Tòa nhà cao nhất Việt Nam có thực sự đẳng cấp?

Google News

(Kiến Thức) - An ninh chưa tốt dẫn tới mất cắp, dịch vụ chưa đảm bảo khiến cư dân bất bình... tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam có thực sự đẳng cấp như từng ca ngợi?

Những vụ "lùm xùm" mới đây của tòa nhà Keangnam không chỉ khiến dư luận bất bình mà còn nghi ngờ về chất lượng thực tại đây. Cùng điểm lại những lần tòa nhà này "dính phốt" thời gian gần đây.
Mới đây, tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) xảy ra một vụ trộm hi hữu. Một nhóm thanh niên khi chơi ở tầng 72, lợi dụng lúc sơ hở đã trộm các đầu đĩa và camera ở tầng này.
Theo đó, sáng 14/10, Thái Vân Nhã (23 tuổi), trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cùng 3 người bạn khác trong đó có một người nước ngoài tên là Thomas Burton (21 tuổi), quốc tịch Mỹ đi đến tòa nhà Keangnam chơi. Khi tới nơi, cả 4 người này đã lậu vé để đi thang máy lên tầng 72 chơi. Đến 1h45 ngày 15/10, 3 người trong đó có Nhã bị lực lượng bảo vệ tòa nhà phát hiện, lúc này Thomas Burton không thấy đâu.
Lực lượng bảo vệ đã lập biên bản với 3 đối tượng trên và yêu cầu phải trả 880.000 đồng tiền vé. Tuy nhiên cả nhóm không đủ tiền nên bảo vệ đã giữ chứng minh thư nhân dân và cho họ ra về lấy tiền.
Thomas Burton và tang vật vụ trộm trên tòa nhà Keangnam. Ảnh: An ninh Thủ đô. 
Sau khi nhóm thanh niên trên ra về, lực lượng bảo vệ phát hiện tại khu vực tầng 72 có mất 2 đầu đọc đĩa chơi game hiệu Xbox 360, 1 camera hiệu Xbox 360 Kinnect và 1 đĩa chơi điện tử. Khoảng 1 giờ sau, nhóm thanh niên trên quay lại trong đó có cả Thomas Burton mang theo một ba lô có toàn bộ số tài sản bị mất tại tầng 72. Thái Vân Nhã đưa lại chiếc ba lô trên cho bảo vệ tòa nhà và xin lỗi vì Thomas đã lấy cắp tại tầng 72, đồng thời Nhã còn đưa cho bảo vệ tòa nhà 2 triệu đồng, đề nghị không đưa sự việc ra cơ quan công an nhưng không được chấp nhận.
Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, Nhã đã khai toàn bộ sự thật. Chính Nhã đã lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, lừa Thomas Burton lấy những đồ trưng bày ở Keangnam mang về nhà sử dụng.
Đây được xem là vụ trộm ngớ ngẩn nhất xảy ra lần đầu tại Keangnam mà lực lượng bảo vệ phát hiện ra. Tuy nhiên, không chỉ bị mất trộm, trước đó, những cư dân tòa nhà này còn vô cùng bức xúc khi ngẫu nhiên bị côn đồ xông vào tấn công.
Sự việc xảy ra tối 18/11/2011, khi cư dân tòa nhà đưa trẻ con xuống sân vườn tầng 5 (sân chơi của trẻ em tại khu Keangnam) chơi như mọi ngày thì bất ngờ bị bảo vệ ngăn cản không cho vào chơi. Những người dân ở đây càng bất ngờ hơn khi thấy nhân viên công ty Mai Linh đang dựng rạp sân khấu chiếm hết đài phun nước và khu sân chơi bóng của trẻ em. Nhưng khi người dân tỏ ý phản đối thì bảo vệ lại tỏ thái độ khó chịu, bất hợp tác, coi thường ý kiến phản đối của người dân.
 Cư dân tụ tập trước cửa vào của Keangnam phản đối sự thờ ơ của lực lượng bảo vệ khi để côn đồ tấn công cư dân.
Trong lúc người dân đang phản đối việc chiếm dụng sân chung thì có 4 người xuất hiện, đe dọa, quát mắng. Khi anh Trần Thanh Hiền (sống tại căn hộ A1083) lên tiếng yêu cầu 4 người này có thái độ lịch sự hơn thì lập tức bị họ xông vào đánh đập. Nhóm người này còn ném ghế vào những người muốn can ngăn. Dù cư dân kêu gào nhưng bảo vệ vẫn khoanh tay đứng nhìn. Ngay tối đó, anh Hiền đã được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ kết luận, anh Hiền bị gãy chân, vỡ xương bánh chè.
