Việt Nam sẽ sớm có vắc-xin phòng COVID-19

Google News

Việt Nam đã phát triển thành công vắc-xin dự tuyển ngừa COVID-19, bước đầu cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTEC, Bộ Y tế), vừa báo tin vui vắc-xin ngừa COVID-19 do đơn vị này nghiên cứu và sản xuất đang hướng tới giai đoạn thử nghiệm trên người, dự kiến đầu năm 2021 và sẽ hoàn thiện vào cuối năm.

Thử nghiệm thành công trên chuột

Trước đó, VABIOTEC đã có 2 đợt tiêm thử nghiệm vắc-xin dự tuyển trên chuột, trong đó 4/8 lô chuột được tiêm đáp ứng kháng thể cao. Kết quả này khẳng định vắc-xin COVID-19 "made in Vietnam" mà các nhà khoa học đang theo đuổi đi đúng hướng và đã cho kết quả bước đầu khi tạo được miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 trên động vật thí nghiệm. Đây là cơ sở để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh sử dụng trên người.

"Ước tính tối thiểu 4-5 tháng, tối đa là 9 tháng nữa, chúng tôi có thể thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 trên người. Sau đó, cần thêm 2-3 tháng tiếp để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vắc-xin ra sử dụng chính thức" - ông Đạt tự tin khẳng định.

Viet Nam se som co vac-xin phong COVID-19

Các nhà khoa học của VABIOTEC đang nghiên cứu vắc-vin ngừa     COVID-19. Ảnh: Ngọc Dung

Với thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, VABIOTEC đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin COVID-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, các nhà khoa học của VABIOTEC hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) nghiên cứu vắc-xin phòng dịch COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus. Với vắc-xin này, Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng sẽ đón đầu nhờ kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2. "Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vắc-xin bình thường, thời gian 18-24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể" - bác sĩ Mạc Văn Trọng, thành viên nhóm nghiên cứu vắc-xin COVID-19, chia sẻ.

An toàn cho người tiêm

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trên thế giới hiện có khoảng 70-80 nhà phát triển vắc-xin đang ở ngưỡng tương tự Việt Nam, tức là thử nghiệm trên chuột, trong đó có 8 công ty đã tiêm thử nghiệm song song trên người và động vật.

Theo GS Đặng Đức Anh, thế giới đang sử dụng 3 công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19. Đó là công nghệ sử dụng virus bất hoạt, công nghệ vector virus và công nghệ gien. Công nghệ sử dụng virus bất hoạt đang được Trung Quốc ứng dụng sản xuất vắc-xin và đang tiến hành thử nghiệm trên người ở giai đoạn ban đầu với kết quả có đáp ứng miễn dịch tương đối tốt. Tuy nhiên nếu ứng dụng công nghệ này, cơ sở vật chất để sản xuất vắc-xin cũng phải tương đương phòng an toàn sinh học cấp 3; nếu sản xuất đại trà sẽ khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay. Công nghệ gien đang được Mỹ, Anh sử dụng để sản xuất vắc-xin COVID-19. Còn ở Việt Nam, cùng với một số quốc gia khác, VABIOTEC đang sử dụng công nghệ sử dụng vector virus. "Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch" - GS Đức Anh khẳng định.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 của Việt Nam được phát triển theo công nghệ vector virus cũng là công nghệ hiện đại nhất hiện nay và an toàn cho người tiêm. Đây cũng là lần đầu tiên, một vắc-xin mới được phát triển trong thời gian ngắn như vậy. Thông thường, trước đây, để phát triển một vắc-xin cần thời gian 3-5 năm, mỗi khâu kéo dài hàng năm nhưng với công nghệ mới sử dụng vector virus, giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam bắt kịp nhịp với các nhà sản xuất quốc tế khi động vật được tiêm có kháng thể đáp ứng miễn dịch.

Dự án mang tính bước ngoặt cho lĩnh vực nghiên cứu vắc-xin lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi, mà mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus corona mới gây đại dịch ở người như biến thể SARS-CoV-2, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần "lắp ráp" phần gien của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới.

