|
Một đứa trẻ Palestine phải sơ tán đến thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 20/2. (Ảnh: Reuters) |
Nghị quyết được trình lên các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để yêu cầu ngừng giao tranh ở Dải Gaza, trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công vùng đất này và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.
Các cường quốc cố gắng tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng nhưng không thành công, trong khi các chuyên gia hoà giải không đạt được kết quả mong muốn về một thỏa thuận ngừng bắn.
Washington phủ quyết dự thảo nghị quyết đầu tiên do Algeria soạn thảo, với nội dung yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và thả vô điều kiện tất cả con tin bị bắt cóc trong vụ tấn công của Hamas ngày 7/10.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield cho rằng cuộc bỏ phiếu là "vô trách nhiệm", cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến "các cuộc đàm phán nhạy cảm”.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với áp lực ngày càng lớn vì hỗ trợ Israel, Washington đưa ra một dự thảo nghị quyết thay thế.
Dự thảo nhấn mạnh "ủng hộ lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza ngay khi có thể" và bày tỏ mối quan ngại đối với tình hình Rafah.
Theo một nguồn tin ngoại giao, dự thảo này có rất ít cơ hội được thông qua vì có thể bị Nga phủ quyết.
Khi các cường quốc tiếp tục tranh cãi, Israel vẫn tấn công Dải Gaza bằng các cuộc không kích và giao tranh trên bộ, khiến tổng cộng 103 người Palestine thiệt mạng trong 24 giờ qua.
LHQ đã nhiều lần cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc ở dải đất của người Palestine, khi thực trạng thiếu lương thực có thể dẫn đến sự bùng nổ số ca tử vong ở trẻ em.
Theo ước tính của LHQ, hơn 4 tháng giao tranh liên tiếp đã san phẳng phần lớn dải đất hẹp ven biển, đẩy 2,2 triệu người đến bờ vực nạn đói và 3/4 dân số phải di dời.
Sau nhiều tháng đấu tranh để có quan điểm thống nhất, tất cả các thành viên Liên minh châu Âu (EU), ngoại trừ Hungary, hôm qua kêu gọi "tạm dừng nhân đạo ngay lập tức".
Họ cũng kêu gọi Israel không tấn công thành phố Rafah ở cực nam của Dải Gaza, nơi khoảng 1,4 triệu người Palestine đang trú ẩn, phần lớn trong những căn lều tạm bợ.
Thành phố này, nơi cuối cùng mà bộ binh Israel chưa chạm tới, là điểm tiếp nhận chính các nguồn cứu trợ qua nước láng giềng Ai Cập.
Israel cho vào rằng cuộc tấn công vào Rafah là cần thiết để tiêu diệt Hamas.