Tomahawk đã rất thành công trong vai trò kẻ lĩnh ấn tiên phong trong các cuộc chiến gần đây do Mỹ và đồng minh phát động. Tuy nhiên, nếu được dùng tại Syria thì loại tên lửa hành trình khét tiếng của Mỹ sẽ phải đối mặt với một hậu duệ xuất sắc của hệ thống phòng không “3 ngón tay thần chết” do Liên Xô/ Nga phát triển.
Nga đã chuyển gia số lượng lớn hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2E cho Syria trong giai đoạn 2010-2012 (có nguồn tin cho là khoảng 48 hệ thống) và sau đó lần đầu xuất hiện trong cuộc tập trận của Quân đội Syria vào năm 2012.
Hậu duệ của “3 ngón tay thần chết”
Hệ thống tên lửa phòng không đa kênh tầm trung Buk-M2E là biến thể mới nhất trong “gia đình” họ tên lửa Buk (cây sồi). Hệ tên lửa tự hành này có khả năng tiêu diệt rất nhiều loại mục tiêu bay như máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình, đạn pháo phản lực, các loại bom...và cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, mặt nước có phản xạ sóng radar.
Buk được Liên Xô chế tạo vào đầu những năm 1970 như là một sự phát triển kế thừa của tên lửa 2K12 Kub (NATO định danh là SA-6 Gainful) hay còn được mệnh danh là “3ngón tay thần chết” từ sau những chiến tích lừng lẫy tại Trung Đông. Biến thể đầu tiên của hệ thống Buk là 9K37 (NATO định danh là SA-11). Đến 9K-317 “Buk-M2” là kết quả của rất nhiều lần cải tiến, nâng cấp, nó được phương Tây định danh là SA-17 Grizzly. Biến thể xuất khẩu của Buk-M2 chính là 9K-317E Buk-M2E hay còn được gọi là Ural – được bán cho Syria.
|
Hệ thống phòng không Buk là sự phát triển mang tính kế thừa từ 2K12 Kub (trong ảnh).
|
So với các hệ thống Buk trước kia, Buk-M2E đã mạnh hơn nhiều, đặc biệt về radar và tên lửa. Điều đó càng làm tăng tính “sát thủ” cho một trong những tổ hợp phòng không tầm trung hàng đầu thế giới. Việc sở hữu được nhiều tổ hợp này đã tăng cường đáng kể sức mạnh của lực lượng phòng không Syria. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, khi Damascus phải đang đối diện với nguy cơ từ một cuộc tấn công đến từ Mỹ và các đồng minh Nato.
Nếu chiến tranh Syria bùng nổ thì gần như có thể chắc chắn, Mỹ sẽ lại khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk bên cạnh chiến thuật chế áp phòng không đối phương (SEAD) để mở màn. Trong hoàn cảnh đó, Buk-M2E có thể là vũ khí lợi hại để đánh bại Tomahawk và chiến thuật SEAD. Để trả lời câu hỏi, tại sao Buk-M2E lại có khả năng như vậy thì chúng ta cần phải tìm hiểu rõ hơn về tổ hợp này.
“Mổ xẻ” thành phần Buk-M2E
Cấu trúc đầy đủ của tổ hợp Buk-M2E gồm 2 phần: phần chiến đấu và hỗ trợ đảm bảo chiến đấu.
- Phần chiến đấu tiêu chuẩn gồm: xe chỉ huy 9S510E; một xe radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu 9S18M1-3E; một xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 9S36E; 6 xe phóng tự hành 9A317E; 6 xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316E và 48 đạn tên lửa 9M317.
