“Tính kế” săn lùng “sát thủ dưới lòng đại dương” (1)

Google News

(Kiến Thức) - Tàu ngầm là một trong những vũ khí "đáng sợ", trong nhiều năm các nền quân sự phát triển đã nỗ lực tìm ra "trăm phương ngàn kế" khắc chế tàu ngầm.

Từ khi ra đời, tàu ngầm đã chứng tỏ là một vũ khí tiến công rất hiệu quả, bí mật áp sát, diệt tàu mặt nước của đối phương. Đặc biệt nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới lần 2, tàu ngầm phát xít Đức là “cơn ác mộng” khủng khiếp chưa từng thấy đối với quân đồng minh.

Cho tới tận ngày nay, tàu ngầm vẫn được xem là một trong những vũ khí hải quân “đáng sợ” nhất. Nhưng, “vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”, không loại vũ khí nào là không có phương án khắc chế.
Tàu ngầm Hải quân phát xít Đức từng đánh chìm hàng trăm tàu hải quân đồng minh.

Cùng với sự phát triển liên tục của tàu ngầm, thì những loại vũ khí chống ngầm cũng được chú trọng nghiên cứu chế tạo, phát triển, cải tiến ngày càng mạnh mẽ hơn nhằm săn lùng “sát thủ dưới lòng đại dương”.

Nhìn chung, thì tác chiến chống tàu ngầm chủ yếu nhằm bảo vệ các hạm tàu nổi của quân ta trước các đòn tấn công bất ngờ của tàu ngầm địch, và ngăn chặn tàu ngầm địch tiến công vào đất liền bằng các tên lửa đạn đạo, thậm chí có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tác chiến chống ngầm được tiến hành bởi cả hạm tảu nổi, máy bay săn ngầm và tàu ngầm tiến công.

Để đảm bảo tiêu diệt tàu ngầm địch, bảo vệ được cho hạm tàu và máy bay quân ta, tác chiến chống ngầm chia làm ba mặt: săn lùng, phát hiện tàu ngầm; tấn công tiêu diệt tàu ngầm và chống đòn phản công của tàu ngầm.

Săn lùng tàu ngầm

Môi trường nước hấp thụ rất mạnh ánh sáng, khiến cho việc khó phát hiện tàu ngầm bằng phương pháp quan sát bằng mắt thường hay các khí tài quang học.

Nhưng ngược lại, môi trường nước lại truyền sóng âm rất mạnh (vận tốc âm thanh trong không khí là 340m/s, còn trong nước biển là 1.500m/s). Do đó, sự cơ động của tàu ngầm rất dễ bị phát hiện bằng phương pháp thu sóng thủy âm, hay đó là những hệ thống định vị thủy âm (sonar). Và đó cũng là vũ khí chính để phát hiện tàu ngầm, các hạm tàu khác của đối phương.
Trực thăng Sea Hawk Hải quân Mỹ thả thiết bị định vị thủy âm.

Có hai loại định vị thủy âm gồm: định vị thủy âm chủ động là quân ta tự phát sóng siêu âm và sóng sẽ dội lại khi gặp tàu ngầm địch; định vị thủy âm thụ động là không phát sóng mà chỉ thu tín hiệu âm thanh từ động cơ, chân vị từ tàu ngầm địch.

Định vị thủy âm chủ động hoạt động cùng nguyên lí với các radar phòng không chủ động, dựa trên hiệu ứng Doppler, giúp xác định chính xác vị trí tàu ngầm địch, cả về phương vị và cự li. Tuy nhiên, định vị thủy âm chủ động cũng đồng thời làm lộ vị trí tàu ta, khiến cho tàu ngầm địch có thể kịp lẩn tránh, và thông báo cho hạm tàu nổi và máy bay chiến đấu phản kích đánh vào hạm tàu ta. Do đó, định vị thủy âm chủ động thường chỉ được sử dụng trên các phương tiện có độ ồn cao, như máy bay hay tàu chiến và thường được sử dụng trong thời gian rất ngắn, để tránh bị phát hiện.

Định vị thủy âm chủ động cũng được sử dụng kết hợp với định vị thủy âm thụ động. Tuy không thể định vị chính xác như định vị thủy âm chủ động, không định vị chính xác được cự li, nhưng định vị thủy âm thụ động giúp tàu chiến ta không bị lộ vị trí. Nếu như trắc thủ định vị thủy âm có kinh nghiệm thì có thể phán đoán được sơ bộ kiểu loại tàu ngầm địch, và tốc độ di chuyển. Khi đó, định vị thủy âm chủ động sẽ được kích hoạt, định vị chính xác tàu ngầm địch để phát động tấn công.

Ngoài định vị thủy âm, cũng có nhiều biện pháp khác để phát hiện tàu ngầm đang được nghiên cứu phát triển, hoặc dùng phối hợp với hệ thống định vị thủy âm để định vị chính xác mục tiêu. Định vị thủy âm không chỉ phát hiện được tàu ngầm, mà còn cả thủy lôi đối phương, tránh cho tàu ta đi vào khu vực nguy hiểm.

