Điểm danh những loại quả hay bị “tắm” hóa chất

Google News

(Kiến Thức) - Mùa hè có rất nhiều loại hoa quả vào vụ thu hoạch như: chuối, mít, dứa ... Tuy nhiên, để kiếm nhiều lợi nhuận nhiều chủ buôn hoa quả không ngần ngại "bơm" hóa chất vào hoa quả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Mít bị “ép” chín nhờ hóa chất

Mít là loại quả theo mùa, thông thường mót chỉ rộ vào mùa hè. Tuy nhiên, các con phố ở Hà Nội và Thành phố HCM, mít được bán quanh năm ngày tháng. Để có được những quả mít căng tròn và múi mít thơm ngon, không ít “đầu nậu” đã dùng thủ đoạn “xấu” như tiêm hóa chất vào mít.

Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về việc mít được tiêm hóa chất, thuốc bảo quản nhằm giúp để được lâu, nhanh chín và có màu bắt mắt. Tiêu biểu là vụ việc “bơm” háo chất vào mít đã bị báo chí phanh phui ở Bình Dương (gần khu công nghiệp Minh Hưng, Chơn Thành). Cơ sở này là của một chủ buôn tên Nghĩa, hoạt động sôi động suốt ngày đêm và luôn có hàng chục công nhân làm việc ở trong ngôi nhà nhỏ nằm ven đường, phía trước và bên hông nhà thường xuyên chất đầy mít. Mọi công đoạn chế biến mít đều làm theo phương pháp thủ công tại không gian ẩm thấp, chật hẹp, hôi hám.

 Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet.

Theo một công nhân trong vựa mít cho biết: “Ở đây toàn “bơm” hóa chất cho mít mau chín thôi!. Đố anh đến đây mà chẻ hết được mít chín!? Đám mít này chẻ xong lại có đám khác chín. Khi nào mít trên cây hết trái thì mới hết việc…”. Theo giải thích của ông chủ Nghĩa, không phải loại thuốc nào “chích” vào cũng làm cho mít chín nhanh, đẹp, không bị sượng.  “Hóa chất càng “nặng đô” thì mít càng nhanh chín, màu sắc của nó sẽ đẹp hơn. Thuốc khác phải vài ngày mới chín, nhưng loại này, chúng tôi bơm vào chưa đầy 24 giờ sau là nó chín”. Ông Nghĩa quả quyết.

Nói về nguồn gốc, ông Nghĩa không ngần ngại: “thuốc này chú phải lấy ở bên Trung Quốc. Loại này là nguyên chất phải pha với nước mới dùng được. Mỗi bịch có 100 ngàn thôi à, chích được vài tấn mít”.

Với công nghệ “ép” hàng chục tấn mít mỗi ngày như vậy, cùng đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng chục tấn mít được bán ra thị trường và có hàng ngàn người đang ăn phải mít nhiễm loại hóa chất độc hại này.

Sầu riêng cũng bị tiêm hóa chất

Cũng giống như mít, sâu riêng cũng là loại quả thường xuyên bị các chủ vựa dùng hóa chất để “ép”chín. Những loại hóa chất đó đa phần là có xuất xứ từ Trung Quốc, không nhẵn mác, không có cảnh bảo và không hướng dẫn sử dụng.
 Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet.

Một trong số những cơ sở đã bị báo chí đưa ra ánh sáng đó là cơ sở của bà Lan - một thương lái sầu riêng ở xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Bà Lan cho biết: “Bọn tui mỗi ngày mua vài tấn, hơi đâu đợi trái rớt... Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe”. Thông thường sầu riêng từ lúc ra hoa đến kết trái chín phải mất 100-110 ngày, tuy nhiên bà Lan cho người vào tận vườn cắt trái non chỉ từ 70-80 ngày tuổi, sau đó về dùng thuốc ép chín rồi bán ra thị trường.

