Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC) - thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đồng thuận về việc chuyển hồ sơ sang Bộ Công an và các cơ quan nội chính trung ương, đề nghị làm rõ thất thoát hàng trăm tỉ đồng trong giai đoạn bà Vũ Thúy Huệ và ông Nguyễn Văn Quế làm lãnh đạo.
Mua nhà cao gấp 100 lần giá trị thực
Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất mà HĐQT đương nhiệm “tố” bà Vũ Thúy Huệ - Nguyên Chủ tịch HĐQT PV EIC, đó chính là việc bà Huệ chỉ đạo mua 5
căn hộ chung cư cũ tại số 219 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM với giá trị lên đến 27,9 tỉ đồng từ ông Hoàng Đình Sơn.
Đây là một căn nhà tập thể cũ nát, được chia cho 8 hộ gia đình ở. 5 căn hộ do bà Huệ chỉ đạo mua rất nhỏ, căn lớn nhất có diện tích 57,56 m2, căn nhỏ nhất chỉ rộng 20,79m2 và tổng diện tích sử dụng của 5 căn chỉ là 187,43m2. Hơn nữa, 3 trong số 8 hộ không chịu bán nên việc sửa chữa, đi lại giữa các phòng trong căn nhà là rất bất tiện.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, ông Vũ Đình Tiến và bà Nguyễn Thị Tý mua 5 căn hộ chung cư cũ trên với giá chỉ có 250 triệu đồng. Như vậy, chỉ với phi vụ “ép” Tổng công ty mua “lòng vòng” nhà của bố mẹ mình, bà Vũ Thúy Huệ đã khiến cả HĐQT và nhiều cán bộ công nhân viên PV EIC bức xúc vì mức chênh lệch thiệt hại cho riêng giá trị tài sản mua đã lên đến 27,65 tỉ đồng, gấp hơn 100 lần giá trị thực.
Cũng theo điều tra của PV, trong tổng giá trị 27,9 tỉ đồng giao dịch mua 5 căn hộ chung cư nói trên, PV EIC cũng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính và pháp luật Việt Nam khi tiến hành trả bằng tiền mặt 25,9 tỉ đồng cho ông Hoàng Đình Sơn, không thanh toán qua tài khoản
ngân hàng. Chưa hết, ngày 26/6/2010 PVEIC mới ký hợp đồng mua phần diện tích của 5 căn hộ nhưng từ ngày 1/2/2010, Tổng công ty đã tiến hành thanh toán cho ông Sơn, tính đến ngày 21/6/2010 là 18,5 tỉ đồng.
Điều đáng nói là việc PV EIC mua nhà vào thời điểm ông Hoàng Đình Sơn không phải là chủ sở hữu nhà hợp pháp, mà thực chất 5 căn hộ này thuộc sở hữu của ông Vũ Đình Tiến và bà Nguyễn Thị Tý - là bố mẹ ruột của bà Vũ Thúy Huệ.
“Các căn hộ này hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, không hề có giá trị sử dụng cho Công ty và hiện nay lượng vốn của Tổng công ty đang bị tồn đọng cộng với lãi suất ngân hàng phát sinh theo từng thời điểm lên đến hơn 40 tỉ đồng. Việc mua bán chuyển nhượng 5 căn hộ trên cho thấy đây là việc làm sai trái, có tổ chức, cố tình che giấu cổ đông để trục lợi, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước và quy định về trách nhiệm của người đại diện phần vốn của Tập đoàn PVN” - bà Lê Thúy Hương, Thường trực HĐQT PV EIC khẳng định.
Nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng
PV EIC là một trong những đơn vị thành viên của PVN, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Những sai phạm hàng loạt trong thời gian qua đã dẫn đến hệ quả Tổng công ty này thường xuyên thua lỗ nặng nề trong những năm gần đây. Cụ thể, theo báo cáo của HĐQT đương nhiệm PV EIC,
Ban lãnh đạo cũ PV EIC đã gây thất thoát gần cả trăm tỉ đồng của Nhà nước và các cổ đông trong công ty.
Đứng trước hàng loạt sai phạm trên, HĐQT PV EIC đương nhiệm vừa qua đã có phản ánh rất nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành tại PV EIC trong giai đoạn từ năm 2009 đến 31/8/2013.
Trong văn bản số 162/PVEIC-HĐQT gửi PVN ngày 15/8, bà Lê Thúy Hương, thay mặt HĐQT PV EIC (theo Nghị quyết 30/NQ-PVEIC của HĐQT) báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn và các dự án tại PV EIC. Báo cáo nêu lên những vấn đề liên quan đến việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn chưa thỏa đáng, gây thất thoát tài chính đối với các cổ đông về lĩnh vực đầu tư bất động sản cùng các khoản đầu tư khác tại tổng công ty và các công ty con.
Theo báo cáo trên, từ năm 2009 đến năm 2011, PV EIC đã đầu tư nhiều dự án bất động sản không đúng mục đích, vi phạm
tài chính dẫn đến thất thoát vốn, tồn đọng nhiều dự án không sử dụng được.
Những sai phạm cụ thể gồm việc mua các tài sản là 5 căn hộ chung cư cũ (trị giá 27,9 tỉ đồng) tại số 219 đường Hai Bà Trưng, Q.1, TPHCM, lô đất tại KDC Nam An Khánh (trị giá 15,9 tỉ đồng), mua căn hộ trị giá hơn 8,5 tỉ đồng tại Phú Mỹ Hưng để làm kho chứa tài liệu, qua mặt ĐHĐCĐ và HĐQT ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án sản xuất biến tử thạch anh cao cấp tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 20-30 triệu USD, gây thất thoát gần 2 tỉ đồng…
Trong giai đoạn này, PV EIC lần lượt do Bà Vũ Thúy Huệ làm Chủ tịch HĐQT, các ông Nguyễn Văn Quế, Trần Trung Chính, Nguyễn Viết Long lần lượt đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Đáng lưu ý, bà Vũ Thúy Huệ là Tổng Giám đốc đầu tiên tại PV EIC, cũng chính là vợ của ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc đương nhiệm của PVN.