- Phần đảm bảo chiến đầu gồm: xe trở đạn Ural-5323; xe cẩu nạp đạn 9T31M1; bảo dưỡng kỹ thuật 9V36; xe sửa chữa 9V937, 9V938, 9V894 M1-3E; xe hỗ trợ AG3-M1....
|
Xe chỉ huy 9S510E.
|
Trong phần chiến đấu của tổ hợp, xe chỉ huy 9S510E giữ vai trò trung tâm điều phối hoạt động và liên kết các thành phần khác. 9S510E có nhiệm vụ tự động thu thập, xử lý, đánh giá và hiển thị tình báo đường không trong vùng trời trực ban cũng như trạng thái sẵn sàng chiến đấu của tổ hợp, trên cơ sở đó tổ chức quản lý chặt chẽ các mục tiêu bay để phân công và chỉ huy các xe chiến đấu trong tổ hợp tiêu diệt.
Xe chỉ huy 9S510E thu thập tình báo đường không từ mạng tình báo xa và mạng tình báo nội bộ gồm xe radar trinh sát nhìn vòng 9S18M1-3E, xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa chống mục tiêu bay thấp 9S36E và các radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa trên 6 xe phóng 9A316E. Việc phân công và chỉ huy xạ kích tốp mục tiêu cho các xe phóng có thể được xe 9S510E thực hiện theo 2 phương pháp bằng tay và tự động. Xe chỉ huy cũng đóng vai trò theo dõi, đánh gia và phân tích kết quả sau khi tên lửa được khai hỏa.
|
Xe radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu 9S18M1E.
|
Xe radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu 9S18M1E là tổ hợp radar tự hành sử dụng băng sóng cm để phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho xe chỉ huy 9S510E qua tín hiệu vô tuyến. Ăng ten của xe được thiết kế dưới dạng mảng phát xạ cưỡng bức khe phẳng, có chế độ quét không phận kết hợp giữa quét chùm điện tử và quét cơ khí. 9S18M1E có thể phát hiện các mục tiêu cách nó 160km. Radar làm việc theo chế độ quét thường xuyên hoặc luân phiên tùy vào yêu cầu nhiệm vụ.
Xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 9S36E sử dụng băng sóng cm có công dụng chính để tìm kiếm, phát hiện, bám đuổi, chiếu xạ các mục tiêu bay thấp hoặc cực thấp cho tên lửa trang bị đầu dẫn radar bán chủ động bám sát mục tiêu ở giai đoạn cuối và điều khiển tên lửa bằng lệnh hiệu chỉnh vô tuyến ở giai đoạn hành trình.
Khối ăng ten của xe được thiết kế dưới dạng mảng phát xạ cưỡng bức pha gắn trên cần nâng dài 21m, có chế độ quét chùm điện tử trên hai mặt phẳng kết hợp với việc điều chỉnh phương vị quét cơ khí.
|
Xe radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa 9S36E. |
Radar có thể cùng lúc phát hiện được 10 mục tiêu, bám sát và điều khiển tên lửa diệt 4 mục tiêu, với cự ly phát hiện 120km đối ở độ cao 3km, từ 30km tới 35km ở độ cao từ 10m tới 15m. Xe radar 9S36E vận hành theo chỉ lệnh của xe chỉ huy 9S510E qua tín hiệu vô tuyến, cự ly tối đa giữa 2 xe này là 10km.
Xe phóng tự hành 9A317E giữ vai trò cung cấp hỏa lực chính cho cả hệ thống 9K-317E. Xe được trang bị radar đa năng, thiết bị quang truyền hình, ảnh nhiệt bên cạnh thiết bị liên lạc vô tuyến để kết nối với các thành phần trong hệ thống. Bệ phóng có 2 cần phóng, mỗi cần phóng có 2 ray phóng để gắn 2 tên lửa, có thể quay để chỉnh hướng tên lửa về phía mục tiêu theo chỉ lệnh của xe chỉ huy.
Đài radar đa năng thực hiện các chức năng tìm kiếm, phát hiện, nhận diện mục tiêu, tính toán đường bắn, hiệu chỉnh tên lửa sau khi phóng, chiếu xạ hỗ trợ tên lửa bắt mục tiêu ở giai đoạn cuối. Radar đa năng trên xe phóng tự hành 9A317E sử dụng an-ten mảng cưỡng bức pha lái chùm điện tử.
|
Xe phóng tự hành 9A317E.
|
Nó có khả năng phát hiện các mục tiêu có tiết diện phản xạ hiệu dụng từ 1-2m2 và bay ở độ cao 3km là trên 20km và bay ở độ cao 15m là từ 18-20 km. Radar có thể phát hiện, bắt bám đồng thời 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tấn công 4 mục tiêu. Kính ngắm 2 kênh ảnh nhiệt và quang truyền hình cho phép xe phóng có thể độc lập chiến đấu phòng không trong điều kiện đêm tối, khí tượng phức tạp và bị đối phương chế áp điện tử mạnh.
