Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Star, phi công, thiếu tướng đồng thời là chuyên gia quân sự Nga, ông Vladimir Popov có bài so sánh về khả năng của 2 chiến đấu cơ MiG-29 của quân đội Nga và F-16 của Mỹ.
Theo tướng Vladimir Popov, MiG-29 và F16 chưa bao giờ trải qua một cuộc không chiến trực tiếp. Tuy nhiên, các dòng máy bay chiến đấu này cùng thế hệ (thế hệ 4) và được thiết kế để thực hiện những nhiệm vụ rất giống nhau, đó là bảo vệ các đơn vị quân đội ở tiền đồn, chiếm ưu thế trên không và tiến hành các cuộc không chiến cơ động.
|
Chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không MiG-29. |
"Đối với đặc điểm tốc độ, chỉ có các phiên bản mới nhất của F-16 mới có tốc độ gần bằng MiG-29, cụ thể MiG-29 có tốc độ là 330 m/s còn F-16 là 270 m/s. Sự khác biệt về tốc độ tối đa cũng lớn là 2,3Мach so với 2,0Мach.
Popov cũng nhấn mạnh rằng, MiG-29 được trang bị 2 động cơ Klimov RD-33, sức đẩy 81.4 kN mỗi chiếc. F-16 được trang bị một động cơ General Electric F110-GE-100.
Việc có 2 động cơ giúp tăng đáng kể khả năng “sống sót” của MiG-29 vì nó có thể bay với một động cơ nếu như một động cơ bị bắn hạ. MiG-29 cũng có thể cất cánh với 1 động cơ, nên cho phép tiết kiệm thời gian cất cánh khi có báo động.
MiG-29 có tầm bay khá ngắn dưới 1.000 km, trong khi ở F-16 là 1.300 km.
Về trang bị vũ khí, MiG-29 được trang bị 1 pháo GSh-30 cỡ nòng 30 mm với cơ số đạn 150 viên. Nó có thể mang được trọng lượng vũ khí 3.500 kg bao gồm 6 tên lửa không đối không loại AA-8 Aphid, AA-10 Alamo, AA-11 Archer, AA-12 Adder, bom FAB 500-M62, FAB-1000, TN-100, ECM Pods, S-24, AS-12, AS-14…
F-16 được trang bị 1 pháo M-61 Vulcan 6 nòng 20mm có tốc độ bắn lên đến 6.000 phát/phút, cùng với các loại vũ khí gắn dưới cánh như tên lửa đối không tầm trung, không đối đất, bom thông minh cũng như các loại bom đạn khác.
|
F-16 thua khả năng cơ động. |
Tuy vậy, Tướng Popov đánh giá pháo của MiG-29 tốt hơn F-16. Theo ông, ngoại trừ tốc độ bắn, còn lại đạn pháo của MiG-29 nhiều hơn, trọng lượng đạn cũng to hơn.
Cũng theo tướng Popov, hệ thống radar của MiG-29 trội hơn F-16 một chút. Do có kích thước lớn hơn, MiG-29 được trang bị radar cảm ứng Zhuk với kính ngắm Sapphire cho phép theo dõi, phát hiện đối phương ở khoảng cách lên đến 200 km. Trong khi đó, F-16 có tầm phát hiện mục tiêu nhỏ hơn một chút.
Trên thực tế, khi tiến hành phân tích kết quả các trận không chiến (có thể xảy ra), chiến thắng vẫn có thể nghiêng về MiG-29. Theo tướng Popov, MiG-29 có thể giành phần thắng bởi một số lý do: tầm phát hiện mục tiêu, tầm ngắm, độ cao, các máy bay MiG-29 có thể tấn công từ trên cao, cộng với khả năng tăng tốc...
"Chính những phi công Mỹ và Canada cũng cho rằng máy bay MiG-29 có hệ thống radar dẫn hướng tốt hơn nhiều so với F-16, chúng được thiết kế để chiếm ưu thế trong các trận không chiến", Tướng Popov kết luận.