TP HCM chống dịch sởi như chống dịch cúm

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở Trung tâm Y tế Dự Phòng TP HCM phải tính toán kỹ và phản hồi sớm để địa phương kịp thời hướng dẫn người dân phòng bệnh tốt hơn.

Số lượng bệnh nhân nặng gây biến chứng không nhiều, nhưng tâm lý “lo xa” của không ít phụ huynh các tỉnh thành khác muốn đến bệnh viện chuyên khoa, sâu cho yên tâm; khiến cho lượng bệnh nhi bị bệnh sởi ở hai bệnh viện Nhi TP HCM đang bị quá tải. Tuy nhiên, kiểu “lo xa” thái quá của phụ huynh “đổ xô” về thành phố khiến cho con em mình có nguy cơ lây chéo bệnh càng nhiều hơn. Các bệnh viện Nhi có rất nhiều bệnh truyền nhiễm lây lan chứ không riêng gì sởi, vậy tại sao mình lại tự đưa con em mình đến với nguồn lây như vậy!
Lây chỉ vì cái ôm của người cha
Ngày 19/4, GS.TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tình hình phòng chống dịch sởi ở tại TP HCM đã chia sẻ thông tin trên.
Trẻ không may bị mắc sởi, phụ huynh nên chăm sóc dinh dưỡng cho bé tốt, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, ở nơi thoáng khí, không nên nằm trong máy lạnh nhiều và người chăm sóc trẻ cũng phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh lây thêm bệnh cho trẻ.
Anh N.V.H (36 tuổi, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có con đang điều trị tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM hối hận chia sẻ, có nghe nói nhiều đến bệnh sởi rồi. Tuy nhiên, vì sơ ý khi đi thăm thằng cháu bị sởi nằm trong bệnh viện về, thấy cháu bệnh nặng nên thương lắm vào có bồng nó rồi khi về nhà anh lại… quên không tắm rửa mà lại ẵm ngay con bé con ở nhà nên mấy ngày sau thì con anh bị phát ban và do chưa tiêm ngừa nên bé bị nặng, bị biến chứng viêm phổi.
Bé sơ sinh bị sởi tại TP HCM. 
Còn phòng Cấp cứu – Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM có 8 ca nặng trong đó có một bé nhi mới sinh ngày 1 /4 của của sản phụ Tr.T.V (26 tuổi, bác sĩ khoa cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) bị mắc bệnh sởi bởi vì lây chính từ người mẹ của mình. Sản phụ V. cho biết, cách đây 2 năm có tiêm ngừa thủy đậu và Rubella vì cứ ngỡ là đã bị sởi hồi nhỏ nên không tiêm ngừa. Ai ngờ, bây giờ mắc bệnh hỏi lại mẹ thì mới biết là bản thân chưa bị mắc bệnh nên không tiêm ngừa và cũng không phòng tránh nên mới bị lây bệnh từ một đồng nghiệp ở khoa cũng như một số bệnh nhân cấp cứu ở khoa trước khi sản phụ V. sinh con. Nên sau khi sinh thì sản phụ V. bị phát bệnh, sau đó thì lây qua cho con.
ThS.BS Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho biết, con sản phụ Tr.T.V nhập viện trong tình trạng sốt cao (39 0C), phát ban còn sản phụ V. thì đã gần hết bệnh, trên da còn vết thâm vằn da hổ và cho làm xét nghiệm thì dương tính với sởi.
ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá cao công tác thu dung, điều trị, cách ly, phân luồng của 3 bệnh viện tuyến cuối TP HCM trong việc tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh sởi. Theo Phó Cục trưởng Khoa thì chống dịch sởi cũng phải làm như chống dịch cúm, không chỉ bệnh nhân mà cả thân nhân bệnh nhân cũng phải vệ sinh sạch sẽ, tăng cường sức để kháng, thường xuyên rửa tay….
Thứ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi mắc sởi.
Bệnh nhi tỉnh “đổ xô” về thành phố
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 18/4, bệnh viện khám và điều trị cho 938 trường hợp bao gồm cả người lớn và trẻ em, trong đó người lớn là 260 ca (chiếm 31%).
BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng cho rằng, dịch đang tăng cao khi tháng trước tăng gấp đôi tháng sau. Cụ thể, tháng 1 bệnh viện tiếp nhận 141 ca, tháng 2 có 427 ca, tháng 3 có 605 ca riêng từ đầu tháng 4 đến nay bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận gần 487 ca. Chỉ tính trong sáng ngày 19/4, bệnh viện đã tiếp nhận 37 trường hợp nhiễm sởi.
Theo bệnh viện Nhi đồng 1, tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi đến khám ngoại trú tại bệnh viện này là 1.6684 ca. Trong đó ca mắc bệnh của thành phố chiếm tỷ lệ 70%, cố còn lại chủ yếu từ các tỉnh Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương đổ về… Trong số hơn 1.000 ca điều trị nội trú tại bệnh viện thì có 117 ca biến chứng do mắc các bệnh về hô hấp, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở nCPAP.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca nhiễm. Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 734 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó 60% là bệnh nhi thuộc các tỉnh lân cận. Vấn đề đáng lo ngại, tỷ lệ bệnh nhi bị sởi không nặng nhưng số bệnh nhân ở tỉnh vào nhập viện ngày càng đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Thậm chí, có phụ huynh dù được các bác sĩ giải thích nhưng nhất định cho con điều trị ở đây bằng được. Chị Thoa, quê Tiền Giang nói: “Thấy cháu có dấu hiệu của sởi, tôi liền đưa bé lên đây nhập viện. Các bác sĩ trên này giỏi nên tôi mới an tâm được”.
Trước nguy cơ nhiễm chéo vì bệnh nhân “đổ xô” lên tuyến trên, các bệnh viện lên kế hoạch phân luồng bệnh nhân. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành sàng lọc bệnh nhân bị sởi ngay từ tiếp nhận khám bệnh. TS.BS Hà Mạnh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết thêm, không chỉ bệnh sởi mà các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, cúm….thì BV cũng cử điều dưỡng giỏi của khoa Nhiễm ra nhận bệnh ngay từ khi trẻ đến đăng ký khám bệnh, ngoài ra có một số trẻ chưa có biểu hiện rõ thì các BS phòng khám sẽ chuyển qua phòng khám sàng lọc bởi các BS khoa Nhiễm phụ trách để tránh lây nhiễm chéo cho trẻ khác. Đồng thời, hạn chế việc trẻ phải nhập viện khi chưa cần thiết mà chỉ cần tái khám hàng ngày để BS theo dõi sát hơn.
 Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra khu vực cách ly.
TP HCM bị “bắt giò” về việc phản hồi chậm
Đoàn công tác của Viện Pasteur đã xuống kiểm tra ở 3 điểm nóng của TP HCM là quận 8, Bình Tân, Tân Phú. Tại đây có 8 trường hợp bệnh sởi, nhưng phản hồi của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, địa phương chỉ có 2 ca, còn lại 6 ca thì phải 1 tuần sau mới có phản hồi! Chính sự chậm trễ này khiến cho bệnh lây nhiều hơn trong cộng đồng, nhất là 4 ngày đầu còn ủ bệnh.
GS.TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế kết thúc một ngày làm việc tại TP HCM cũng đã nhắc nhở Trung tâm Y tế Dự Phòng TP HCM khi phát hiện bệnh phải tính toán kỹ và phản hồi sớm để địa phương kịp thời hướng dẫn người dân phòng bệnh tốt hơn.

