Điện Capitol “nổi bão” vì chiếc máy dò kim loại

Google News

Biện pháp kiểm tra an ninh tăng cường tại Điện Capitol đào sâu thêm chia rẽ trong bối cảnh các nghị sĩ Dân chủ cáo buộc phe Cộng hòa gây nguy hiểm cho tính mạng của họ.

Dien Capitol “noi bao” vi chiec may do kim loai

 

Sau vụ tấn công của người biểu tình vào Điện Capitol hôm 6/1, nhiều biện pháp an ninh đã được tăng cường để bảo vệ trụ sở Quốc hội Mỹ, trong đó có cả những biện pháp dành cho chính các nghị sĩ.

Hôm 12/1, sĩ quan phụ trách an ninh Điện Capitol Timothy Blodgett gửi thư tới toàn bộ thành viên quốc hội thông báo những ai ra vào khu vực làm việc của Hạ viện sẽ phải trải qua kiểm tra an ninh.

Cụ thể, máy dò kim loại sẽ được bố trí tại một số cửa ra vào khu làm việc của Hạ viện. Những ai không tuân thủ hướng dẫn kiểm tra an ninh, hoặc mang theo "các vật dụng bị cấm" như vũ khí sẽ không được phép đi vào bên trong.

Dien Capitol “noi bao” vi chiec may do kim loai-Hinh-2

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi được kiểm tra an ninh trước khi đi vào bên trong khu làm việc của Hạ viện. Ảnh: Getty.

Tranh cãi về biện pháp an ninh mới

Ngay trong đêm 12/1, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối việc lắp đặt máy dò kim loại, thậm chí có hành vi chống đối cảnh sát bảo vệ Điện Capitol.

Một trong số các chính trị gia phản đối kiểm tra an ninh quyết liệt nhất là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Lauren Boebert. Nghị sĩ Boebert, người ủng hộ quyền sở hữu súng, cho biết bà có giấy phép mang theo súng không cần công khai được Sở cảnh sát Washington cấp.

Bà Boebert thẳng thừng tuyên bố muốn mang súng vào phòng họp của Hạ viện.

Theo AP, luật pháp Mỹ không cấm các thành viên Quốc hội "giữ vũ khí trong phạm vi phòng làm việc của mình", hoặc mang súng "chưa lên đạn và được tra vỏ an toàn" tại Điện Capitol. Mặc dù vậy, việc mang vũ khí vào phòng họp của Hạ viện vẫn là điều gây tranh cãi về mặt pháp lý.

Tranh cãi về kiểm tra an ninh cũng như quy định mang súng trong Điện Capitol khiến chia rẽ giữa các thành viên Quốc hội Mỹ thêm trầm trọng hơn. Các nghị sĩ Dân chủ, cùng một số thành viên đảng Cộng hòa, bày tỏ lo ngại về an toàn tính mạng khi một số người mang súng đi lại trong Điện Capitol.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Jared Huffman cho biết trong quá khứ, các nghị sĩ "thường xuyên" mang súng bên trong Điện Capitol. Một số người "để một khẩu AK-47 đã lên đạn ngay trên bàn và chưa có ai từng hành động trước tình trạng ấy", ông Huffman nói.

Hiện nay, khi đã có quy định cấm mang vũ khí vào bên trong Điện Capitol, nhiều nghị sĩ cảm thấy không hứng thú với các biện pháp an ninh dù chúng áp dụng cho tất cả người ra vào trụ sở quốc hội, bất chấp phản ứng từ các nghị sĩ đồng nghiệp.

Vì sao phe Cộng hòa phản đối?

Trước đây, các nghị sĩ có thể tự do ra vào khu làm việc của Hạ viện. Tuy nhiên, sự tự do của họ giờ phần nào bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế mới được thiết lập.

Một số nghị sĩ Cộng hòa đã tranh cãi với cảnh sát bảo vệ Điện Capitol, nhiều người bày tỏ sự thất vọng và giận dữ với các phóng viên, trong khi những người khác phớt lờ âm thanh báo hiệu phát hiện kim loại và đi thẳng qua máy dò trước sự chứng kiến của cảnh sát bảo vệ.

Dien Capitol “noi bao” vi chiec may do kim loai-Hinh-3

Vệ binh Quốc gia canh gác bên ngoài Điện Capitol. Ảnh: AFP.

Hạ nghị sĩ Don Beyer của đảng Dân chủ đã đăng đàn chỉ trích các đồng nghiệp Cộng hòa trên Twitter cá nhân.

"Liệu họ có hiểu rằng tất cả phải đi qua máy dò kim loại để vào bên trong? Người bình thường sẽ không mang súng đi vào Điện Capitol", ông Beyer viết.