Hiện nay, hệ thống định vị thủy âm được trang bị trên cả tàu chiến, tàu ngầm và máy bay để săn ngầm. Để dễ dàng định vị mục tiêu, các thiết bị thu tín hiệu thủy âm thường được thả sâu vào lòng biển. Ví dụ với trực thăng săn ngầm, thiết bị định vị thủy âm sẽ được thả thẳng đứng, vuông góc mặt biển khi máy bay đang bay treo. Còn với tàu chiến, những sợi cáp dò thủy âm sẽ được kéo rê phía sau tàu …
Trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 của Hải quân Việt Nam.

Trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay, có trang bị các hệ thống định vị thủy âm VGS trên trực thăng săn ngầm Ka-28, loại MGK-335EM-03 trên tàu hộ vệ tàng hình Gepard 3.9 và Titan trên tàu hộ vệ săn ngầm Petya…

Trong đó, hệ thống định vị thủy âm MGK-335EM-03 trên tàu Gepard 3.9 rất hiện đại, có góc quét 260 độ, phát hiện được tàu ngầm ở bán kính từ 10-12km và thủy lôi ở cự ly 2km.

Sắp tới, Hải quân Nhân dân Việt Nam còn nhận được các tàu ngầm Kilo Project 636, được trang bị hệ thống định vị thủy âm MGK-400EM Rubicon-M, có khả năng phát hiện tàu ngầm từ khoảng cách 16-20 km, hạm tàu nổi từ 60-80 km và định vị thủy âm quét mìn MG-519E "Harp-E" (phạm vi phát hiện ngắn nhất là 1,5km).

Do hạn chế của tầm phát hiện của hệ thống định vị thủy âm khá ngắn, thua kém rất nhiều so với tầm bắn của ngư lôi và tên lửa diệt hạm trên tàu ngầm, nên hạm tàu nổi có nguy cơ bị tàu ngầm đối phương công kích trước khi định vị thủy âm của ta phát hiện ra. Do đó, máy bay là phương tiện săn lùng tàu ngầm hiệu quả nhất, nhờ tầm bao quát rộng, tốc độ cơ động cao. Việc tàu ngầm nổi lên đánh trả máy bay săn ngầm bằng tên lửa phòng không là hành động liều lĩnh, có thể dẫn đến bị phản kích tiêu diệt.

Phòng thủ tránh “phản đòn” của tàu ngầm

Dù vũ khí săn lùng và phát hiện tàu ngầm đã có sự phát triển nhất định, nhưng như đã trình bày ở trên, tàu ngầm vẫn có khả năng bí mật tiếp cận, công kích hạm tàu nổi bằng tên lửa và ngư lôi, mà vẫn không bị định vị thủy âm tàu ta phát hiện ra. Với những vùng biển rộng lớn, mà không quân hải quân không đủ lực lượng bao quát hết, thì điều này là hoàn toàn có thể.

Để chống lại ngư lôi, có thể sử dụng bom chìm để đánh chặn (như tàu Maddox đã sử dụng để đánh chặn các ngư lôi do tàu phóng lôi 123K của Hải quân Nhân dân Việt Nam phóng ra trong trận đánh ngày 2/8/1964).
Hệ thống chống ngư lôi SLQ-25 trên tàu chiến Mỹ.

Tuy nhiên, khi mà ngư lôi ngày nay có tốc độ rất cao, đặc biệt là loại VA-111 Shkval (Nga) có tốc độ tối đa lên đến 360km/h, thì cần phải sử dụng những biện pháp kĩ thuật khác. Ví dụ như hệ thống phòng thủ chống ngư lôi SLQ-25 của Mĩ, được kéo phía sau tàu, tạo thành một mục tiêu giả để nhử các ngư lôi tự dẫn đánh vào. Tùy theo nguyên lí dẫn đường của ngư lôi, dẫn đường bằng radar, hay định vị thủy âm …, bám theo tín hiệu nào của hạm tàu ta, mà sẽ có nguyên tắc gây nhiễu, tạo mồi bẫy phù hợp.

Ngoài ngư lôi, các tàu ngầm hiện đại ngày nay còn có khả năng mang phóng tên lửa hành trình chống tàu (như UGM-84 Harpoon; SM-39 Exocet; Klub-S) để diệt hạm nổi. Những vũ khí này thậm chí còn nguy hiểm hơn ngư lôi khi chúng có tầm bắn vài chục tới hàng trăm km, độ chính xác cao và tốc độ cận âm thanh.

Nguyên lí phòng chống cũng giống như các tên lửa chống tàu phóng từ hạm tàu nổi hay máy bay chiến đấu. Đó là đánh chặn bằng các tên lửa phòng không tầm trung – xa, các hệ thống phòng không tầm ngắn và cực ngắn (CIWS), sử dụng mồi bẫy…

Hiện nay, để đánh chặn các tên lửa diệt hạm, Hải quân Việt Nam chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng không tầm ngắn Palma-SU, pháo phòng không cao tốc AK-630 và mồi bẫy PK-16.

(*) Trong chiến đấu, tấn công tiêu diệt tàu ngầm, Kiến thức sẽ giới thiệu tới bạn đọc một số các loại vũ khí tác chiến chống ngầm ở các kỳ sau.








Lương Minh

Bình luận(0)