Cần nỗ lực hơn trong tiêm ngừa

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ, chỉ có 2% bệnh nhi mắc bệnh sởi được tiêm chủng đầy đủ. Còn 98% còn lại chỉ tiêm được 1 mũi đầu.
Khảo sát 8 trường hợp nặng đang nằm tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM ngày 19/4 của thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Quang Cường cho thấy, có 4 trường hợp là dưới 9 tháng tuổi nên chưa tiêm, còn lại do phụ huynh sợ tai biến nên không cho con tiêm ngừa nên mắc bệnh nặng.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng TP HCM báo cáo với đoàn Bộ Y tế thì sau 6 tuần TP HCM đã tiên được 45.000 liều trong chiến dịch tiêm vét. Ngoài ra, còn có thêm một số lượng trẻ tiêm dịch vụ khoảng 17.000 trẻ và kiến nghị Bộ Y tế cho phép TP HCM đượ phép tổ chức thêm nhiều điểm tiêm chủng mở rộng chứ mỗi điểm chỉ tiêm 50 trẻ/ngày thì không đảm bảo số lượng trẻ cần tiêm.
Tuy nhiên, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân – Viện Trưởng Viện Pastuer TP HCM chưa đồng tình về số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế Dự Phòng TP HCM. Vì TP HCM ngoài số trẻ thường trú thì còn một lượng lớn trẻ nhập cư nữa, nên TP HCM phải tính toán cho cả đối tượng này, để đảm bảo quyền lợi cho các cháu. Bên cạnh đó, chỉ Tính riêng Viện Pasteur TP HCM trong 3 tháng đầu năm nay đã có 12.000 trẻ tiêm ngừa. Do đó, yêu cầu TP HCM phải thông kê tất cả các điểm tiêm dịch vụ, để có những tính toán cẩn thận.
DS Trần Thị Thoa – Cục Khoa học Công Nghệ & Đào Tạo – Bộ Y tế nhận xét, công tác quản lý & điều trị cho bệnh nhân của các bệnh viện rất tích cực, hiệu quả. Số bệnh nhân có giảm nhưng giảm còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, số lượng tiêm phòng có tăng lên nhiều nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Cần phải lượng giá hiệu quả tác động thực sự của tiêm phòng.

 

Bùi Hương

Bình luận(0)