Thiết bị liên lạc vô tuyến dùng để nhận lệnh từ xe chỉ huy 9S510E, phát tín hiệu phòng không cũng như điều kiển trực tiếp 1-2 xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316E. Cự ly tối đa khi bố trí trận địa giữa xe phóng tự hành 9A317E với xe chỉ huy 9S510E là 10 km, giữa xe phóng tự hành 9A317E với xe phóng chấp hành 9A316E là 500m.
|
Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316E.
|
Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316E, là xe chấp hành của xe phóng chính 9A317E, có kết cấu bệ phóng tương tự như xe chính. Ngoài 4 tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng, xe phóng chấp hành 9A316E còn mang theo 4 tên lửa dự trữ trên khay giữ ngay dưới bệ phóng để có thể tiếp đạn cho xe phóng chính ngay trong lúc tác chiến. Cự ly tối đa khi bố trí trận địa giữa xe phóng chấp hành 9A316E với xe phóng tự hành 9A317E là 500 m.
Đạn tên lửa phòng không có điều khiển 9M317E có khả năng tiêu diệt các dạng mục tiêu bay hiện đại như tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay cường kích, tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược, trực thăng vũ trang và các loại mục tiêu phản xạ vô tuyến điện từ trên mặt đất, mặt nước.
So với đạn tên lửa của các thế hệ Buk trước, 9M317E vẫn giữ nguyên kiểu thiết kế cánh hình chữ thập, cánh lái nhỏ sau cánh nâng nhưng cánh nâng của đạn mới ngắn hơn. Đạn có chiều dài và buồng đốt lớn hơn, khối lượng 715kg, chiều dài 5,55m, đường kính thân 0,4m, sải cánh 0,86m, tốc độ tối đa của mục tiêu bị xạ kích 1.200 m/s, mức độ quá tải tối đa 24G.
|
Đạn tên lửa tầm trung 9M317E trên bệ phóng.
|
Đạn tên lửa 9M317E lắp khối chiến đấu nặng 70kg với bán kính diệt mục tiêu 17m. Đạn lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm: tự lái quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar bán chủ động pha cuối). Đạn có thể diệt mục tiêu ở cự ly xa đến 3-50km, độ cao từ 25m tới 25km.
Trong chiến đấu, thời gian phản ứng của Buk-M2E từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 8-10 giây. Thời gian chết giữa 2 lần xạ kích liên tục là 12 giây. Cho phép tấn công các mục tiêu có vận tốc tối đa 1.100 m/giây (theo chiều bay tới), có độ quá tải lên đến 12g, số lượng mục tiêu tối đa có thể tấn công cùng một lúc là 24 mục tiêu.Tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu bay trong pham vi từ độ cao 15m-24km, xa 45km.
Như vậy, qua một số thông số kỹ thuật, tính năng chiến của Buk-M2E, có thể thấy tên lửa Tomahawk nằm trong loại mục tiêu “yêu thích”.
Tác chiến chống Tomahawk
Nếu Tomahawk bay vào vùng hoạt động của Buk-M2E thì nó sẽ bị phát hiện muộn nhất khi cách tổ hợp này vài cục km. Vì cho dù bay thấp, tiết diện phản xạ sóng radar không lớn và sử dụng vật liệu hấp thụ sóng vô tuyến nhưng nó lại phải đối mặt với hệ thống radar mạnh 9S18M1E và 9S36E chuyên dùng để phát hiện các mục tiêu bay thấp và cực thấp.
