Trong thời gian vừa qua, tình trạng chủ xe tự ý thay đổi kích thước, hoán cải thành, thùng xe phục vụ vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng đang là nguyên nhân trực tiếp phá nát những cung đường. Tuy nhiên, đằng sau những bề nổi ấy, vấn đề xuất phát từ chính những chính sách về đăng kiểm xe cơ giới.
Ông Nguyễn Đình Trân, Giám đốc Công ty TNHH Vinh An – TP. Vinh cho biết: Khi đăng kiểm về thì không cụ thể, nên có những xe cho tổng chiều cao nhưng không cho cụ thể kích thước thành thùng đến lúc các cơ quan chức năng kiểm tra thì lại dẫn đến việc kích thước thành thùng vượt quá mức cho phép mà rõ ràng chủ xe không cơi nới. Có những xe khi nhập về tải trọng cho phép là 25 tấn, nhưng khi đăng kiểm lại thì cơ quan đăng kiểm lại giảm tải trọng cho phép xuống còn 15,16 tấn.
|
Ông Nguyễn Đình Trân, Giám đốc Công ty TNHH Vinh An – TP. Vinh. |
Theo các doanh nghiệp vận tải, nhiều xe trước đây khi cho nhập về có tải trọng cao, nhưng khi đăng kiểm lại, cơ quan đăng kiểm lại giảm tải trọng. Chính vì vậy, xử lý nghiêm các trường hợp quá khổ, đối khi lại gây khó cho chính các doanh nghiệp vận tải. Ngay cả đối với các cơ quan chức năng, hiện nay vấn đề hạ tải các xe siêu trường, siêu trọng, các container chở đồ đông lạnh cũng đang gặp vướng mắc. Vì vậy, lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính là chủ yếu, còn các cung đường vẫn tiếp tục bị tàn phá.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn,
Lái xe tuyến Bắc-Nam cho biết, bất cập khi phải hạ tải bởi xe của anh thường chở thanh long nhẹ không nặng, nhưng nếu phải hạ tải là hỏng hết hàng, hàng lạnh là như vậy.
Trung tá Nguyễn Văn Danh, Đội phó Đội xử lý - Phòng CSGT đường bộ đường sắt - Công an tỉnh Nghệ An lo ngại cho rằng, nếu phải hạ tải thì không có kho bãi, nhất là hàng tươi sống, nông sản thì không thể hạ tải được, vì hạ tải hàng sẽ hỏng, đề xuất có hướng để xây dựng những nơi hạ tải để đảm bảo được hàng hóa cho chủ hàng.
Về hành lang pháp lý, Nghị định 171 đã quy định khá rõ mức phạt đối với các trường hợp lái xe, chủ xe có phương tiện chở quá tải trọng cho phép. Tuy vậy, việc đánh đồng mức phạt đối với các trường hợp xe chở quá tải trên 50%. Hay đúng hơn, việc chưa có chế tài xử phạt đủ tính răn đe đối với các trường hợp quá tải trên 50% dẫn tới thực tế nhiều chủ xe cố tình chở quá tải tới 100%, thậm chí 200% mức trọng tải cho phép.
|
Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an tỉnh Nghệ An. |
Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an tỉnh Nghệ An cho biết, khi phát hiện ra quá tải thì bắt buộc đều phải hạ tải nhưng mức phạt như nhau là vấn đề bất cập, đề nghị nên có mức phạt cụ thể trên 50% đến 100% thì phạt bao nhiêu, 100% đến 200% thì phạt bao nhiêu như vậy mới có đủ độ răn đe đối với những người cố tình vi phạm
Chủ trương siết chặt trọng tải xe là việc làm cần thiết nhằm hạn chế
tai nạn giao thông và sự xuống cấp của những con đường. Tuy nhiên, làm thế nào để việc xử lý xe quá khổ quá tải mà vẫn đảm bảo tính công bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải phát triển. Vấn đề này đang cần một lời giải mang tính đồng bộ.