Tranh chấp chủ đầu tư – cư dân như “cơm bữa”
Dư luận đang xôn xao vì những ồn ào ở khu chung cư cao cấp bậc nhất giữa thủ đô. Nguyên nhân là gần đây bỗng tiến hành cơi nới, xây thêm, khiến một số cư dân ở đây phải thuê nhà nơi khác để ở. Điều đáng nói là diện tích làm thang máy có phần lấn chiếm với sân chung, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
|
Căng thẳng leo thang tại chung cư cao cấp bậc nhất Hà Nội.
|
Theo các hộ dân, từ đầu tháng 6/2013, chủ đầu tư Pacific Place là công ty Ever Fortune, thuộc tập đoàn Mapletree Property của Singapore tiến hành cải tạo, lắp thêm 3 thang máy phục vụ khối văn phòng. Việc thi công những hạng mục này đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của hàng chục hộ dân.
Đỉnh điểm của vụ việc là ngày 21/8/2013 hàng chục cư dân của tòa nhà đã căng băng rôn phản đối những hoạt động cơi nới, lắp thêm 3 thang máy của chủ đầu tư trước tòa nhà. Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư, tất cả những công trình đã và đang xây tại tòa nhà đều hợp pháp và nhằm mục đích phục vụ lợi ích của cư dân, thang máy lắp thêm cũng sắp hoàn thành thi công.
Pacific Place là khu phức hợp cao 18 tầng, với 179 căn hộ, cùng hàng chục nghìn m2 văn phòng, khu thương mại và 5 tầng hầm để xe, được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Không ít hộ dân tại đây đã từng trả đến 100 triệu đồng/m2 khi mua căn hộ, tương đương khoảng 10 tỷ đồng cho một căn có diện tích 100 m2.
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ “bùng nổ” tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân ở các chung cư. Cách đây khoảng hơn 3 tháng, hàng chục cư dân đang sinh sống tại chung cư 16B Nguyễn Thái Học (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), tập trung tại sân chung cư với băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng.
Hay như vụ hàng chục người dân đã mang theo băng rôn với nội dung “Tricon Tower chậm tiến độ, đề nghị Công ty Minh Việt bồi thường thiệt hại” kéo đến trụ sở Công ty CP Đầu tư Minh Việt tại tòa nhà C1, D6 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi bồi thường thiệt hại.
Không chỉ dừng ở việc biểu tình, một số nhà đầu tư phản đối Dự án Xuân Phương từ giá bán 8 triệu đồng/m2 và đơn giá hoàn thiện là 3,5 triệu đồng/m2 nâng giá bán lên 34 triệu đồng/m2 đã kiện chủ đầu tư tòa.
Những tranh chấp ở chung cư diễn ra cũng rất đa dạng, ở mọi thời điểm, với nhiều nguyên nhân: từ huy động vốn, chậm tiến độ, tăng diện tích khi xây dựng tới khi nhận nhà thì tranh chấp về bảo trì, phí sử dụng…
Phí dịch vụ “cắt cổ” ở hàng loạt chung cư xịn
Một loạt các chung cư cao cấp ở Hà Nội như: Golden Westlake, Keangnam, The Manor, Sky City... đã cùng nhau ký đơn gửi đến các cơ quan chức năng khi bị đơn vị quản lý tòa nhà tự áp mức phí dịch vụ cao “cắt cổ” khi sinh sống tại các tòa nhà chung cư đó.
|
Nhiều tranh chấp kết thúc bằng những cuộc biểu tình. |Ảnh: Internet
|
Cụ thể, tại chung cư Keangnam, để được hưởng tất cả các dịch vụ và tiện ích hiện đại nhất của tòa nhà như bể bơi, phòng tập thể thao... cư dân sẽ phải đóng với mức phí 17.130 đồng đồng/m2/tháng (chưa có 10% VAT) sau khi đã đấu tranh nhiều lần. Vì phản đối, nhiều cư dân đã không chịu đóng phí và bị chủ đầu tư cắt dịch vụ. Để đạt được thỏa thuận, các cư dân tại đây dùng rất nhiều biện pháp như rải tờ rơi, mang bếp than tổ ong ra đốt, trải chiếu để "ăn ngủ tại sảnh", phát loa phản đối...