Sau khi sự việc xảy ra, sáng 19/11/2011, rất đông cư dân tòa nhà đã dựng hàng rào không cho phương tiện đi lại vào tòa nhà, đồng thời chăng hàng loạt biểu ngữ phản đối sự thờ ơ của bảo vệ trong vụ việc trên.
Không chỉ lực lượng bảo vệ thờ ơ với cư dân, trước đó, cư dân chung cư Keangnam còn liên tục tố chủ đầu tư vì có những hành động "ngược đãi, bắt chẹt" người dân.
Đầu năm 2012, ban quản lý tòa nhà Keangnam bất ngờ ra thông báo tiến hành thu phí từ tháng 1/2012 ở mức 4.000 đồng/m2, đồng nghĩa với việc chỉ cung cấp dịch vụ tương ứng với mức giá trên. Sau thông báo, trong năm 2012, cư dân sống tại đây phải chịu bao ấm ức về những sự cố với thang máy. Còn nhớ, tối 23/5/2012, sự cố mất điện toàn bộ tại 2 tòa nhà A và B của Keangnam đã khiến hệ thống thang máy tại chung cư này tê liệt. Điều đáng nói là sự cố mất điện diễn ra trong vòng nửa tiếng (từ 19h20 đến 19h45), cư dân bị mắc kẹt trong thang máy nhưng không hề nhận được sự trợ giúp, cứu hộ cần thiết từ lực lượng bảo vệ hay Ban quản lý tòa nhà. Vì bị nhốt quá lâu, thiếu oxy và không được trợ giúp, 6 cư dân mắc kẹt thực sự hoảng loạn, trong đó có 2 cháu nhỏ bị ngất xỉu. Sau khi sự cố xảy ra, đại diện Tổ dân phố, công an khu vực và đại diện cư dân Keangnam đã có mặt tại văn phòng Công ty quản lý Chesnut, yêu cầu gặp lãnh đạo và lập biên bản ghi nhận sự việc nhưng không nhận được sự hợp tác.
  Cư dân Keangnam liên tục gặp sự cố về thang máy. Ảnh: Dân Việt.
Trước đó ít ngày vào ngày 18/5/2012, chỉ ít phút sau lễ khai trương đài quan sát trên tầng 72 của tòa nhà Keangnam, hàng chục người tham quan đã được một phen hốt hoảng khi 1 trong 2 thang máy đưa khách lên tầng 72 gặp sự cố trôi bất thường. Sự cố nói trên tiếp tục lặp lại vài lần sau đó khiến nhiều khách tham quan thót tim.
Không chỉ chịu khổ sở về thang máy, cư dân tòa nhà còn lo sợ bởi cơ sở vật chất kỹ thuật không an toàn. Vào ngày 25/5 vừa qua, một cơn dông lớn thổi mạnh khiến lồng sắt (platform), bên trong có nhóm công nhân đang làm việc, đập vào vách làm kính ở tầng 60 tòa nhà Keangnam vỡ toang. Hậu quả, các mảnh kính vỡ sắc nhọn rơi từ độ cao hàng trăm mét xuống bể bơi ngay dưới. Lúc này, nhiều người lớn và trẻ em có mặt tại bể bơi trên đã vô cùng hoảng hốt. 
 Cảnh chiếc lồng bị gió thổi và đập liên tục vào tầng 23 của tòa nhà vào ngày 9/8/2011 (Ảnh chụp lại từ clip). Ảnh: Dân Việt.
Sự cố này đã từng xảy ra vào chiều 9/8/2011, người dân cũng hoảng hồn khi chứng kiến một lồng sắt chao đảo do bị mưa dông thổi, va đập liên hồi vào tầng 23 của tòa nhà này. Những cơn dông gió mạnh vào chiều 9/8/2012 cũng đã thổi bay toàn bộ 5 ô kính bảo vệ bên ngoài của tầng thứ 22 của tòa nhà 72 tầng Keangnam, rơi xuống sảnh phía trước giáp với đường Phạm Hùng, rất may không có ai bị thương.

 Hình ảnh vụ cháy xảy ra ở tầng 7 tòa nhà Keangnam. Ảnh: Bưu điện Việt Nam.
Không chỉ bị kính rơi vỡ, cư dân ở đây cũng đã từng chứng kiến vụ cháy xảy ra vào ngày 27/8/2011 ở tầng 7 tòa nhà để máy cung cấp hệ thống gió cho các máy điều hòa trung tâm các tầng thuộc tòa nhà. Theo một công nhân vừa làm việc tầng 7, nơi xảy ra vụ cháy thì nguyên nhân vụ cháy là do các công nhân hàn để rơi xỉ hàn làm âm ỉ cháy bên trong. Được biết, một số công nhân làm việc hàn xì tại đây đã bị bỏng, ngoài ra mức thiệt hại ước tính khá lớn.
Minh Phương (tổng hợp)

Bình luận(0)