Thực hư bệnh phổi mủ

Google News

(Kiến Thức) - Phổi có mủ là từ dùng để chỉ nhiều nhóm bệnh lý tại phổi, bao gồm bệnh lý tại phế nang, phế quản và màng phổi. Chẩn đoán phải dựa  trên triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Hỏi: Tôi nghe nói bị bệnh phổi mủ là do bị bỏ bùa, trong y học có bệnh này không? - Ngô Thanh Huyền (quận Bình Thạnh, TP HCM).
 Ảnh minh họa.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP HCM trả lời:
Phổi có mủ là từ dùng để chỉ nhiều nhóm bệnh lý tại phổi, bao gồm bệnh lý tại phế nang, phế quản và màng phổi. Chẩn đoán phải dựa  trên triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Giai đoạn ổ mủ kín thấy một bóng mờ không thuần nhất, khá rộng, bờ mờ, chưa có ổ phá hủy ở những giai đoạn sau thấy một  hoặc nhiều hang dạng tròn, bờ dầy, xung quanh là tổ chức phổi đông đặc, trong hang có mức khí, nước hoặc thấy màng phổi một bên bị dịch xóa mờ... 
Muốn xác định tác nhân gây bệnh phải cấy mủ từ phổi, màng phổi và làm kháng sinh đồ mới có hướng điều trị đặc hiệu. Các bệnh lý áp xe phổi hoặc màng phổi đều là những bệnh trầm trọng, gây ảnh hưởng đến chức năng trao đổi khí của phổi, nếu lan rộng có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong. 
Như vậy, những bệnh nhân bị "mủ phổi" thường phải vật vã vì khó thở, sốt cao, ho khạc ra mủ. Bệnh lý này phải điều trị bằng kháng sinh, kháng lao hoặc kháng ký sinh trùng đặc hiệu, nếu mủ nhiều phải điều trị ngoại khoa bằng cách dẫn lưu mủ ra ngoài. 
PV (ghi)

Bình luận(0)