TP HCM rà soát, cách ly người có tiếp xúc bệnh nhân COVID-19

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP HCM ngày 1-7 đã có văn bản báo cáo nhanh về một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở Bình Dương có liên quan tới TP HCM.

Đó là một lao động nam, 31 tuổi, quốc tịch Indonesia, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11-3-2020, sau đó đi ôtô của công ty về Bình Dương. Từ ngày nhập cảnh đến ngày 29-6, người này chỉ đi từ nơi ở là một khách sạn ở thị xã Bến Cát đến nơi làm việc tại địa phương này và có đến siêu thị, quán cơm để mua thức ăn chứ không tới TP HCM. Tuy nhiên, sáng 30-6, người này cùng 1 đồng nghiệp là người Indonesia đi xe công ty đến phòng khám ở phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM để xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về nước. Sau đó ghé chợ Bến Thành tham quan rồi về Bình Dương. Kết quả xét nghiệm cùng ngày xác định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Ngay trong đêm, bệnh nhân đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Theo Trung tâm CDC TP, cơ quan y tế đã lập danh sách 4 nhân viên y tế tại phòng khám có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và 11 người khác đến phòng khám cùng khung giờ. Bốn nhân viên y tế này được cách ly tập trung vào sáng 1-7 và đã được lấy mẫu xét nghiệm. 6 nhân viên y tế còn lại của phòng khám và 11 bệnh nhân có mặt tại phòng khám cùng thời điểm với bệnh nhân đang được điều tra và chỉ định cách ly phù hợp.

N.Thạnh

Chạy đua thử nghiệm trên người

Đến thời điểm này, có hàng chục loại vắc-xin từ hơn 100 ứng viên vắc-xin tiềm năng trên toàn cầu đang được thử nghiệm trên người nhưng vẫn chưa có vắc-xin nào được thông qua cho mục đích thương mại để ngăn ngừa dịch COVID-19.

Ngày 29-6, Tổng cục Kiểm soát Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã phê duyệt ứng viên vắc-xin tiềm năng Covaxin do Công ty Bharat Biotech phát triển, được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 trên người. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người bằng Covaxin dự kiến bắt đầu tại Ấn Độ vào tháng 7.

Trước đó, ngày 25-6, Trung Quốc cũng đã cho phép quân đội được sử dụng vắc-xin Ad5-nCoV để phòng ngừa dịch COVID-19 trong thời hạn 1 năm. Theo hãng tin Reuters, Ad5-nCoV do Công ty Dược phẩm sinh học CanSino Biologics và Viện Khoa học quân sự Trung Quốc phối hợp bào chế. Đây là một trong 8 loại vắc-xin của Trung Quốc được cấp phép thử nghiệm trên người ở trong nước lẫn ở nước ngoài, trong đó có Canada.

Trong khi đó, ngày 26-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vắc-xin của Công ty Dược phẩm AstraZeneca (trụ sở ở Anh) là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua bào chế vắc-xin phòng dịch COVID-19 trên toàn cầu. Loại vắc-xin này do các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford (Anh) phát triển và đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên người với quy mô lớn. Nhà khoa học trưởng của WHO là Soumya Swaminathan đánh giá vắc-xin của AstraZeneca đang là ứng viên có bước tiến xa nhất, theo sau là vắc-xin của Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ).

Trong nỗ lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Hàn Quốc hôm 1-7 đã bắt đầu sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir do Tập đoàn Dược phẩm Gilead Science của Mỹ phát triển. Theo hãng tin Yonhap, người bệnh COVID-19 có triệu chứng viêm phổi và cần hỗ trợ thở ô-xy sẽ được cho dùng thuốc Remdesivir. Kết quả sơ bộ cho thấy những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Ghebreyesus, cảnh báo điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 vẫn chưa đến khi dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng trong bối cảnh lệnh phong tỏa dần được nới lỏng trên khắp thế giới.

X.Mai
Theo Ngọc Dung/ Người lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)