Theo đó hai bệnh nhi là Nguyễn Nhật Minh (8 tuổi), Nguyễn Nhật Minh Hải (3 tuổi), ở Hoà Bình. Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, trưa ngày 21/9, khi thịt cóc hai vợ chồng đã lột sạch da, bỏ hết nội tạng nhưng có để lại bộ trứng cóc nướng lên cho con ăn, cháu Nhật Minh chỉ ăn một miếng, bé Minh Hải ăn thịt cóc lẫn cơm và bố hai cháu cũng ăn một ít.
Sau khi ăn chừng 30 phút, cả ba bố con đều có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục, gia đình cũng nghĩ ngay đến ngộ độc cóc và đưa đến BV Đa khoa Lương Sơn cấp cứu. Tại đây, hai em bé được truyền dịch và chuyển đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. Bố bệnh nhi sau khi truyền dịch tại BV Lương Sơn tình trạng đã đỡ hơn, được xuất viện về nhà.
|
Rất dễ bị ngộ độc nếu thịt cóc chế biến không đảm bảo |
Đánh giá về ca ngộ độc do ăn cóc này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cả hai bé đều bị ngộ độc nhẹ, mới có biểu hiện ngộ độc trên đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn do ăn lượng rất ít. Vì thế, sau 3 ngày truyền dịch thải độc, tình trạng các cháu đã ổn định.
Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng), có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh.
|
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Người dân không nên tự ý ăn thịt cóc vì rất dễ bị ngộ độc |
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, người dân không nên ăn thịt cóc vì nghĩ thịt cóc bổ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định, nhưng ăn thịt cóc rất nguy hiểm bởi nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc. Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp tử vong vì ngộ độc thịt cóc, dù đã lọt bỏ da, gan, trứng cóc.
Để dự phòng ngộ độc do ăn thịt cóc người dân nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành chứ không nên tự ý chế biến vì nguy cơ nhiễm độc dẫn đến ngộ độc rất cao.