Theo những cáo buộc của Washington, chính quyền của Tổng thống al-Assad chính là thủ phạm của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 ở ngoại vi thủ đô Damascus làm hơn 1.300 người thiệt mạng. Như vậy là với Mỹ, Syria đã vượt qua “giới hạn đỏ” của sự “khoan dung” và khả năng rất cao là Mỹ cùng các nước đồng minh sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để can dự trực tiếp vào Syria.
Khi đó một kịch bản tấn công tương tự như những gì Mỹ đã từng làm với Iraq và gần đây là với Lybia hoàn toàn có thể được dùng với Syria. Không phải là một cuộc tấn công hủy diệt nhưng đủ để làm tê liệt hoàn toàn hệ thống phòng thủ và trả đũa cũng như các mục tiêu trọng yếu có giá trị của đối phương.
|
Tên lửa hành trình đối đất siêu chính xác Tomahawk.
|
Nếu để nói về những loại vũ khí mà người Mỹ sẽ dùng cho cuộc tấn công này, đa số sẽ nghĩ ngay đến tên lửa hành trình Tomahawk. Thật vậy, kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh, Tomahawk bắt đầu đóng vai trò như “tiếng pháo hiệu” cho những cuộc chiến mà Mỹ phát động.
Đã xa rồi những cuộc chiến kiểu kinh điển thời thế giới còn phân làm 2 cực. Giờ đây, với Tomahawk cùng những vũ khí tấn công, áp chế tầm xa hiệu quả khác có trong tay, Mỹ đã bắt đối thủ phải tuân theo luật chơi của mình.
Tất nhiên, những quốc gia bị Tomahawk biến thành nạn nhân đều có sức mạnh hạn chế nếu so sánh với năng lực khổng lồ từ cỗ máy chiến tranh Mỹ - NATO. Syria cũng thuộc diện đối tượng “ưa thích” này.
Để hiểu được tại sao Tomahawk lại trở thành một vũ khí tiên phong hiệu quả trong các chiến dịch quân sự của Lầu Năm Góc thì cần phải biết những nét cơ bản về sức mạnh của loại tên lửa hành trình này.
BGM-109 Tomahawk là loại tên lửa hành trình cận âm chính xác, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt nhiên liệu rắn, dùng để tấn công các mục tiêu cố định mặt đất, có thể phóng từ các cơ sở mặt đất, tàu chiến, tàu ngầm hoặc từ máy bay.
Tên lửa được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn với thân tên lửa là ống trụ tròn, hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa và bốn cánh ổn định đuôi hình chữ thập.
Tomahawk là loại đạn tự hành tầm dài, có khả năng sống sót cao, rất khó phát hiện bằng ra đa, hay hồng ngoại. Thân tên lửa được chế tạo từ hợp kim nhôm, một số các bộ phận và bề mặt khí động học của tên lửa được chế tạo từ nhựa tổng hợp graphite-epoxy và trong suốt đối với các sóng radio.
|
Mặt cắt bên trong tên lửa hành trình Tomahawk.
|
Các thiết bị chính bên trong bao gồm: hệ thống dẫn đường (Integrated Mid-Course Guidance), module tấn công hay thường gọi là đầu đạn (có nhiều loại theo từng biến thể), hệ thống lái, khoang nhiên liệu và động cơ phản lực.
Cùng với thời gian và những nhu cầu nhiệm vụ mới, Tomahawk trải qua nhiều lần sửa đổi, hiện nay có 4 biến thể đang hoạt động: Block II TLAM-A (BGM-109A) dùng đầu đạn hạt nhân; Block III TLAM-C(BGM-109AC) dùng đầu đạn thông thường; Block III TLAM-D(BGM-109D) với đầu đạn bom chùm và biến thể mới nhất Block IV TLAM-E ( RGM/UGM-109 ) hay còn được gọi là Tactical Tomahawk (Tomahawk Chiến thuật).
Biến thể Block IV được thiết kế lại hoàn toàn với một động cơ phản lực F107-WR-402 cho phép nó có thể thay đổi tốc độ linh hoạt, lượn quanh mục tiêu trong vòng nhiều giờ và thay đổi hướng sau khi đã được phóng. Cùng với đó là hệ thống ngắm bắn hiện đại có khả năng tấn công sâu và tấn công các mục tiêu nổi bật đang di chuyển.
