TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh việc tăng giá xăng dầu.
Việt Nam có nhiều câu chuyện kỳ lạ
Tối 17/7, một lần nữa người tiêu dùng lại "ngã ngửa" khi giá xăng dầu tiếp tục tăng. Nhiều người cảm thấy bức xúc vì đây là lần tăng thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng, tăng vào thời điểm khá nhạy cảm là buổi tối. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện kỳ lạ, chúng tôi có quyền tham gia chính sách nhưng chưa một lần nào ngành xăng dầu mời dự buổi điều chỉnh giá. Chúng tôi muốn thông tin minh bạch. Người tiêu dùng chỉ cần được minh bạch, nhưng đây có lẽ vẫn là điều xa xỉ khi cuộc các cuộc tranh luận chỉ ở thế giằng co giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Việc tăng hay giảm giá phải thực hiện theo đúng cơ chế thị trường, đúng nhịp tăng giảm của thế giới. Không thể nào có chuyện cứ đùng một cái bảo tăng như thế được.
Còn việc tăng vào thời điểm 20h, lúc mà mọi sinh hoạt đa phần đều ít liên quan đến xăng dầu, nhất là thời điểm vừa qua, khi người dân đang say sưa xem trận bóng đá Việt Nam - Arsenal thì xăng tăng giá, ông thấy có gì bất thường?
Đúng là cái thời điểm tăng giá này dễ khiến người tiêu dùng nghĩ rằng có điều gì đó mờ ám, điều gì đó không minh bạch trong chuyện này. Cơ quan đưa ra quyết định này mới là nơi đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, sở dĩ phải giữ yếu tố bí mật, bất ngờ khi tăng giá là để đề phòng đầu cơ trục lợi từ phía người mua. Buổi tối có thể ít người mua, việc dừng bán hàng sẽ ảnh hưởng đến ít người hơn.
Nhưng người tiêu dùng có quyền được đặt câu hỏi trong tình huống này?
Đúng thế, người tiêu dùng được cung cấp thông tin là quyền của người tiêu dùng đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng đến nay việc thực hiện luật này cũng còn nhiều vấn đề.
Những bất cập về điều hành giá xăng dầu đã được nói đến nhiều. Việc không minh bạch thông tin dẫn đến những bức xúc của người dân chưa có hướng giải quyết. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam dường như cũng chưa thực hiện được vai trò bảo vệ người tiêu dùng của mình?
Tôi đồng tình do thiếu thông tin nên dẫn đến những bức xúc của người tiêu dùng. Còn nhận định thứ hai, tôi cho rằng chưa thể hiện sự hiểu biết về Hội cũng như kết quả hoạt động của Hội. Trong trường hợp cụ thể này, chúng ta đều biết Nhà nước điều hành giá xăng dầu bằng cơ chế, chính sách và chỉ đạo cụ thể. Việc tham gia ý kiến, trước hết phụ thuộc vào việc cơ quan nhà nước có tham vấn ý kiến của Hội hay không.
|
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam. |
Chưa bao giờ họ hỏi ý kiến chúng tôi
Việc điều chỉnh giá xăng chắc hẳn phải dựa trên sự biến động của giá thế giới, chứ họ không thể tự nghĩ ra giá mới để tăng được?
Doanh nghiệp lỗ thì kêu lớn lắm. Nhưng khi làm ăn tốt hơn, có lãi thì lại nói cần phải bán nốt lô hàng nhập lúc giá cao đã. Như vậy, người tiêu dùng chờ mỏi mắt mà không thấy giá xăng xuống. Trong khi đó, khi tăng thì phải chịu cảnh tăng ngay. Việc đề ra nguyên tắc như thế nào, tăng giá ra sao thì chỉ họ mới biết được.
Thế thì vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu thưa ông?
Theo thông tư 234 của Bộ Tài chính, khi giá thế giới tăng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho doanh nghiệp, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại cho rằng, không biết Quỹ hoạt động như thế nào và họ không được hưởng lợi từ Quỹ. Nhiều khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, việc trích Quỹ vẫn tiếp tục, giữ nguyên y như thời điểm xăng dầu biến động. Cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước tiếp tục đứng sau cùng vì còn phải chờ.
