Một thế hệ tương lai bị IS hủy hoại

Google News

Cậu bé họ Muhammad từng thấy tận mắt hàng chục vụ IS chém đầu người và từng chứng kiến một người đàn ông bị ném từ nóc nhà cao tầng xuống đất...

Mời độc giả xem video: Tương lai nào cho trẻ em ở Syria. (Nguồn VTC14)
Cậu bé, chỉ tiết lộ họ là Muhammad, không muốn nhìn cảnh một người bị chặt đầu nên cố níu chặt tay mẹ và nhắm mắt lại. Nhưng ở vùng quê miền bắc Syria của cậu bé từng nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố tàn bạo Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nên phải tuân theo luật lệ của bọn chúng: nếu đi ra ngoài đường thì phải “mở to mắt” mà chứng kiến những cảnh hành hình man rợ như thế!
Cậu bé, nay đã 11 tuổi và đang sống trong trại tị nạn ở thành phố Beirut của Liban, từng nhìn thấy tận mắt hàng chục vụ IS chém đầu người và cũng từng chứng kiến cảnh một người đàn ông bị ném từ nóc một tòa nhà cao tầng xuống đất. Rất nhiều video quay cảnh chiến binh IS hành hình như thời Trung cổ và trẻ em bị bắt buộc xem trong nhà thờ Hồi giáo.
 Trại tị nạn Zaatari ở miền bắc Jordan là nơi tiếp nhận 80.000 người tị nạn Syria.
Ác mộng kinh hoàng
Những đứa trẻ Syria cố gắng chạy trốn bạo lực ở đất nước vẫn luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập - những trận không kích, bọn bắn tỉa, sự đói khát và cả bọ cạp tấn công trên sa mạc. Thậm chí, các em vẫn gặp nguy hiểm cho dù đã đến được nơi tị nạn an toàn. Gánh nặng quá khứ đau buồn của cô bé 10 tuổi tên là Noor - có nghĩa là “ánh sáng”, theo tiếng Arập - lây sang tất cả chúng ta.
Thậm chí khi cười, đôi mắt cô bé vẫn ánh lên nỗi buồn vô tận. Năm 2016, Noor tận mắt chứng kiến cảnh một nhóm chiến binh IS giết chết cha mình. Noor, đang sống chung với 2 người chị, cho biết: “Sau khi cha bị giết, gia đình em cảm thấy không thể ở lại Syria và buộc phải cố gắng tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ”.
Mặc dù Noor và gia đình đã đến được một nơi an toàn cách xa thành phố Aleppo chìm trong khói lửa song cô bé vẫn thường xuyên bị những cơn ác mộng hành hạ.
Noor nằm trong số hàng triệu trẻ em Syria luôn sống trong sợ hãi do buộc phải rời xa căn nhà gia đình và đất nước. Hồi tháng 3/2017, tổ chức phi lợi nhuận Anh Save the Children công bố báo cáo cảnh báo tình trạng trẻ em Syria đang rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thần trầm trọng. Tổ chức này cung cấp sự hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần cho những đứa trẻ đang sống ở Syria cũng như tại các quốc gia tiếp nhận người tị nạn chiến tranh.
 Trẻ em giành nhau lấy nước ở trại tị nạn Ain Issa.
Kevin Watkins, Giám đốc điều hành Save the Children, phát biểu: “Những đứa trẻ tội nghiệp này thường hốt hoảng mỗi khi nghe thấy âm thanh ầm ĩ. Chúng luôn sợ hãi khi chơi đùa ngoài trời và sợ đến trường học. Đây là bi kịch mà chúng ta phải cố gắng chặn lại”.
Noor hiện đang sống trong căn nhà tình thương do Hiệp hội Al Sham thành lập tại thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm cách Aleppo của Syria chừng 97km về phía bắc. Hiệp hội tổ chức những chương trình giáo dục và giải trí cho những đứa trẻ bị mất cha mẹ trong chiến tranh.