Với đầu đạn mạnh và đa dạng, Tomahawk có thể dễ dàng thổi bay nhiều loại mục tiêu từ công sự kiên cố đến các cơ sở hạ tầng thiết bị trên diện rộng.
Thông số kỹ thuật:
Nhà thầu: Công ty Raytheon Missile System ở Tucson, bang Arizona
Giá: 600.000 USD, riêng biến thể Tactical Tomahawk là 1,45 triệu USD.
Dài: khoảng 6,2m
Đường kính: khoảng 0,53 m
Sải cánh: khoảng 2,66 m
Trọng lượng: khoảng 1360 kg
Tốc độ: cận âm (tốc độ gần đạt tốc độ âm thanh)
Tầm bắn:
- Block II TLAM-A: 2.500 km
- Block III TLAM-C: 1.666 km
- Block III TLAM-D: gần 1.300 km
- Block IV TLAM-E: 1.666 km
Đầu đạn:
- Block II TLAM-A: đầu đạn hạt nhân W80
- Block III TLAM-C và Block IV TLAM-E: đầu đạn đơn khoảng 450 kg
- Block III TLAM-D: mang đầu đạn chùm
Một điểm đáng chú ý ở những tên lửa Tomahawk là công nghệ dẫn đường chỉ thị và tấn công mục tiêu được trang bị trên chúng thuộc loại đỉnh cao của thế giới.
Độ chính xác đến mức “điên rồ” của nó so với các tên lửa hành trình khác được thể hiện qua việc “người điều khiển chỉ cần ở cách mục tiêu hàng nghìn km (thậm chí xa hơn) và nhấn nút, quả lên lửa được phóng đi và chờ, nó sẽ lọt qua cửa sổ và phá hủy mục tiêu”.
Hệ thống dẫn đường và chỉ thị mục tiêu của Tomahawk bao gồm rất nhiều bộ phận cấu thành rất phức tạp, chúng phối hợp chặt chẽ và thông minh với nhau để cho hiệu quả tối đa.
|
Tomahawk có thể phóng từ các hệ thống phóng thẳng đứng đặt trên tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm. Trong ảnh là tàu khu trục USS Barry phóng Tomahawk không kích Libya 2011.
|
Sau khi bắt đầu bay, các cánh của tên lửa mở ra để tạo lực nâng, ống hút gió mở ra và động cơ tuốc bin cánh quạt được dùng cho bay hành trình. Trên mặt nước, tên lửa Tomahawk sử dụng hệ dẫn đường quán tính INS hay định vị vệ tinh GPS để bay theo hành trình định sẵn.
Khi tới đất liền hệ thống dẫn đường của tên lửa được hỗ trợ bởi hệ thống định dạng mặt đất theo mặt cắt thẳng đứng của công ty McDonnell Douglas (TERCOM) bao gồm máy tính điện tử, thiết bị radar đo độ cao.
Trong máy tính điện tử trên ổ cứng lưu trữ các mảnh bản đồ kỹ thuật số địa bàn, nơi tên lửa sẽ bay qua. Độ rộng của tia radar khoảng từ 13-15 độ ( tần số 4 – 8 GHz). Nguyên tắc làm việc của hệ thống được dựa trên cơ sở so sánh địa hình của khu vực, nơi đang có mặt tên lửa hành trình tham chiếu với các mảnh bản đồ mẫu mẫu tiêu chuẩn trên quỹ đạo tên lửa bay.
Xác định địa hình chuẩn được thực hiện bằng các thông số của chùm tia quét radio và thiết bị đo độ cao áp suất khí quyển. Thiết bị đầu tiên đo khoảng cách từ tên lửa đến mặt đất (độ cao thực), thiết bị thứ hai đo độ cao bay với mặt biển. Thông tin địa hình được lưu trữ trong bộ nhớ máy tính, phần mềm sẽ so sánh với những thông số thực tế thu được từ địa hình thực. Máy tính sẽ đưa ra các thông số để điều chỉnh hệ thống dẫn đường quán tính. Toàn bộ quỹ đạo đường bay của tên lửa trên đất liền được chia ra làm 64 ô điều chỉnh với chiều dài đến 8km và chiều rộng từ 2 đến 48km.
|
Tomahawk trang bị công nghệ dẫn đường hỗn hợp phức tạp nhưng tính chính xác cực cao dù phóng từ cách xa hàng nghìn km.
|
Giai đoạn dẫn đường cuối cùng được thực hiện bởi hệ thống điều chỉnh định dạng khu vực theo hình ảnh số (DSMAC). Hệ thống sử dụng ảnh kỹ thuật số trên nền tảng quang ảnh và ảnh hồng ngoại, những bức ảnh kỹ thuật số này được chụp liên tiếp trên quỹ đạo đường bay của tên lửa.