Theo điều tra của phóng viên, loại hóa chất dùng cho sầu riêng non chín nhanh được bán rất nhiều ở chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) chủ yếu nhập từ Trung Quốc, dùng để thúc chín trái. Nhiều loại hóa chất làm đẹp trái, giữ trái lâu hư cũng được bày bán công khai. Theo các chuyên gia hóa chất, đây là các nhóm hóa chất có tác dụng chống mốc, chống nấm (carbendazim, benomyl...) nên có khả năng giữ được trái không hư trong thời gian dài. Đặc biệt, nếu con người sử dụng phải những loại hóa chất này sẽ gây ra tác hại khôn lường đối với sức khỏe.

Chuối ngâm hóa chất

Trong vai người đang có vài chục buồng chuối cần bán ở Hưng Yên, phóng viên tìm đến chợ Long Biên và nhanh chóng nhận được chia sẻ về "bí kíp dấm chuối xanh non" chín đều chỉ trong hai ngày.

Gặp chị Kiều (dân buôn chuối), PV được chị dẫn đến địa chỉ số 34, Bạch Đằng, Hoàn Kiếm (Hà Nội) để mua loại hóa chất này với giá 4.000 đồng/2 lọ, mỗi lọ 2ml. Đúng là thuốc hiếm khó tìm. Trước khi đi mua thuốc, chúng tôi đã ghé qua trên năm nhà buôn chuối, đu đủ, song nhà nào cũng từ chối khéo và bảo mới hết mấy ngày trước.

 Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet.


"Để mua được đất đèn dấm xoài thì dễ, nhưng để mua được thuốc này thì cần có mối hoặc người quen do thuốc không bán ngoài thị trường. Dân buôn hoa quả mua được qua mối quen ở chợ biên giới từ Trung Quốc chuyển về" - chị Kiều bộc bạch.

Theo hướng dẫn của "người đi trước", đầu tiên, chỉ cần đổ một nửa lọ ethrel vào chậu với 2-4 lít nước (tương đương một chậu nước nhỏ). Hòa tan thuốc vào nước, đợi khoảng năm phút sau cho vào bình phun đều hoặc dội cả chậu nước lên buồng chuối, nhưng phải đảm bảo thuốc phải ướt đều khắp quả. Tiếp theo, ủ kín chuối bởi một lớp chăn nhung, sau 2-3 ngày thì mở ra. Trong quá trình ủ, không được để chuối hở và không nên mở. Chuối dấm không được quá non, nếu không sẽ bị héo quắt hoặc thối nhũn.

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách văn phòng chuyên môn thuộc Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng vẫn chưa có tài liệu nào công bố chính thức tác hại của những loại hóa chất làm chín trái cây. 

Tuy nhiên, với những hóa chất không nằm trong danh mục cho phép của ngành y tế, người tiêu dùng nên lưu ý khi sử dụng sản phẩm được xử lý qua hóa chất. Trường hợp hóa chất được cho phép sử dụng cũng cần xem xét độ tinh khiết của hóa chất, thành phần chiết xuất, tạp chất kèm theo…  

Nhận biết trái cây chín ép
 
Sầu riêng chín cây có mùi thơm nồng, gõ vào phần dưới của trái nghe tiếng kêu lộp bộp và chỉ cần tách nhẹ ở phần dưới cùng của trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ nên một số người bán chỉ tách phần giữa trái cho khách xem chứ không tách được ở dưới trái. 
 
Mít chín cây thì cả múi mít, xơ mít đều chín vàng, mùi thơm ngọt, gai mít nở to. Đối với chuối cau, loại dùng hóa chất thường rất vàng, trái chuối không no tròn, trông rất mướt, buồng chuối vàng đều từ nải đầu đến nải cuối. Chuối chín tự nhiên sẽ có màu vàng xỉn hơn, không bóng mượt nhưng có mùi thơm tự nhiên. Tương tự, xoài chín ép có vỏ vàng rực, bóng láng nhưng không có mùi thơm đặc trưng của xoài chín 

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Anh Đào (TH)

Bình luận(0)