Tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, tập đoàn đã chuẩn bị đầy đủ cho việc thay thế nhân sự lần này. Ông Thực cũng cho biết, việc thay đổi nhân sự luôn có quy trình, quy định và quy hoạch rõ ràng nên không có điều gì xáo trộn với PVN.
Tại cuộc tiếp xúc với báo chí ngày 7/1/2014, ông Phùng Đình Thực cũng cho hay, không có chuyện PVN trả lại 5 dự án điện mà Chính phủ đã giao. Hiện tại, PVN đã đưa Nhà máy Thủy điện Hủa Na, công suất 180 MW vào vận hành đúng tiến độ. Các dự án khác như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 đang xúc tiến tiến độ hoàn thiện.
|
Theo ông Phùng Đình Thực, việc thay đổi lãnh đạo chủ chốt không gây xáo trộn gì với PVN. Ảnh: Hải Sơn. |
Đánh giá chung về nhiệm vụ tái cơ cấu PVN, lãnh đạo tập đoàn cho rằng PVN đang thực hiện hiệu quả tiến trình này. PVN đang thực hiện Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2013. Lãnh đạo PVN cho biết tất cả các đơn vị sau tái cơ cấu đều tập trung vào 5 lĩnh vực chính của Tập đoàn (thăm dò khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao). Những đơn vị không thuộc các lĩnh vực này sẽ được thoái vốn theo lộ trình nhằm bảo toàn vốn cao nhất cho Nhà nước.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil thuộc PVN) đã thực hiện tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất Công ty TNHH một thành viên Chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC) và Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim). Đồng thời xây dựng đề án hợp nhất Trường đại học Dầu khí và Viện Dầu khí thành Học viện Dầu khí.
Chia sẻ về lộ trình thoái vốn tại các ngân hàng và công ty tài chính mà PVN đang đầu tư, ông Thực cho biết: Theo đề án tái cấu trúc tập đoàn đã phê duyệt thì PVN gần như đã rút dần khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Từ nay tới năm 2015, PVN sẽ rút hoàn toàn vốn khỏi Ngân hàng Oceanbank. Bên cạnh đó, Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), sau khi được phép của Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hợp nhất. Theo lộ trình, vào năm 2015, vốn sở hữu của PVN tại PVFC chỉ còn dưới 20%.
Cũng trong buổi họp báo, PVN công bố những kết quả đạt được trong năm 2013. Cụ thể, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 762,86 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 195,4 nghìn tỷ đồng, vượt 31,5% kế hoạch năm, tăng 4,5% so 2012.
Xét với kết quả hợp nhất, PVN đạt tổng doanh thu 384,4 nghìn tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, bằng 127,5% kế hoạch năm. Các chỉ số tài chính khác đều đảm bảo an toàn và phát triển của Tập đoàn.
Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 26,46 triệu tấn, bằng 105% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 16,71 triệu tấn vượt 4,4% kế hoạch năm; sản lượng khai thác khí đạt 9,75 tỷ m3, vượt 6% kế hoạch năm. Lượng điện sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia đạt 16,17 tỷ kWh, vượt 16,7% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu các loại toàn tập đoàn đạt 6,6 triệu tấn, bằng 122,5% kế hoạch năm.
Năm 2014, PVN được Chính phủ giao doanh thu toàn tập đoàn 666,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 140,5 nghìn tỷ đồng. Về kế hoạch hợp nhất, doanh thu hợp nhất được giao 350 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 52,5 nghìn tỷ đồng.
PVN cũng tự đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 55 nghìn tỷ đồng. Mức này thấp hơn so với thực hiện 2013 khoảng 12,4%.