Tại chung cư Golden Westlake, để được sở hữu một chỗ để xe các cư dân sẽ phải chi trả theo các phương án như mua đứt vị trí để xe với mức giá hơn 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ để xe. Nếu không chấp nhận phương án này, cư dân sẽ phải đóng tiền thuê chỗ với mức phí gần 3 triệu đồng/tháng/chỗ, tuy nhiên khách hàng lại bị “bắt chẹt” khi sẽ phải thanh toán hết tiền thuê trong vòng 38 năm.
Cư dân Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội) cũng đã có thời điểm hoảng vì phí gửi xe. Cuối tháng 3/2011, chủ đầu tư Sky City thông báo ấn định mức phí gửi ô tô 2,5 triệu đồng mỗi tháng, gấp đôi quy định của thành phố và lý giải mức phí được xây dựng dựa trên một số bộ Luật và việc hạch toán kinh doanh để họ không bị lỗ.
Sau một thời gian ngắn xảy ra tranh chấp, trước sự “cứng rắn’ của người dân, chủ đầu tư phải nhượng bộ và điều chỉnh mức phí xuống còn 1,25 triệu đồng.
Tại chung cư The Manor (Mỹ Đình, Hà Nội), một trong những tổ hợp chung cư hiện đại nhất Hà Nội, khi tòa nhà mới hoạt động năm 2007, cư dân đã giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư tính phí quản lý nhà quá cao, mỗi tháng là 14.000 đồng/m2, phí gửi xe máy cũng tới 160.000 đồng và ô tô là 1,6 triệu đồng/xe. Đỉnh điểm là tháng 3/2009, tranh chấp lại tái phát. Một số cư dân không chịu đóng phí nên chủ đầu tư đã chặn barier trước cửa hầm.
Hàng “xịn” đua nhau… xuống cấp
Không chỉ gây bức xúc cho cư dân vì mức phí đắt hay cơi nới một cách “ngẫu hứng” mà các chung cư cao cấp còn gây bất ngờ với tốc độ xuống cấp chóng mặt.
Tòa nhà “đình đám” Keangnam Vina có thời điểm nước lênh láng tràn cả vào bên trong do trời mưa, đặc biệt thang máy phải ngừng hoạt động để chờ sửa chữa do… ngập nước.
|
Ống dẫn ở bình nước nóng không được lắp hoàn thiện tại một chung cư. |
Theo một số người dân sống tại đây, sự cố rỉ nước ở tòa nhà cao cấp Keangnam không phải mới xảy ra một lần. Lần đầu tiên diễn ra ngay khi vừa bàn giao căn hộ, hai thang máy ngoài cùng bị hỏng, không sử dụng được trong vòng hai tháng do sự cố rò rỉ nước.
Không chỉ có ở tòa nhà Keangnam, hàng chục hộ dân sống tại chung cư The Manor – Khu đô thị mới Mỹ Đình cũng đã bị nếm mùi mất nước trong vài ngày. Ban quản lý tòa nhà đơn phương cắt toàn bộ nước sạch trong khi đó tất cả các hộ dân này vẫn đảm bảo việc nộp tiền nước đúng theo kỳ hạn.
Đầu năm 2012, chung cư cao tầng của nhà thầu Vinaconex cũng đã gây bức xúc với người dân. Tuy mới đi vào hoạt động chưa được 2 tháng nhưng Chung cư N05 do Vinaconex làm chủ đầu tư (Khu đôi thị mới Trung Hòa Nhân Chính, đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) đã xuống cấp trầm trọng, hầm để xe biến thành ao, tường nhà rêu móc, mùi thức ăn lan tỏa khắp tòa nhà. Tường nhà "cao cấp" đến nỗi mới sử dụng chưa đầy 2 tháng đã bắt đầu rêu mốc, người dân phải nảy sinh "sáng kiến" cắt hoa để dán che lên. Thậm chí, hệ thống thoát nước tại đây... đều chảy ngược. Tức là cứ mỗi lần gạt cần xả vệ sinh, nước sẽ "thốc" ngược lên sàn nhà lênh láng.
Gần đây nhất, khách hàng mua căn hộ thuộc dự án CT5AB Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 làm chủ đầu tư phản ánh, dù đã nhận nhà gần một năm nay nhưng họ vẫn như ngồi trên đống lửa, lo lắng cho tính mạng của mình do phải sống trong cảnh “3 không”: không hệ thống PCCC, không hệ thống xả rác, không có gas trung tâm.
Do không có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), nên nhiều hộ gia đình ở các tầng thấp của tòa nhà đã phải tự bỏ tiền để mua một số thiết bị cứu hộ gắn ở ban công.