Hệ thống DSMAC bắt đầu làm việc ở giai đoạn cuối của quỹ đạo tên lửa, sau hệ thống TERCOM. Camera sẽ tiến hành rà quét khu vực mục tiêu, các hình ảnh thu được được đưa vào máy tính điện tử, phần mềm máy tính sẽ so sánh với các chuẩn khu vực mục tiêu, được lưu trữ trong ổ cứng. Các sai lệnh sẽ được chuyển thành lệnh sang hệ thống điều khiển hiệu chỉnh lại quỹ đạo bay của tên lửa với độ chính xác tuyên bố từ 5-10m. Ở Giai đoạn cuối nó cũng có thể sử dụng hệ thống GPS, cấp thông tin chính xác về vị trí của tên lửa trên quỹ đạo bay.
"Chiến thuật Tomahawk" lợi dụng một tính năng lảng vảng trong đường bay của tên lửa và cho phép chỉ huy để chuyển hướng các tên lửa vào một mục tiêu thay thế, nếu cần thiết. Nó có thể được tái lập trình trên máy bay để tấn công các mục tiêu khác với tọa độ GPS được lưu trữ trong bộ nhớ của nó hoặc để bất kỳ tọa độ GPS khác. Ngoài ra, các tên lửa có thể gửi dữ liệu về tình trạng của nó trở lại chỉ huy.
Với tất cả tiến bộ công nghệ, Tomahawk đạt độ chính xác cực cao. Trong cuộc tấn công tháng 9/1995 vào Bosnia, tỉ lệ bắn trúng mục tiêu của nó đều đạt trên 90%. Tỉ lệ thành công trung bình trong cuộc chiến Vùng Vịnh cũng lên tới 85%.
Không những thế, với các biến thể tiên tiến nhất, Tomahawk còn làm được nhiều điều hơn, nhà phát triển vũ khí Raytheon cho biết: "Tomahawk Block IV có thể lượn quanh mục tiêu trong nhiều giờ, thay đổi hướng ngay lập tức theo lệnh và chụp hình ảnh các mục tiêu để gửi về cho người điểu khiển ở nửa vòng trái đất”.
|
Tomahawk có sức công phá cực mạnh.
|
Sở hữu khả năng tác chiến tuyệt vời, Tomahawk cũng đã đóng vai trò rất lớn trong cuộc tấn công Iraq năm 2003. Các lực lượng liên minh đã bắn tới hơn 700 tên lửa Tomahawk trong năm đầu tiên tấn công vào Iraq.
Năm 2011, Mỹ dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự vào Libya. Chiến dịch mang tên "Bình minh Odyssey" do Mỹ, Anh, Pháp phát động đã bắn 110 tên lửa hành trình Tomahawk vào khoảng 20 căn cứ phòng không của Libya. Trong chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng cả tên lửa hành trình Tomahawk hệ cũ và Tactical Tomahawk.
“Nó cho phép chúng tôi thâm nhập vào những nơi có mối đe dọa cao mà không cần phải mạo hiểm tới các máy bay có người lái”, Phó Đô đốc William Gortney nói với báo chí năm 2011.
Hiện nay Mỹ có một số lượng cực lớn tên lửa Tomahawk và phương tiện phóng ở khu vực biển Địa Trung Hải, đó là lực lượng hùng hậu các tàu chiến, tàu ngầm của Hạm đội 5 và 6 của Hải quân Mỹ. Với tình trạng vô cùng căng thẳng hiện nay, cuộc chiến chống Syria có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nhiều khả năng, một lần nữa Tomahawk sẽ lại đóng vai trò tiếng pháo hiệu mở màn cuộc tấn công vào Syria.