Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa gửi báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2013 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43% (hơn 388 tỷ đồng). Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cũng là người phát ngôn của Tập đoàn này cho biết: Việc công bố lãi là cần thiết vì Petrolimex là công ty đại chúng quy mô lớn. Việc kinh doanh của Petrolimex bắt buộc phải có lãi, nếu không có lãi, chắc chắn Petrolimex sẽ không thể tồn tại.
|
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex |
Cũng theo ông Năm, về lợi nhuận trước thuế hợp nhất (của tất cả các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và ở nước ngoài), Petrolimex chỉ đạt 45% so với nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (1.980 tỷ đồng và chi cổ tức là 800 đồng). Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trước thuế tại Việt Nam cũng chỉ đạt 388,22 tỷ đồng, bình quân đạt 94 đồng/lít,kg; tương ứng với khoảng 31% so với lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 15/12/2009 của Bộ Tài chính và đạt 46,27% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đã thông qua (839 tỷ đồng). Đây là lợi nhuận truớc thuế của Công ty Mẹ - Petrolimex và 42 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do Petrolimex đầu tư 100% vốn) hoạt động tại Việt Nam, chịu sự chi phối của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Ông Năm khẳng định, lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu nội địa của Petrolimex đạt thấp do mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Vì thế trong 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ tiếp tục điều hành giá bán xăng dầu trong nước dần tiếp cận với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng.
|
Mỗi người dân đang đóng góp rất lớn vào lãi "khủng" của Tập đoàn này. |
Ông Năm cũng cho biết, Petrolimex đang lên kế hoạch xây dựng đề án minh bạch hóa trong lĩnh vực xăng dầu và sẽ có báo cáo lên Bộ Công thương. Theo ông Năm, đề án cần phân định rõ vai trò, vị trí của giá cơ sở và cơ quan công bố giá cơ sở duy nhất là Bộ Tài chính - làm "vật chuẩn" để các doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát.
Trong khi đó, trao đổi về vấn đề "nhập nhèm" lỗ, lãi của Petrolimex với Kiến Thức, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, việc công bố này rất thiếu minh bạch và hoàn toàn tù mù. Mức lỗ của Petrolimex đúng hay sai rất khó nhận biết trong khi các cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt. Vì thiếu minh bạch nên chưa thể kiểm soát được lỗ lãi của Petrolimex. Chuyên gia Nguyễn Quang A cho biết, việc công bố lỗ của Petrolimex khiến cổ phiếu của Tập đoàn này có lợi trên sàn chứng khoán.
Muốn hạn chế việc nhập nhèm lỗ, lãi của Petrolimex chỉ còn cách là biến Tập đoàn này thành công ty tư nhân và cổ phần hóa doanh nghiệp, để cổ đông có thể kiểm soát được lợi nhuận doanh nghiệp. Điều quan trọng, Liên bộ Công thương - Tài chính phải có đủ khả năng để kiểm soát Petrolimex và cơ quan kiểm toán cần sớm vào cuộc để minh bạch hoạt động kinh doanh của Petrolimex.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn cho biết, việc Petrolimex kêu lỗ để tăng giá xăng dầu và mới đây lại công bố lãi "khủng" là tiền hậu bất nhất, đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào cơ quan quản lý xăng dầu. Người tiêu dùng cho rằng, cơ quan quản lý chưa hoàn thành hết trách nhiệm trong kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, để Petrolimex công bố lỗ, lãi theo ý muốn. Điều này dẫn tới sự mập mờ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào các mặt hàng tiêu dùng. Bởi lẽ, mỗi lần giá xăng dầu tăng, người dân lại càng khốn đốn hơn vì mọi mặt hàng đều tăng theo trong khi thu nhập của họ chưa cao. "Mỗi người dân đang đóng góp rất lớn vào lãi "khủng" của Tập đoàn này", ông Chất nói.