"Dù biết rằng các cuộc tấn công mới (của Nga - PV) và thương vong là không thể tránh khỏi, NATO cố tình quyết định không đóng cửa không phận Ukraine", ông Zelensky nói trong một video được công bố hôm 4/3, theo AFP.
“Hôm nay, ban lãnh đạo của liên minh đã bật đèn xanh cho các cuộc ném bom thêm nữa vào những thành phố và làng mạc của Ukraine, bằng việc từ chối lập vùng cấm bay", ông nhấn mạnh.
|
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4/3 chỉ trích NATO vì loại trừ khả năng áp vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Ảnh: AP.
|
Phản ứng của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi NATO từ chối lời kêu gọi lập vùng cấm bay tại Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các lực lượng của liên minh sẽ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn tới chiến tranh với Nga.
"Chúng tôi không phải một bên tham chiến và có trách nhiệm bảo đảm không để chiến sự leo thang vượt ra ngoài phạm vi Ukraine", Tổng thư ký Stoltenberg cho biết ngày 4/3, theo Reuters.
Ông Stoltenberg cho hay các quan chức NATO đã thảo luận về khả năng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, tuy nhiên sau đó nhất trí rằng máy bay cũng như binh sĩ của NATO không nên tham chiến ở Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
"Chúng tôi thấu hiểu tình cảnh khó khăn hiện nay, nhưng NATO tin rằng nếu làm như vậy (thiết lập vùng cấm bay), chúng ta sẽ rơi vào tình thế một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu, khiến nhiều quốc gia, nhiều sinh mạng bị đe dọa", ông Stoltenberg cho biết.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine nhằm ngăn quân đội Nga không kích gây thiệt hại quy mô lớn cho các thành phố, thị trấn, khu dân cư của Ukraine.
Tuy nhiên, cách duy nhất để NATO thiết lập vùng cấm bay là trực tiếp cử máy bay chiến đấu tới Ukraine, có thể dẫn tới nguy cơ xung đột trực tiếp với lực lượng Nga.
Phương Tây lên án Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Mỹ và đồng minh phương Tây đã lên án mạnh mẽ Nga sau khi lực lượng của họ chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine.
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an hôm 3/3 (giờ địa phương), Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói: "Cuộc tấn công của Nga vào đêm qua đã đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vào nguy cơ nghiêm trọng. Điều đó liều lĩnh và nguy hiểm tột độ. Và nó đe dọa sự an toàn của dân thường trên khắp nước Nga, Ukraine và châu Âu", bà nói.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward khẳng định rằng sự việc này không được phép lặp lại một lần nữa. Đồng thời, bà cho biết rằng lực lượng Nga vẫn phải bảo vệ sự an toàn và an ninh của các địa điểm hạt nhân khi chiến đấu.
|
Bản đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đồ họa: Telegraph.
|
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia gạt bỏ sự bất bình của phương Tây về nhà máy điện hạt nhân. Ông gọi cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 4/3 là một nỗ lực khác của chính quyền Ukraine nhằm tạo ra "cơn cuồng loạn".
“Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và vùng lân cận đang được quân đội Nga canh gác”, ông nói.
Ông Putin bác bỏ thông tin binh sĩ Nga không kích Ukraine
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4/3, Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ việc binh sĩ Nga đánh bom các thành phố Ukraine, gọi đó là tin giả, Kremlin cho biết.
“Ông Putin nói rằng những thông tin về "các cuộc không kích đang nhắm vào Kyiv và các thành phố lớn khác là tuyên truyền sai sự thật", Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng đối thoại về Ukraine sẽ chỉ có thể diễn ra nếu các yêu cầu của Nga được đáp ứng.
|
Khu vực Nga kiểm soát tính tới ngày 4/3 (giờ Việt Nam). Đồ họa: New York Times.
|
Ông Putin “khẳng định rằng Nga sẵn sàng đối thoại với phía Ukraine, cũng như với những ai muốn hòa bình ở Ukraine. Nhưng điều kiện là mọi yêu cầu của Nga đều phải được đáp ứng”, Điện Kremlin cho biết.
Những điều kiện này bao gồm tình trạng trung lập và phi hạt nhân hóa của Ukraine, công nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận "chủ quyền" của các lãnh thổ ly khai ở miền Đông Ukraine.
“Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng trong vòng đàm phán thứ ba đã được lên kế hoạch, các đại diện của Kyiv sẽ thể hiện lập trường hợp lý và mang tính xây dựng”, Điện Kremlin nói thêm.
Theo cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, vòng đàm phán thứ ba giữa phái đoàn nước này và Nga dự kiến diễn ra vào cuối tuần.
Nga chặn Facebook và hạn chế Twitter
Nga ngày 4/3 đã chặn Facebook và hạn chế Twitter vì lưu truyền “tin giả" về quân đội, cũng như phân biệt đối xử với các trang tin tức của họ, giữa cuộc tấn công vào Ukraine.
Cơ quan quản lý truyền thông Roskomnadzor cho biết Facebook đã bị chặn hoàn toàn vì "phân biệt đối xử" đối với các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, theo AFP.
Trước đó trong ngày, các nhà lập pháp Nga ủng hộ đạo luật sẽ áp dụng các hình phạt khắc nghiệt đối với những người đăng tải "tin giả" lên mạng xã hội này.
Hạ viện Nga tuyên bố nếu tin giả “dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, người đăng tải “sẽ có nguy cơ bị phạt tù lên đến 15 năm".
Những người kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù.
Trong khi đó, cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga cho biết nước này cũng đã hạn chế quyền truy cập vào Twitter, theo hãng thông tấn nhà nước Ria. Twitter cũng đã xác nhận một số người dùng Nga đang bị hạn chế truy cập vào nền tảng của họ.