Theo báo cáo từ Al Sham, 40% số trẻ em mà tổ chức cưu mang - trong đó bao gồm Noor - được điều trị tâm thần tích cực. Tuy nhiên, Al Sham thiếu sự trợ giúp về tài chính cũng như bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Ekhlas, một thành viên của Al Sham, cho biết, nếu không có sự tài trợ đầy đủ thì những đứa trẻ như Noor sẽ phải tiếp tục sống trong trạng thái trầm uất.
 Trẻ em trong một góc trại Zaatari.
Mặc dù phải sống xa quê hương song Noor thừa nhận mình vẫn còn may mắn hơn những đứa trẻ khác đang mắc kẹt ở Syria. Bên trong Syria, toàn bộ hệ thống y tế đã sụp đổ khi mà bác sĩ và y tá đều đã rời khỏi đất nước. Cũng giống như Al Sham, các tổ chức nhân đạo trợ giúp người Syria đang thiếu nguồn tài chính để hoạt động.
Trong những vùng do IS kiểm soát ở Syria, trẻ em thường xuyên phải sống với những cơn ác mộng kinh hoàng. Trường học bị đóng cửa và dịch bệnh sốt bại liệt quay trở lại. Điều kiện sống thật khủng khiếp - không đủ nước uống và lương thực. Những người đi lấy nước ở sông Euphrate dễ bị bắn chết hay trúng bom.
Thực phẩm hiếm đến mức người lớn phải ưu tiên cho trẻ em chia nhỏ ra ăn nhiều lần trong ngày. Bánh mì là nguồn thức ăn duy nhất mà người dân thành phố Raqqa có thể tìm được.
 Rất nhiều trẻ em Syria bị chấn thương tâm lý do chiến tranh.
Tuổi thơ bị đánh mất
Sống trong trại tị nạn, trẻ em cũng chơi trò chiến tranh với một bên là chiến binh IS và bên kia là đội quân chống IS. Những cậu bé trông già trước tuổi và hành xử cứng rắn như người lớn. Một người tị nạn tên là Mahmoud nói: “Các anh sẽ không nhìn thấy những đứa trẻ sống đúng với lứa tuổi của chúng. Các anh sẽ chỉ nhìn thấy những người lớn trong thân xác trẻ thơ”.
Mặc dù sống trong trại tị nạn, cách xa vùng kiểm soát của IS, bọn trẻ vẫn quấn vải quanh đầu để đóng vai chiến binh IS. Chúng thuộc cả những bài hát tuyên truyền cực đoan của IS. Theo một cuộc điều tra do Save the Children tiến hành, không chỉ trong những vùng do IS kiểm soát mà thậm chí ở khắp đất nước Syria, trẻ em mất khả năng nói hay gặp khó khăn khi phát âm.
Wadha nằm trong số những người may mắn ở Syria. Bà rời khỏi Raqqa vào đầu năm 2017 cùng chồng và 2 cô con gái. Họ có đủ tiền để thuê một căn hộ ở thị trấn lân cận Tal Abyad nằm dưới sự kiểm soát của chiến binh Arập trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Hai cô con gái vẫn còn giật mình sợ hãi mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay trên bầu trời.
Chúng vẫn không quên được sắc lệnh của IS nên cảm thấy sợ khi ra đường mà không che phủ người từ trên xuống dưới. Mỗi khi đêm xuống, Wadha phải kiểm tra xung quanh để chắc chắn không có con bọ cạp nào bò lên giường của con mình. Nhưng dù sao với Wadha thì cuộc sống ở Tal Abyyad vẫn tốt hơn ở Raqqa.
 Trẻ em trong một trại tị nạn ở Ain Issa, Syria.
Mối nguy hiểm mà bé trai Syria thường xuyên phải đối mặt là bị IS lôi kéo vào cỗ máy chiến tranh tàn bạo của bọn chúng. IS lợi dụng trẻ em để thực hiện những tội ác kinh hoàng của chúng, trong đó bao gồm đánh bom liều chết. Nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham, được tin là liên kết với Al Qaeda, cũng tuyển mộ trẻ em ở độ tuổi 15.
Nhưng không chỉ có IS mà ngay đến những lực lượng chiến binh chống khủng bố vẫn tuyển mộ trẻ em vào hàng ngũ của họ - theo báo cáo từ giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) và tổ chức cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd ở Syria và chiến binh Arập trong Lực lượng Dân chủ Syria SDF luôn bác bỏ cáo buộc này.
