Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các Giám đốc Sở Y tế: TP HCM, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai yêu cầu báo cáo về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có tên AstraZeneca (Anh-Thụy Điển sản xuất). Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xác minh thông tin, đồng thời tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
|
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu báo cáo về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Ảnh minh họa: Reuters. |
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, tính đến 17h ngày 12/3, tại 12 điểm tiêm của 10 tỉnh, thành phố đã tiêm chủng cho 1.702 người. Trong số những người được tiêm, 11 trường hợp (trong đó, 6 người tại điểm tiêm của Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, 4 người tại điểm tiêm Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, 1 người tại Bệnh viện dã chiến Gia Lai) có phản ứng sau tiêm như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản)… Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này hiện đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày sau đó.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phản ứng độ 2 (được đánh giá là nặng) ở người tiêm vắc-xin là có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như: mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, ỉa chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. Phản ứng độ 3 (được đánh giá là nguy kịch) biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như: đường thở có tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức:, vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
Hàn Quốc điều tra 7 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca
Hàn Quốc mới kết thúc tuần đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, đã có hàng nghìn trường hợp nghi ngờ gặp phản ứng có hại với vắc xin AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), trong đó 7 người đã tử vong.
Hãng tin RT (Nga) dẫn một báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) được công bố hôm 6/3 đưa tin cơ quan này đang điều tra vụ việc 7 người tử vong sau khi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất.
|
Nhân viên của viện dưỡng lão tại Seoul được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Ở Hàn Quốc, trên 296.000 người, tương đương với khoảng 0,6% dân số cả nước, đã tiêm vắc xin trong tuần đầu tiên triển khai tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19.
Hàn Quốc đã ghi nhận trên 2.800 trường hợp gặp phản ứng có hại sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, chỉ 24 trường hợp trong số đó được coi là nghiêm trọng, trong đó có 7 trường hợp dẫn đến tử vong. Tất cả 24 trường hợp nghiêm trọng đều liên quan đến những người được tiêm vắc xin AstraZeneca, đây là loại vắc xin đầu tiên được phê duyệt sử dụng ở Hàn Quốc.
Thái Lan và nhiều nước châu Âu tạm ngừng dùng vắc xin AstraZeneca vì lo ngại chứng máu đông
Ngày 12.3, ông Piyasakol Sakolsatayadorn, cố vấn thuộc ủy ban vắc xin COVID-19 của chính phủ Thái Lan, cho biết: “Tuy chất lượng của vắc xin AstraZeneca là tốt nhưng các nước châu Âu đã tạm ngừng sử dụng. Do đó, chúng tôi cũng tạm hoãn triển khai vắc xin này. Tiêm vắc xin cho người dân Thái Lan phải đảm bảo an toàn, chúng ta không cần phải vội vàng".
Trước đó, Cơ quan Y tế Đan Mạch ngày 11/3 tuyên bố tạm thời ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca vì một số người bị chứng máu đông sau khi tiêm chủng.
Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết động thái này diễn ra "sau khi có báo cáo về các trường hợp bị đông máu nghiêm trọng ở những người được tiêm vắc xin AstraZeneca", theo thông báo của Cơ quan Y tế Đan Mạch ngày 11/3.
Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Đan Mạch thận trọng lưu ý: "Hiện tại chúng tôi vẫn chưa xác định được mối liên hệ giữa vắc xin và chứng máu đông”.
Bên cạnh đó, một người tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) đã vào cuộc điều tra.
Cùng thời điểm, cơ quan y tế Na Uy cũng thông báo tạm ngừng dùng vắc xin AstraZeneca vì lo ngại về chứng máu đông sau khi tiêm.
Trước đó, vào ngày 7/3, cơ quan y tế Áo đã đình chỉ chương trình tiêm chủng vắc xin AstraZeneca như một biện pháp đề phòng trong lúc điều tra nguyên nhân một nữ điều dưỡng 49 tuổi tử vong và một nữ điều dưỡng khác bị thuyên tắc phổi sau khi tiêm vắc xin này.