“Truy tìm” tiêm kích thay thế MiG-21 Việt Nam (1)

Google News

(Kiến Thức) - "Hậu duệ" huyền thoại MiG-21 – tiêm kích MiG-35 có thể coi là ứng viên phù hợp nhất thay thế vai trò chiến đấu của "én bạc" trong Không quân Việt Nam.

Có thể nói rằng, MiG-21 là tiêm kích thành công nhất trong thực chiến của  Liên Xô cũng như của lịch sử hàng không quân sự thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2. MiG-21 trở thành loại máy bay “ba nhất” của dòng máy bay chiến đấu thế hệ 2.

Theo đó, MiG-21 là máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất với hơn 10.000 chiếc, tham gia chiến trận nhiều nhất và máy bay được sử dụng lâu đời nhất.

Trong biên chế Không quân nhân dân Việt Nam, MiG-21 được gọi với cái tên thân thương “én bạc” đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bầu trời tổ quốc trước các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc của Không quân Mỹ.

Đến nay, đã gần 50 năm trôi qua, MiG-21 vẫn là tiêm kích bảo vệ không phận chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Tuy vậy, sự già nua về tuổi tác, lạc hậu trong thiết kế và hệ thống điện tử, yếu kém về vũ khí là điều không thể tránh khỏi đối với tiêm kích huyền thoại này. Đã đến lúc huyền thoại MiG-21 cần được “yên nghỉ” trong các bảo tàng như một minh chứng cho lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

Trên thế giới đã xuất hiện nhiều ứng viên xuất sắc có thể thay thế xứng đáng vai trò của MiG-21 trong biên chế Không quân Việt Nam. Một trong những ứng viên được đánh giá là phù hợp nhất đối với không quân ta là MiG-35.
"Hậu duệ" MiG-21 - tiêm kích đa năng tối tân MiG-35.

Tiêm kích đa năng MiG-35 (NATO định danh Fulcrum F) là sản phẩm mới nhất của Cục thiết kế máy bay nổi tiếng Mikyoan, đây cũng chính là “cha đẻ” của huyền thoại MiG-21. MiG-35 được trang bị những công nghệ hiện đại nhất mà Nga đang có, một nỗ lực lớn nhằm hồi sinh hình ảnh của dòng máy bay MiG.

Thiết kế cánh chính MiG-35 theo kiểu “cánh vịt” làm nổi bật đường nét khí động học của máy bay. Cấu trúc khung và cánh máy bay được chế tạo bằng sợi carbon và gia cố thêm bằng vật liệu phức hợp. Điều đó giúp diện tích phản hồi radar vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, còn có các thiết bị che chắn làm cho độ bộc lộ hồng ngoại thấp, do đó MiG-35 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ bí mật.

Buồng lái MiG-35 thuộc kiểu “nhà kính” hiện đại, thanh điều khiển kiểu HOTAS, bản đồ kỹ thuật số, mũ bay phi công tích hợp hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính mũ, hệ thống lái fly-by-wire.

MiG-35 được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động Zhuk-AE AESA, cung cấp khả năng giám sát không đối không và không đối đất cùng lúc. Radar hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện máy bay ở cự ly 160km, lên đến 300km với các vật thể có kích cỡ tương đương tàu khu trục (chế độ không đối hải).

Radar Zhuk-AE được hỗ trợ bởi trạm định vị quang điện tử OLS-30, hoạt động như “đôi mắt của con người” (thu nhận hình ảnh và đưa ra phân tích). Nó có khả năng phát hiện máy bay tàng hình nhờ vào cảm biến hồng ngoại và hình ảnh mạnh mẽ.
Theo nhà sản xuất, OLS-30 có thể phát hiện máy bay đối phương từ khoảng cách tới 90km.Các hệ thống điện tử hiện đại trên cho phép MiG-35 tham chiến với 20 mục tiêu cùng lúc.
"Mắt thần" Zhuk-AE của MiG-35 giúp soi rọi mọi mục tiêu trên không, trên đất liền, trên biển.

MiG-35 được trang bị 2 động cơ RD-33MK kiểm soát lực đẩy vector với khả năng phụt chỉnh hướng, có khả năng di chuyển lên xuống 15 độ theo chiều dọc và 8 độ theo chiều ngang. Nhờ vậy, MiG-35 có khả năng cơ động cao, đặc biệt trước các tình huống rẽ đột ngột trong không chiến tầm gần.

Động cơ RD-33MK cung cấp lực đẩy thô 88,26kN/chiếc gần như không tỏa khói, có hệ thống che chắn hồng ngoại và quang học hiện đại cung cấp cho MiG-35 khả năng đạt tốc độ tối đa 2.750km/giờ, tầm hoạt động trên 2.000km (hoặc 3.000km với thùng nhiên liệu phụ).

MiG-35 có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay với tổng tải trọng vũ khí  lên đến 7 tấn mang trên 9 giá treo ở cánh và bụng máy bay.

Đối với nhiệm vụ đối không, trong không chiến tầm gần MiG-35 có thể trang bị 8 tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73E, R-73M hoặc biến thể mới nhất là R-74. Trong nhiệm vụ đánh chặn trên không tầm xa, MiG-35 mang theo 8 tên lửa không đối không tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động (lắp trên tên lửa) là R-77M với tầm bắn lên đến 160km.

Với nhiệm vụ không đối đất, MiG-35 được trang bị 4 tên lửa chống radar Kh-31P hoặc 4 tên lửa chống tàu Kh-31A cùng với 4 tên lửa tấn công mặt đất Kh-29T/L. Ngoài ra, MiG-35 còn được trang bị bom thông minh KAB-500.
MiG-35 treo đủ vũ khí trên cánh.

Ngoài hệ thống điện tử hàng không hiện đại, một trong những điểm mạnh của MiG-35 mà các tiêm kích dòng Sukhoi không có được là tốc lên cao cực nhanh. MiG-35 có tốc độ lên cao tới 330 m/s trong khi đó khả năng này của Su-35 là 285m/s, Su-30MK2 là 305m/s, F/A-18 E/F Super Hornet 228m/s, F-15E 254m/s.

Tốc độ lên cao là một lợi thế rất lớn trong các tình huống đánh chặn tốc độ cao dưới sự chỉ huy của đài điều khiển mặt đất. Tiền bối của MiG-35 là MiG-21 cũng có tốc độ lên cao rất nhanh, thế mạnh này đã được Không quân Việt  Nam khai thác triệt để trong việc đánh chặn đội hình tiêm kích F-4, F-5 dựa vào tốc độ lên cao rất nhanh dưới sự chỉ huy của đài điều khiển  mặt đất.

MiG-35 hoàn toàn phù hợp để thay thế cho MiG-21 trong biên chế Không quân nhân dân Việt Nam. Các phi công Việt Nam vốn rất thành thục với các máy bay MiG, việc chuyển loại rất dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhập khẩu MiG-35 cũng phù hợp với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hiện có mà không cần phải nhập khẩu thêm các hệ thống mới.






Bình Đức

Bình luận(0)