Theo ông thì vì sao giá xăng dầu lại chỉ có lên mà không có xuống, xuống nhỏ giọt, lên ầm ầm?
Câu hỏi này xin dành cho đơn vị đề nghị và cơ quan quyết định việc tăng, giảm giá. Tôi không thể đưa ra bất cứ bình luận gì.
Trong những lần điều chỉnh giá đó, đã bao giờ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam được mời đến lấy ý kiến góp ý không? Vai trò của tiếng nói người tiêu dùng trong lĩnh vực xăng dầu đã được xem xét để ý chưa?
Tôi chưa bao giờ được mời đến lấy ý kiến góp ý. Mặc dù góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả là một trong những quyền của người tiêu dùng theo Luật định. Vì vậy, tiếng nói của Hội cũng như của người tiêu dùng chưa đến trực tiếp, mà chỉ qua báo chí. Vì vậy, cũng không rõ có đến được với người có trách nhiệm hay không.
Chính sách nào cũng phải có mặt người tiêu dùng
Ở góc độ là một chuyên gia, một nhà khoa học, theo ông thì phải làm gì với thực trạng điều hành giá xăng dầu hiện nay?
Tôi chỉ là người hoạt động trong lĩnh vực xã hội, không phải là chuyên gia và nhà khoa học. Tôi nghĩ rằng, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm vì là vấn đề "quốc kế, dân sinh". Ở đây phải có sự hài hòa giữa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính sách phải bảo đảm sự hài hòa giữa ba lợi ích đó. Khi xây dựng chính sách cần có sự tham gia của người tiêu dùng, hoặc đại diện người tiêu dùng.
Thế còn người tiêu dùng, họ có thể làm gì, phải làm gì để có được một giá xăng minh bạch?
Người tiêu dùng không đòi hỏi những gì ngoài pháp luật, chỉ cần thực thi đúng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ có thể kiến nghị để đáp ứng yêu cầu trên.
Việc các doanh nghiệp liên tục kêu lỗ, giá thế giới hơi có chiều hướng tăng, người tiêu dùng không thể giám sát, ai sẽ giám sát đây?
Trong kinh doanh, doanh nghiệp luôn luôn vì lợi nhuận. Cho nên việc doanh nghiệp lúc nào cũng báo lỗ là điều dễ hiểu. Vấn đề là ai sẽ kiểm tra và minh chứng mức giá mà doanh nghiệp công bố. Trong khi đó doanh nghiệp tự quyết định giá, kiểm toán cũng chưa thể thực hiện vì chưa đến kỳ kiểm toán. Và cũng từ khi được tự quyết định giá, chưa bao giờ thấy doanh nghiệp báo lãi, chỉ khi có áp lực từ xã hội, từ phía các cơ quan chức năng gây áp lực mạnh thì doanh nghiệp mới chịu giảm giá.
Với trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, ông làm gì trong tình huống này?
Người dân đã mất lòng tin vào giá xăng dầu trong nước vì từ trước đến nay dễ tăng khó giảm. Bản thân chúng tôi cũng đã nỗ lực làm nhiều việc. Nhưng việc họ lắng nghe hay không, lắng nghe đến đâu thì cũng không biết được. Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng cũng chỉ trong khả năng của tôi thôi.
Chốt lại vấn đề thì tất cả những bất cập này có mấu chốt từ đâu ạ?
Bản chất của vấn đề giá xăng dầu nằm ở nghịch lý trong công tác điều hành, phải nhìn vào đây để giải quyết. Không thay đổi cơ chế điều hành, không thể có chuyện giá theo thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Nói xăng dầu giờ là mặt hàng quản lý tốt nhất của Nhà nước, nhưng chỉ là chính sách thôi, còn thực tế có chuyện doanh nghiệp mua xăng dầu pha acetone, gắn con chíp... thì vẫn xảy ra khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Mục tiêu Chính phủ đặt ra ai cũng hiểu, nhưng vấn đề thể hiện bằng chính sách thế nào để cả 3 quyền lợi được bảo đảm. Người tiêu dùng muốn thông tin minh bạch, xây dựng chính sách cũng phải thuyết phục, nhất quán để đảm bảo kinh doanh có lãi và người dân không bức xúc.