasong-5, nó được tăng tầm bắn thêm 15% so với phiên bản gốc, hàng trăm tổ hợp đã được sản xuất, thậm trí là bán lại cho nước thứ ba như UAE, Libya, Ai Cập và Pakistan. Từ đó, các bản sao thứ cấp lại tiếp tục được sinh ra.
|
Hwasong-5 của Triều Tiên là một bản Mod rất nổi tiếng của Scud B.
|
Năm 1987, Iraq phát triển thành công R-17 và đặt tên là Al-Hussein, bản này có tầm bắn tốt hơn khoảng 600-650km nhưng trọng lượng đầu đạn lại bị cắt bớt đi. Sau này, họ còn có một bản nâng cấp mang tên Al Abbas có tầm bắn tới 750-900km. Baghdad cũng bán công nghệ ra nước ngoài.
Thậm chí, các kỹ sư Iraq phát triển một biến thể tên lửa đẩy vệ tinh từ Scud. Thân tên lửa được kéo dài ra và có hai tầng, ở tầng đầu, ngoài động cơ chính còn có 4 động cơ phụ. Loại này có thể mang được vệ tinh 330 pound.
Ngày 5/12/1989, với mẫu tên lửa này, cuộc phóng vệ tinh đầu tiên của Iraq được thực hiện tại trung tâm Al Anbar cách Baghdad 140 dặm về phía tây nam. Sau 45 giây, tên lửa bị nổ tung khi đang ở độ cao 15,5 dặm. Chương trình không gian sau đó đã không thể tiếp tục vì chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ.
Kalashnikov của thế giới tên lửa đạn đạo
Scud cũng là một trong dòng tên lửa đạn đạo hiếm hoi được kinh qua trận mạc. Khoảng 3.000 quả tên lửa loại này đã được phóng ra trong khói lửa của các cuộc xung đột diễn ra khắp nơi trên thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Trong chiến tranh Yom Kippur tháng 10/1973, Ai Cập đã bắn 3 tên lửa Scud vào quân Israel có mặt ở khu vực Sinai. Tuy chỉ sát hại được 7 binh sĩ Do Thái nhưng tên lửa đạn đạo Ai Cập lại là một mối đe dọa ghê gớm cho những mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Israel, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến Tel aviv đồng ý với lệnh ngừng bắn sau đó.
Giai đoạn 1979-1989, trong cuộc chiến Afghanistan, Liên Xô cũng đã sử dụng R-17 để chống lại lực lượng Mujahideen ẩn náu trong các hang động và hẻm núi. Các tên lửa được sử dụng trong cự ly gần, thường tấn công các mục tiêu không quá 30 dặm. Điều này nhằm giảm bớt sai số cũng như tăng sức hủy diệt trong các đòn tấn công, vì ngoài đầu đạn 1 tấn, lượng nhiên liệu chưa cháy hết tương đương 160 lít dầu hỏa và hơn 2 tấn axit nitric sẽ xóa sạch dấu vết của sự sống trong khu vực. Khoảng 1.000 quả R-17 đã được Liên Xô sử dụng trong cuộc chiến này.
|
Scud B của quân đội Afghanistan trong những năm 1980.
|
”Cuộc chiến tranh giữa các thành phố” nằm trong giai đoạn xung đột giữa hai nước láng giềng Iraq-Iran thời kỳ 1980-1988 cũng là chiến trường của Scud. Cả hai bên đã bắn khoảng 600 quả tên lửa vào nhau. Sau cuộc chiến hệ thống cơ sở hạ tầng của hai bên đều bị phá hủy nghiêm trọng, đặc biệt là Iraq, những quả Scud đã gần như kết liễu Baghdad.
R-17 còn để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Iraq đã bắn 40 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel và 46 quả khác vào Ả Rập Saudi. May mắn là chúng rơi xuống những vùng dân cư thưa thớt nên thương vong cho dân thường ở mức tối thiểu. Như tại Israel, 2 người chết và 11 người bị thương.
Tuy nhiên, tên lửa Scud đã đánh trúng một doanh trại Mỹ đóng tại thành phố Saudi của Dhahran làm ít nhất 26 lính Mỹ chết, bị thương gần 100 người. Đó là vụ tấn công mang đến mất mát lớn nhất cho liên quân trong vòng một ngày khi họ tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc. Sự kiện này cũng phản ánh những nỗ lực phần thất bại của Lầu Năm Góc, họ đã cố gắng triển khai các hệ thống đánh chặn Patriot trên diện rộng nhưng chỉ có 20% số tên lửa Scud bị tiêu diệt. Có một “sự cố” mà người Mỹ rất muốn quên, đó là 26 tên lửa Patriot không hạ nổi một tên lửa R-17, trong khi chúng đắt đỏ gấp 3 lần đối thủ.
Mới đây nhất, trong cuộc nội chiến Syria, Scud được quân chính phủ dùng để chống lại phe nổi dậy.
Scud và nhiều biến thể của nó vẫn còn đang tiếp tục phục vụ tại nhiều nơi trên thế giới. Những ưu thế về độ tin cậy, giá cả và đơn giản trong bảo quản, sử dụng vẫn là những điểm mạnh đầy giá trị của R-17. Chúng đặc biệt phù hợp với tham vọng làm chủ công nghệ của nhiều nước nhỏ, vốn không có nhiều điều kiện đầu tư nghiên cứu cũng như mua sắm dây truyền sản xuất quá hiện đại.
Scud với vị trí của chúng trong hơn nửa thế kỷ qua xứng đáng với hiệu danh “Kalashnikov của thế giới tên lửa đạn đạo”.