Một khi đã bị phát hiện thì rất ít cơ hội cho Tomahawk có thể tự thoát thân bằng tốc độ cận âm hoặc trần bay “sát đất” của nó. Tomahawk chỉ có thể trông chờ vào việc Buk-M2E bắn trượt hoặc hết đạn tên lửa. Nhưng xác suất tiêu diệt các loại tên lửa chỉ bằng một quả đạn duy nhất của Buk-M2E luôn trên 50%.
|
Với Buk-M2E, nếu người Syria có chiến thuật phù hợp, tinh thần vững, kỹ năng vận hành tốt thì việc bắn hạ Tomahawk không còn là "thách thức khó nhằn".
|
Trong khi một tổ hợp Buk-M2E có một số lượng đạn tên lửa không hề ít. Phần chiến đấu đầy đủ có thể có tối đa 72 quả đạn tên lửa (24 quả ở các xe phóng tự hành 9A317E ) với 12 bệ phóng luôn sẵn sàng và nó có thể tấn công đồng thời nhiều tên lửa Tomahawk.
Các tổ hợp Buk đầu tiên đã được thiết kế với khả năng “hit and run” (đánh và chạy) tương tự như hệ thống S-300V cùng thời đó. Tổ hợp Buk-M2E chỉ mất vỏn vẹn 5 phút để triển khai tác chiến và rút khỏi trận địa. Ở biến thể bánh xích nó có thể di chuyển với vận tốc tối đa 65 km/h. Điều này khiến gây khó khăn cực lớn cho các vũ khí đối kháng và gần như không thể xảy ra khả năng Buk-M2E bị tấn công ngược bởi Tomahawk, một loại tên lửa chủ yếu tấn công các mục tiêu cố định (biến thể Block IV của Tomahawk có khả năng tấn công mục tiêu di động rất hạn chế).
Tổ hợp hoạt động được bất kể ngày hay đêm, trong thời tiết có nhiệt độ có thể từ -50 đến 50 độ C, độ ẩm 98 %, tốc độ gió 30m/s và ở độ cao tối đa 3.000m so với mực nước biển. Do vậy nó có thể tác chiến tốt khi các tên lửa Tomahawk được phóng chủ yếu vào ban đêm như Mỹ thường làm. Buk-M2E cũng không gặp quá nhiều khó trong việc chốt giữ và triển khai chiến đấu ở những khu vực khắc nghiệt, khó khăn nhờ khả năng “chịu khổ” cực tốt này.
|
Buk-M2E của Syria trong cuộc tập trận năm 2012.
|
Buk-M2E được tạo ra để chiến đấu trong điều kiện bị đối phương chế át mạnh về điện tử và hỏa lực. Vì vậy, nó sẽ vẫn lợi hại khi bị đối phương áp dụng chiến thuật SEAD.
Buk-M2E rõ ràng không chỉ là một vũ khí lợi hại chống Tomahawk mà còn góp phần tạo ra một hệ thống phòng thủ đường không mạnh mẽ cho Syria. Chúng rất nhanh gọn, khả năng chiến đấu có thể kết hợp với các hệ thống phòng không di động khác linh hoạt, bù lấp, hỗ trợ kịp thời vào các khoảng trống của hệ thống phòng không khi bị chọc thủng cũng như bảo vệ các tổ hợp phòng không chiến lược của Syria, vốn là các hệ thống cố định như S-75, S-125, S-200 (và ngay cả khi Syria có S-300 và HQ-9 thì chúng cũng cần được bảo vệ khi bị tấn công tầm thấp và dồn dập).
Tổ hợp phòng không này có thời gian khai thác nên tới 20 năm. Tên lửa 9M317E được lắp ráp nguyên khối từ nhà máy và bảo quản trong tình trạng sẵn sàng đưa vào khai thác bên trong thùng chứa tên lửa trong suốt vòng đời khai thác 10 năm mà không cần can thiệp kiểm tra kỹ thuật từ bên ngoài. Đó là sức bền quý giá với các nước có khả năng bảo dưỡng vũ khí hiện đại hạn chế như Syria.