Dù kiểm tra an ninh là bắt buộc đối với những ai đi vào Điện Capitol, "các nghị sĩ thường bỏ qua các điểm kiểm tra bên ngoài, đi vòng qua máy móc an ninh và vẫy tay chào các sĩ quan cảnh sát bảo vệ", tờ Rollcall miêu tả.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Rashida Tlaib thì chỉ trích việc các thành viên Quốc hội tự cho mình ngoại lệ kiểm tra an ninh, trong khi buộc những công dân Mỹ khác phải tuân theo, kể cả với trẻ nhỏ, là hành vi "đạo đức giả".

Các nghị sĩ Cộng hòa đưa ra vô số lý do cho việc phản đối máy dò kim loại. Một nghị sĩ phàn nàn họ bị đối xử "như tội phạm", cho rằng các biện pháp an ninh mới là bằng chứng của "nước Mỹ độc đoán dưới thời Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ viện)".

Hạ nghị sĩ Steve Scalise, quan chức quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, phản đối biện pháp an ninh mới với lý do "cản trở các thành viên quốc hội có mặt và bỏ phiếu".

Một số nghị sĩ tức giận bởi không được tham vấn trước khi quy định mới về kiểm tra an ninh được thi hành. Một số người thì cho rằng những biện pháp an ninh mới sẽ không phát huy hiệu quả răn đe nếu có thêm những vụ tấn công tương tự vào Điện Capitol.

Mới đây, xuất hiện một số cáo buộc từ phe Dân chủ cho rằng có khả năng các thành viên Quốc hội Mỹ có liên quan trực tiếp tới vụ bạo loạn hôm 6/1. Nếu cáo buộc này được chứng minh là có thật, các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không còn lý do để từ chối tuân thủ các biện pháp kiểm soát an ninh tăng cường.

Nỗi sợ hãi của nghị sĩ Dân chủ

Một số nghị sĩ Dân chủ nói lo sợ các đồng nghiệp Cộng hòa có thể khiến họ gặp nguy hiểm tính mạng theo nhiều cách. Cáo buộc này vượt quá tranh cãi về quyền mang súng bên trong Điện Capitol, đẩy chia rẽ giữa hai phe lên mức chưa từng có trong hàng chục năm.

Trong thời gian vụ bạo loạn xảy ra ở Điện Capitol, Hạ nghị sĩ Boebert viết trên Twitter cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã được di tản khỏi phòng họp. Phe Dân chủ cho rằng dòng tweet của nghị sĩ Cộng hòa đã tiết lộ vị trí của bà Pelosi trong thời khắc hiểm nguy.

Bà Boebert bác bỏ cáo buộc và tuyên bố thông tin di tản bà Pelosi đã được truyền thông đăng tải trước đó.

Đề cập tới dòng tweet của bà Boebert, Thượng nghị sĩ Dân chủ Brian Schatz cho biết các nghị sĩ "được hướng dẫn cụ thể về việc không chia sẻ vị trí chính xác" của mình cũng như các đồng nghiệp, kể cả cho người thân trong gia đình.

Dien Capitol “noi bao” vi chiec may do kim loai-Hinh-4

Các nghị sĩ được di tản khi người biểu tình tấn công Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: Rollcall.

Những ngày gần đây, phe Dân chủ bắt đầu tung ra cáo buộc cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa đã đi xa hơn là chỉ kích động nổi loạn.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio Cortez cáo buộc "những kẻ da trắng thượng đẳng tại quốc hội" có thể đã tiết lộ vị trí của cô cho người biểu tình hôm 6/1. Cortez thậm chí cho rằng có người âm mưu khiến cô "bị thương hoặc bị bắt cóc". Nghị sĩ Dân chủ không đưa ra được bằng chứng cho cáo buộc của mình.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dân chủ Mikkie Sherrill cáo buộc một số nghị sĩ Cộng hòa đã dẫn người ủng hộ ông Trump vào tham quan Điện Capitol hôm 5/1 để nắm được sơ đồ bên trong tòa nhà. Những người này sau đó đã xông vào Điện Capitol hôm 6/1, bà Sherrill cáo buộc.

Mặc dù vậy, bà Sherrill không nêu rõ danh tính nghị sĩ Cộng hòa mà bà cáo buộc. Việc các nghị sĩ làm hướng dẫn viên cho khách tham quan là điều thường thấy ở Điện Capitol, theo Vox.

Những cáo buộc của phe Dân chủ nhắm vào các nghị sĩ Cộng hòa tới nay chưa có bằng chứng xác thực, cũng như chưa được điều tra xác minh.

"Mặc dù vậy, Quốc hội Mỹ đã chia rẽ tới mức các nghị sĩ Dân chủ lo sợ phe Cộng hòa có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của họ, và nỗi sợ này không tự nhiên mà có", Vox bình luận.

Sợ hãi bao trùm Điện Capitol không phải điều chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Theo sử gia Joanne Freeman, khoảng 30 năm trước khi xảy ra nội chiến, các thành viên Quốc hội Mỹ đã "liên đới trong ít nhất 80 vụ bạo lực", gồm cả ẩu đả và nổ súng trên nghị trường.

Theo Duy Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)