Hai nhân viên y tế Mỹ phải cấp cứu sau tiêm vắc-xin COVID-19

Google News

Hai nhân viên y tế làm cùng bệnh viện ở bang Alaska, Mỹ đã có các phản ứng đáng lo ngại chỉ vài phút sau khi được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 do Pfizer phối hợp với BioNTech bào chế.

Tuy nhiên, các quan chức y tế Mỹ cho biết, những trường hợp trên sẽ không cản trở kế hoạch tiêm đại trà vắc-xin COVID-19 cho người dân nước này. Họ khẳng định luôn minh bạch thông tin về các vụ việc hy hữu như vậy.

Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin COVID-19 cho một người dân Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, nhân viên y tế đầu tiên - một phụ nữ trung niên không có tiền sử bị dị ứng, đã có phản ứng mẫn cảm chỉ 10 phút sau khi được chủng ngừa ở Bệnh viện Bartlett tại Juneau, bang Alaska hôm 15/12. Cô sau đó phát ban khắp mặt và thân, khó thở và nhịp tim tăng cao.

Tiến sĩ Lindy Jones, Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện thông tin, nữ nhân viên y tế đầu tiên được tiêm epinephrine, một liệu pháp điều trị tiêu chuẩn dành cho các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của người phụ nữ này thuyên giảm nhưng sau đó lại tái phát và cô được điều trị bằng thuốc steroid cũng như truyền nhỏ giọt epinephrine.

Khi các bác sĩ thử dừng truyền thuốc, triệu chứng của nữ bệnh nhân tái phát buộc họ phải đưa cô tới phòng chăm sóc tích cực để theo dõi qua đêm. Sáng ngày 16/12, bệnh nhân được chỉ định cai truyền epinephrine nhưng vẫn tiếp tục phải nằm viện theo dõi thêm một đêm nữa.

Trong khi đó, nhân viên y tế thứ hai được chủng ngừa hôm 16/12 đã bị sưng bọng mắt, choáng váng và ngứa cổ họng 10 phút sau đó. Người đàn ông này được đưa đến phòng cấp cứu và điều trị bằng epinephrine, Pepcid và Benadryl dù bệnh viện nói phản ứng này không được coi là sốc phản vệ. Anh đã trở lại bình thường trong vòng 1 giờ và được phép xuất viện.

Theo Bệnh viện Bartlett, cả 2 nhân viên y tế nói trên không muốn trải nghiệm của họ ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang xếp hàng chờ tới lượt được tiêm vắc-xin COVID-19. Tiến sĩ Anne Zink, một lãnh đạo bệnh viện nói, họ cũng không có ý định thay đổi lịch tiêm chủng, liều lượng hay cách thức tiêm vắc-xin.

Mặc dù vắc-xin Pfizer/BioNTech được chứng minh an toàn và đạt hiệu quả khoảng 95% trong một thử nghiệm lâm sàng quy tụ 44.000 người tham gia, nhưng các trường hợp ở Alaska nhiều khả năng sẽ làm tăng thêm lo ngại về những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Các chuyên gia lưu ý, thực tế có thể làm dấy lên những yêu cầu phải có các hướng dẫn chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo người tiêm vắc-xin sẽ được theo dõi cẩn thận về các phản ứng bất lợi.

Theo Tuấn Anh/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)