Paulo Sergio Pinheiro, Chủ tịch Ủy ban Điều tra độc lập về Cộng hòa Arập Syria thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ, cho biết văn phòng ông có chứng cứ về việc SDF “gia tăng tuyển mộ trẻ em” trong chiến dịch tấn công thành phố Raqqa. Một nhân viên cứu trợ (giấu tên của mình và của cả cơ quan vì sợ bị trả thù) tiết lộ SDF tuyển mộ ít nhất 5 bé gái và chừng vài chục bé trai vào hàng ngũ của họ.
Hành vi cưỡng bức trẻ em gia nhập quân đội được coi là vi phạm luật pháp quốc tế và YPG - lực lượng chiến binh người Kurd lớn nhất chống IS ở Syria - cam kết không tuyển mộ trẻ em.
Vết sẹo ẩn kín
Cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần 2. Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới -với gần 3 triệu người Syria và trong số đó gồm hơn 1,3 trẻ em.
Izmir - thành phố lớn thứ 3 Thổ Nhĩ Kỳ có 110.000 người Syria - là nơi mà nữ chuyên gia liệu pháp tâm lý Zeyenp Kapisiz thường xuyên phải xử lý những cơn giận dữ, trầm cảm, sợ hãi của trẻ em. Những vết sẹo đau đớn nhất do xung đột bạo lực gây ra thường ẩn kín. Sau nhiều năm chịu đựng bạo lực và đau khổ, trẻ em Syria mắc phải nhiều dạng rối loạn tâm thần khó chữa trị.
 Trẻ em trong một trại tị nạn ở Ain Issa, Syria.
Zeynep chữa trị cho khoảng 5 bệnh nhân nhỏ tuổi mỗi ngày trong một căn phòng riêng và cùng chơi đùa với trẻ trong căn phòng khác ấm cúng hơn - cả 2 đều nằm trong trung tâm hỗ trợ dưới sự điều hành của Hiệp hội Đoàn kết vì người tị nạn và di cư (ASAM), đối tác của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. ASAM cung cấp mọi dịch vụ cần thiết cho người tị nạn bao gồm: chăm sóc y tế, dinh dưỡng, huấn luyện kỹ năng sống, những bài học tiếng Thổ, hỗ trợ tâm lý...
Zeynep gặp nhiều khó khăn trong công việc do sự trợ giúp về tâm lý - nhất là liệu pháp gia đình - không phổ biến trong văn hóa Syria. Những người cha hiếm khi gặp chuyên gia tâm lý trong khi những người mẹ rất khó chịu khi phải chia sẻ thông tin với Zeynep ngay trước mặt người phiên dịch tiếng Arập. Bởi vì họ tin rằng những vấn đề trong gia đình phải được giữ bí mật đối với người ngoài.
Zeynep giải thích: “Phần đông những đứa trẻ đến để tôi trợ giúp đều bị rối loạn khả năng nói và có hành vi gây hấn. Công việc của tôi là chữa trị, đồng thời giải thích về sự tổn thương tinh thần của trẻ với bậc cha mẹ”.
Đối với Zeynep, giận dữ là biểu hiện thường gặp nhất của tổn thương tinh thần do đó những bài tập thở giúp thư dãn và kiềm chế cảm xúc tiêu cực. Có người cha muốn Zeynep giúp cho đứa con trai mắc hội chứng Down, và người mẹ mong muốn đứa con trai 9 tuổi được chữa tật nói lắp và sự giận dữ sinh ra do nội chiến ở Syria. Một bé gái 13 tuổi của Zeynep bị rối loạn cảm xúc nặng sau khi chứng kiến một vụ nổ bom ở Syria.
Có khoảng 1,5 triệu trẻ em tỵ nạn Syria trong độ tuổi đi học sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liban; trong đó xấp xỉ một nửa không được giáo dục chính thức. Các quốc gia tiếp nhận đang có những giải pháp để trẻ em được đến trường học nhưng gặp khó khăn không ít như là rào cản ngôn ngữ. Đặc biệt thiệt thòi nhất là những trẻ bị thương tật do chiến tranh.
Theo An Di/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)